Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: SCMP/Reuters. |
South China Morning Post ngày 10/6 bình luận, Bắc Kinh dường như đã chấp nhận nhà lãnh đạo đối lập Myanmar bà Aung San Suu Kyi, một động thái báo hiệu ý thức cấp bách của Trung Nam Hải trong việc thúc đẩy quan hệ với ứng cử viên quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới ở quốc gia láng giềng. Bà Aung San Suu Kyi sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ hôm nay đến 14/6.
Người nhận giải thưởng Nobel Hòa bình tới Bắc Kinh hôm nay trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn quốc gia vì dân chủ Myanmar. Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiếp vị khách mời đặc biệt này. Giáo sư Fan Hongwei từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á đại học Hạ Môn cho biết: Điều cuối cùng Bắc Kinh muốn là một sự thay đổi trong chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc trước "quyến rũ" của phương Tây.
Xung quanh chuyến thăm này, tờ Vượng Báo Đài Loan hôm nay dẫn nguồn trang Boxun Hồng Kông cho biết, ông Tập Cận Bình đã quyết định mời bà Aung San Suu Kyi thông qua Ban Liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không qua Bộ Ngoại giao. Nguồn tin nói với Boxun, quyết định mời bà Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc được đưa ra trong cuộc họp 2 ngày của Ủy ban An ninh quốc gia do ông Bình đứng đầu.
Quan hệ Trung Quốc - Myanmar sẽ được Trung Nam Hải quản lý thông qua 3 hướng tiếp cận chính trị - ngoại giao - quân sự. Động thái đầu tiên là điều động quân đội đến sát biên giới với Myanmar tập trận bắn đạn thật để gây áp lực với chính phủ hiện thời nước láng giềng. Phần 2 của chiến lược này là mời nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi thăm Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực lên chính phủ Myanmar khi bầu cử sắp đến gần.
Các nguồn tin cho biết Tập Cận Bình yêu cầu Ban Liên lạc đối ngoại trung ương không chỉ mời Aung San Suu Kyi mà còn cho tuyên truyền rộng rãi, công khai quảng bá cho chuyến thăm này vì ông không hài lòng với thái độ "tiêu cực" của Bộ Ngoại giao khi cơ quan này nói với ông "chưa phải lúc" mời bà Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc.
Bắc Kinh và Naypyidaw đã có mối quan hệ đồng minh ổn định trong thời gian dài. Khi chính quyền quân sự kết thúc năm 2011, Myanmar bắt đầu gây thiện cảm với phương Tây và chỉ trích Trung Quốc. Nhiều dự án trọng điểm của Trung Quốc tại quốc gia láng giềng này bị đình chỉ, bao gồm dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD.
Một thời gian ngắn sau khi Ủy ban An ninh quốc gia được thành lập tháng 11/2013, Tập Cận Bình yêu cầu cơ quan này phân tích chiến lược của Trung Nam Hải đối với Myanmar. Trong khi đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar được lệnh mời bà Aung San Suu Kyi thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm "chưa phải lúc" mà Bắc Kinh nên tập trung duy trì quan hệ với chính phủ Tổng thống Thein Sein.