The Cambodia Daily ngày 6/2 nhận định, Campuchia đã trở nên tai tiếng từ hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 2012, với vai trò Chủ tịch luân phiên của khối, Phnom Penh đã liên tục cản trở các nỗ lực thảo luận về Biển Đông. Bởi vậy nhiều người cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đến Campuchia đã quá rõ.
Trong cuộc họp báo tháng trước, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, hầu như tất cả các nước ASEAN cảm thấy Campuchia đã để lại vết nhơ khi đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012 và họ không muốn điều này tái diễn.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Bangkok Post. |
"Tôi đã nói với John Kerry rằng, đã đến lúc tôi phải đòi lại công bằng về vấn đề Biển Đông năm 2012. Tôi đã nói với ông ấy rằng tôi rất thất vọng, vì tôi cần họ phải biết rằng, tôi thực sự chán ngán trước khi tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ", The Cambodia Daily dẫn lời ông Hun Sen nói.
"Tại sao tôi chán? Bởi vì họ cho rằng Campuchia đã quá ngả theo Trung Quốc, đó là lý do tại sao không thể đưa ra được COC", Thủ tướng Campuchia nói. Ông phân bua, khi các nước khác làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, không nước nào thành công trong việc thúc đẩy COC ra đời.
"Vì vậy những người tấn công Campuchia và tấn công tôi trong quá khứ nên xin lỗi và an ủi tôi. Họ sẽ cho tôi công lý và chứng minh tôi vô tội", Hun Sen nói. Mặc dù vậy, ông vẫn nhắc lại rằng Campuchia "chia sẻ lập trường của Trung Quốc" về việc Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán tay đôi.
"Tôi đã nói với John Kerry rằng, chúng ta không nên đổ thêm dầu vào lửa", The Cambodia Daily dẫn lời Hun Sen, "Tôi muốn làm rõ rằng, Campuchia là quốc gia độc lập, có chủ quyền, và các nhà ngoại giao được yêu cầu không nên có ý kiến."
Người viết cho rằng, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đánh tráo thực tế khi nói rằng một số nước "tấn công" Campuchia và cá nhân ông ngả theo Trung Quốc nên mới không ra được COC năm 2012, trong khi chẳng nước nào làm Chủ tịch luân phiên ASEAN thúc đẩy được COC ra đời.
Rất đơn giản, COC - bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông mang ý nghĩa ràng buộc pháp lý giữa ASEAN với Trung Quốc mà Bắc Kinh liên tục hoãn binh, né tránh thì chẳng nước nào làm Chủ tịch luân phiên có thể thúc đẩy được COC ra đời.
Tuy nhiên người ta không trách Campchia vì COC, mà dư luận bất bình trước việc Campuchia tìm mọi cách ngăn cản thảo luận vấn đề Biển Đông tại hội nghị và đưa nó vào tuyên bố chung, trong khi Biển Đông thời điểm đó đã rất căng thẳng vì những hành vi leo thang của Trung Quốc. Hòa bình, ổn định ở Biển Đông tác động trực tiếp đến an ninh khu vực cũng như nhiều nước thành viên ASEAN.
Trong năm 2012 đã xảy ra cuộc khủng hoảng Scarborough khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines vào tháng Tư. Tháng Sáu 2012 Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế với 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế - thềm lục địa Việt Nam.
Cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc tuyên bố thành lập bất hợp pháp để "quản lý" gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: China Daily. |
Chưa hết, tháng Bảy cùng năm, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" để quản lý toàn bộ Biển Đông và ráo riết thành lập bộ máy chính quyền, xây dựng cơ sở vật chất bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Trong năm 2012, phía Trung Quốc đã bắt giữ tổng cộng 21 ngư dân và 2 tàu cá Việt Nam đánh bắt hợp pháp tại vùng biển trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chưa kể đến trước đó từ tháng Năm, Trung Quốc đã phát hành hộ chiếu đường lưỡi bò bất hợp pháp hòng độc chiếm toàn bộ Biển Đông làm ao nhà.
Trước tình hình đó, đáng lẽ với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Phnom Penh phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của cục diện Biển Đông lúc đó để cùng với các nước thành viên khác trong khối tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, ngăn chặn xung đột, đằng này Campuchia đã làm ngược lại.
Trong khi các nước tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ lo ngại, các bên liên quan yêu cầu đưa những hành vi leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông vào chương trình nghị sự của khối, bởi hòa bình và ổn định ở Biển Đông là tài sản chung, an ninh chung của cả khu vực chứ chẳng riêng nước nào. Campuchia đã nỗ lực bằng mọi giá ngăn chặn điều này, dẫn đến sự đổ vỡ của hội nghị.
Đánh giá về việc Campuchia đã hành xử ra sao, The Cambodia Daily đã nói rất sòng phẳng ở trên thiết nghĩ không cần nhắc lại. Vấn đề đặt ra là tại sao lúc này Thủ tướng Campuchia Hun Sen lại có những phát biểu "lạ" về Biển Đông như vậy?
Thiết nghĩ "ai đó" đã tác động để nhà lãnh đạo Campuchia phải đi nước cờ phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN trong vấn đề Biển Đông ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ mà Tổng thống Obama mời lãnh đạo các nước trong khối sang California giữa tháng này.
Mỹ chủ trương thống nhất nhận thức và phản ứng của khu vực chống lại các hành vi leo thang, bành trướng, thay đổi hiện trạng, chạy đua vũ trang hay đe dọa sử dụng vũ lực đang manh nha trên Biển Đông với những đảo nhân tạo sừng sững đang được Trung Quốc quân sự hóa. Phải chăng Bắc Kinh lại một lần nữa sử dụng "quân cờ" của mình để phá vỡ sự đoàn kết trong ASEAN, chống lại nỗ lực này của Mỹ ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 15, 16/2?