LTS: Ngày 6/11, Hội đồng tái thẩm TANDTC đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về tội giết người của ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng VKSNDTC đã nói: “Tôi cũng rất tiếc có một số người có ý kiến về việc tái thẩm hay giám đốc thẩm. Nhưng việc tái thẩm và giám đốc thẩm khác nhau như thế nào? Tôi nói rõ, tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Trong vụ này, có sự xuất hiện của đối tượng Lý Nguyễn Chung. Tuy tòa chưa tuyên, nhưng khả năng phạm tội của đối tượng Chung là khá rõ ràng…”.
Vậy thực chất, vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn cần xử lý theo hướng “tái thẩm” hay “giám đốc thẩm”? Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả bài viết của TS Vũ Đức Khiển – Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang |
Sau khi đọc bài “Chờ minh oan sau 10 năm lãnh án tù chung thân” ngày 4/11/2013, tuy chưa được đọc hồ sơ vụ án, nhưng khi được nhà báo hỏi ý kiến về việc này thì với sự hiểu biết của mình, tôi đã phát biểu mấy ý kiến với đầy đủ ý thức trách nhiệm để góp phần sớm minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn và xử lý những người đã gây ra nỗi oan trái này.
Sau khi ý kiến của tôi được đăng trên Báo Giáo dục Việt Nam, nhiều người đã gọi điện cho tôi tỏ ý tán thành, cũng có nhiều người không tán thành. Nhiều phóng viên các báo, đài đã tới gặp đề nghị tôi làm rõ thêm ý kiến của mình, nhưng tôi từ chối, không phải vì mình không có lý lẽ và căn cứ pháp luật, mà vì không muốn tranh luận đúng sai ở đây. Tôi chỉ muốn góp ý để cán bộ và cơ quan có thẩm quyền tham khảo sớm giải oan và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Chấn.
Với suy nghĩ như vậy, mặc dù đã được nghỉ hưu, nhưng do bị day dứt lương tâm nên tôi vẫn lên tiếng về những vụ án mà tôi cho rằng người dân đã bị kết tội oan, như trường hợp của anh Lê Bá Mai ở Bình Phước. Nay đọc thêm nhiều bài báo khác nữa, tôi càng tin rằng, ông Chấn đã bị kết tội oan. Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh rõ mục đích, động cơ phạm tội giết chị Nguyễn Thị Hoan thế nào, vậy mà ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra xét xử, kết tội và phạt tù chung thân đối với ông Chấn.
Do ông Chân kháng cáo kêu oan nên Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vào ngày 26 và 27/7/2004 tuyên y án sơ thẩm. Vì vậy, ông Chấn đã phải đi tù hơn 10 năm. Song, tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, và cả trong thời gian ở trong nhà tù, ông Chấn đều tố cáo đã bị đánh đập, nhục hình, truy bức mớm cung, thậm chí còn được “huấn luyện” để diễn lại quá trình thực hiện tội phạm phục vụ cho cuộc thực nghiệm điều tra, do Cơ quan điều tra tiến hành.
Ông Chấn, cùng với luật sư bào chữa và gia đình đã đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh rằng ông không phạm tội. Thế nhưng Tòa án cả hai cấp xét xử vẫn kết tội ông. Thật may mắn và phúc đức cho ông Chấn khi có vợ là bà Nguyễn Thị Chiến đã bỏ nhiều công sức, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, đi thu thập được nhiều thông tin có giá trị nên ngày 5/7/2013 bà gửi đơn đến VKSNDTC kêu oan cho chồng và tố cáo Lý Nguyễn Chung đã giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.
Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ: "Đó chính là tình tiết mới. Tôi không gọi là hung thủ mới. Mà tôi gọi là anh Lý Nguyễn Chung tự thú và có một vài lời khai của những người khác cho rằng anh này phạm tội. Sau này nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh rằng tình tiết này đúng thực tế làm thay đổi toàn bộ vụ án thì như vậy gọi là tái thẩm".
Tôi cũng được tin là Cục Điều tra thuộc VKSNDTC đã rất tích cực, không quản ngại khó khăn gian khổ, không do dự trước một số ý kiến không ủng hộ, lặn lội ngày đêm đến tận thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; lên Lạng Sơn, vào Đắc Lắck để xác minh những tin tức do bà Chiến cung cấp.
Và cuối cùng đã xác định rằng những tình tiết đó là xác thực và vận động Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Đến đây thì tôi cho rằng,đã có đủ căn cứ quy định tại Điều 273 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2004 để kháng nghị Giám đốc thẩm đối với hai bản án trên. Cụ thể là:
1. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
2. Có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Nếu Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy cả hai bản án đã kết tội và tuyên phạt ông Chấn, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lại theo hướng tuyên bố ông Chấn không phạm tội, trả tự do cho ông thì Tòa phúc thẩm TANDTC là đơn vị thuộc TANDTC phải bồi thường mọi thiệt hại cho ông Chấn; đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý những người tiến hành tố tụng đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, gây oan trái cho ông Chấn.
Như vậy, Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm ra quyết định chấp nhận và có nội dung như trong kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC thì ông Chấn sẽ sớm được minh oan; những người tiến hành tố tụng đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng phải bị xử lý; TANDTC có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn.
Sau 10 năm ngồi tù oan, anh Nguyễn Thanh Chấn đã được trở về với gia đình. |
Thưa ông, trong kháng nghị của VKS có những chứng cứ cho thấy quá trình điều tra, truy tố trước đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tại sao mình không lấy đấy làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm để minh oan nhanh hơn cho ông Chấn?
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSNDTC: "Kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của tòa án trong luật đã ghi rồi: Hoặc là bác kháng nghị, hoặc là chấp nhận kháng nghị, hoặc là hủy án trả lại để điều tra từ đầu.
Các kết luận của tái thẩm hoặc giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm có thể kết luận khác mà giám đốc thẩm kết luận khác".
Tuy nhiên, rất tiếc là VKSNDTC lại ra quyết định kháng nghị tái thẩm. Cần phải nói rõ rằng, những tình tiết nêu trong đơn khiếu nại kêu oan và khai báo tại hai phiên tòa, cũng như những tình tiết mà bà Nguyễn Thị Chiến tố cáo đã xảy ra lâu lắm rồi, nhưng những người tiến hành tố tụng không xem xét; nay Cục Điều tra của VKSNDTC đi xác minh thấy xác thực thì đâu phải là những tình tiết mới phát hiện để kháng nghị tái thẩm theo Điều 291 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2004.
Theo thủ tục tái thẩm sẽ lại có thêm một vòng quay tố tụng mới (nghĩa là lại qua các giai đoạn điều tra, truy tốvà xét xử), vì vậy ông Chấn và những người quan tâm đến việc giải quyết vụ án này tiếp tục phải chờ đợi xem ông Chấn có được minh oan hay không (còn nếu theo Giám đốc thẩm thì TANDTC phải đền bù, oan sai của ông Chấn sẽ sớm khép lại).
Chúng tôi dự đoán kết quả thực hiện quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ có thể là:
1. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vì thấy rằng ông Chấn không phạm tội. Trong trường hợp này, Công an tỉnh Bắc Giang phải bồi thường thiệt hại cho ông Chấn.
2. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vẫn có kết luận điều tra đề nghị VKSND tỉnh Bắc Giang làm cáo trạng truy tố ông Chấn thì sẽ xảy ra hai kết quả sau đây:
- Một là, VKSND tỉnh Bắc Giang không ra cáo trạng truy tố ông Chấn, vì thấy rằng ông Chấn không phạ tội và đình chỉ điều tra. Trong trường hợp này, Công an tỉnh Bắc Giang phải bồi thường thiệt hại cho ông Chấn.
- Hai là, VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn ra cáo trạng truy tố ông Chấn, nhưng TAND tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử và tuyên bố ông Chấn không phạm tội. Trong trường hợp này, VKSND tỉnh Bắc Giang phải bồi thường thiệt hại cho ông Chấn.
Như vậy là quyết định kháng nghị tái thẩm và bản án tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ giúp cho TANDTC thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn; hoàn toàn trái ngược với kết quả kháng nghị Giám đốc thẩm mà tôi đã nói ở trên.
Trong vụ án này sẽ có quá trình điều tra, truy tố và xét xử Lý Nguyễn Chung (đầu thú vào ngày 25/10/2013, sau hơn 3 tháng bà Chiến có đơn tố cáo). Nhưng đây là một quá trình tương đối độc lập, không gắn kết với việc minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, dù Lý Nguyễn Chung có ra đầu thú hay không.
Chúng tôi gác lại quá trình này, không bàn luận ở đây!