Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13

21/02/2014 15:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại phiên họp của UBTV Quốc hội sáng nay đã đi đến thống nhất, kỳ họp thứ 7 sẽ tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá lại về Nghị quyết 35.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (21/2), bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết: Qua việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Công tác đại biểu đưa ra đề nghị tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2014, để rà soát đánh giá lại về Nghị quyết số 35, sau đó sẽ đưa ra xin phép Quốc hội về phương hướng triển khai tiếp theo.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 tới đây sẽ tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 tới đây sẽ tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu.

Cho ý kiến về việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm VP Quốc hội cho biết, cử tri đánh giá rất cao việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, nay tạm dừng thì phải thông báo tới ĐBQH thế nào?

“Việc lấy phiếu tín nhiệm đang hay, tốt như vậy mà đột ngột dừng. Vì thế tại kỳ họp thứ 7 này, UBTV QH giao Ban Công tác đại biểu có báo cáo trước QH về việc chỉnh sửa, bổ sung một số điều, tôi nghĩ QH cũng đồng tình thôi, nhưng cần có thông báo lý do sớm tới ĐBQH, đồng thời cũng phải nói rõ đây là tạm dừng để đánh giá lại việc lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải dừng luôn”, ông Phúc bày tỏ.

Trong khi đó, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định, công tác cán bộ thuộc về Đảng và lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một kênh để Đảng đánh giá cán bộ, chứ không phải đây là kênh đánh giá duy nhất.

Ông Ksor Phước nói: “Tôi đồng ý tạm dừng theo đề nghị của Ban công tác đại biểu với lý do là văn bản chưa ổn, vì thế cần xem xét để điều chỉnh. Như việc có cần thiết phải giảm vì hầu hết cán bộ cơ quan của QH, HĐND tín nhiệm cao; nhưng bên hành pháp còn đa số số tín nhiệm thấp, thậm chí là dưới 50%.

Những vị trí dân cử thì ít có va với đời sống thức tế của nhân dân mà chủ yếu thuộc về các vị trí ở cơ quan hành pháp, cho nên cũng có thể nghiên cứu xem xét có nên chỉ lấy phiếu với những vị trí làm công tác hàng pháp không, như thế sẽ phản ánh đúng thực tế của ngành. Tuy nhiên, ở đây cũng phải thấy một điểm nữa là có khi một vị được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm thì ở tổ chức Đảng đạt số phiếu cao, nhưng đưa ra Quốc hội thì số phiếu lại thấp, cho nên cũng cần phải xem lại chỗ này”.

Khẳng định về việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: “Bộ Chính trị chỉ chỉ đạo dừng việc lấy phiếu vào đầu năm 2014 thôi và yêu cầu sửa Nghị quyết 35 chứ không phải là dừng hẳn. Việc này vừa đúng chỉ đạo của Bộ chính trị và không tạo cú sốc cho dư luận xã hội. Việc lấy phiếu vừa qua chặt chẽ, nghiêm túc và được dự luận đón nhận”.

Cuối buổi thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam và đây cũng là duy nhất trên thế giới, kết quả đã phản ánh đúng với tình hình đất nước, tiến hành rất nghiêm túc, công khai, công tâm, minh bạch.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Kết quả lấy phiếu cũng phản ảnh đúng tình hình đất nước. Các vị số phiếu cao thì các đại biểu, nhân dân nhắc để tiếp tục cố gắng; các vị đứng mũi chịu sào số phiếu chưa cao cũng là nhắc nhở để nỗ lực hơn. Trong lần đầu có nhiều ý kiến đóng góp thì UBTVQH tiếp thu để chỉnh sửa trong quá trình tiến hành. Phải hứa với QH, với đồng bào như thế”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ban Công tác tại biểu Quốc hội chủ trì thực hiện đề án rà soát đánh giá lại Nghị quyết 35, Chủ nhiệm Pháp luật Phan Trung Lý thực hiện việc trợ giúp Ban Công tác ĐBQH. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ Quốc hội thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2014 sẽ bàn cụ thể về việc lấy phiếu tín nhiệm lần sau thực hiện như thế nào.

Ngọc Quang