LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Kĩ sư cơ khí hàng không Trần Thắng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII (2014-2019).
Những ngày đầu năm mới 2018, những cảm xúc về sự kiện thất thủ Hoàng Sa năm 1974 lại ùa về, Kĩ sư Trần Thắng gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một vài chia sẻ nỗi niềm, góc nhìn của một người con xa quê về chủ quyền, lãnh thổ, xin trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Ðà Nẵng với sự tham dự của 23 nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói về lịch sử Việt Nam trong bài diễn văn:
“Nước chủ nhà Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm. Vào khoảng năm 40, Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này.
Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn”.
Ý nghĩa câu nói của Tổng thống Donald Trump là phải dùng sức mạnh để bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của đất nước, và lịch sử luôn ghi nhớ những người đã tranh đấu bảo vệ đất nước.
Kĩ sư Trần Thắng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Mặc dù sinh ra ở Quảng Ngãi, quê hương của Hải đội Hoàng Sa, với ngư dân chủ yếu ở Lý Sơn, nhưng thú thật sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 với tôi là một khái niệm xa lạ khi còn ở Việt Nam.
Không có nhiều người nói cho tôi biết về việc Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo này.
Và khi ngồi trên ghế nhà trường thời trung học tại thành phố Hồ Chí Minh những năm 1990, tôi cũng không được học về thực tế những gì đã diễn ra ở Hoàng Sa.
Tôi biết đến sự kiện này trong khoảng sau năm 2010 và có ý thức việc bảo vệ chủ quyền biển đảo khi đọc thông tin về việc tiến sĩ Mai Thanh Hồng giới thiệu về bức bản đồ nhà Thanh, trong đó nêu rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau đó tôi quyết định đi sưu tập bản đồ để có thêm bằng chứng và tư liệu bổ sung về cơ sở pháp lý khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Và chính lúc này, những dữ kiện về Hoàng Sa trong ý thức của tôi được hệ thống và hoàn thiện hơn.
Tôi luôn có cảm giác mất mát về tinh thần, khi chủ quyền bị tổn hại. Từ đó mình nghĩ trách nhiệm của những người trong xã hội để tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.
Chúng ta nên ghi ơn những người đã bảo vệ Hoàng Sa, không kể ở chế độ nào.
Kĩ sư Trần Trắng trong buổi trao tấm bản đồ cuối cùng trong bộ sưu tập của mình cho Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Những đội lính của triều Nguyễn hay Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống không phải vì chế độ, mà là bảo vệ chủ quyền cho đất nước. Đó là điều đáng trân trọng để tưởng nhớ đến.
Tôi mong muốn chính quyền Ðà Nẵng thường xuyên được tổ chức, để nhắc nhớ nhiều hơn. Cần dựng lại trận chiến đó để những người trẻ có cái nhìn trực quan, sinh động và nhớ được sử nước mình.
Điều tôi vẫn lấy làm tiếc, đó là sự kiện này chưa được chính thức đưa vào sách giáo khoa để giáo dục cho học sinh. Ở Đà Nẵng đã đưa sự kiện mất Hoàng Sa vào một chương trình gọi là lịch sử địa phương.
Nhưng như thế vẫn chưa đúng tầm vóc của vấn đề và sự kiện lịch sử.
Chúng ta chỉ có thể tìm thấy những tư liệu về Hoàng Sa nhiều hơn trên Internet, nhưng như thế rất dễ gặp những thông tin không được kiểm chứng, gây tác hại ngược lại cho người tiếp nhận.
Một nén hương lòng gửi tới Hoàng Sa |
Việc đưa vào lịch sử hoàn toàn không tạo ra thù hằn hay kích động, mà là trả lịch sử về đúng giá trị thật của nó, hiểu lịch sử để vững tin trong hiện tại và định hướng cho tương lai.
Chỉ khi càng nhiều người biết đến, thì xã hội mới càng có trách nhiệm đối với chủ quyền, không những Hoàng Sa mà còn với chủ quyền ở khắp dải đất hình chữ S hay trên vùng biển, vùng trời.
Tôi đồng ý quan điểm với ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, rằng nếu đời này không đòi lại được chủ quyền Hoàng Sa, thì đến đời con, đời cháu của chúng ta phải tiếp tục đấu tranh.
Chúng ta có trách nhiệm truyền tải thông tin đầy đủ nhất về Hoàng Sa để hình thành ý thức chủ quyền mạnh mẽ và có sự dấn thân bảo vệ chủ quyền của thế hệ trẻ Việt Nam.
Tôi cũng theo dõi về việc Đà Nẵng xây dựng Bảo tàng Hoàng Sa, hay ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên ngọn núi Thới Lới.
Tôi đã từng rất mong mỏi được đặt chân đến những công trình trong nhiều lần trở về Việt Nam, trong vòng 2 năm qua. Nhưng tiếc là chưa công trình nào hoàn thiện.
Có thể người ta sẽ có nhiều lý do về việc trễ hẹn này.
Nhưng tôi nghĩ chính quyền địa phương chưa đặt đúng tầm của những công trình gắn với việc giáo dục về chủ quyền, ghi ơn những nghĩa sĩ đóng góp xương máu mình cho Tổ quốc.
Đừng để người Trung Quốc "cười" chúng ta |
Không có nhiều bạn bè của tôi ở hải ngoại hỏi về những công trình lịch sử này. Có lẽ do mọi người không quan tâm, hay do chúng ta chưa thực sự tuyên truyền sâu rộng sự kiện này?
Ý tưởng Hoàng Sa phải có đất có dân từng được nhiều người đề bạt. Tuy nhiên đến nay dần bị lãng quên, mặc dù đây là một ý tưởng tuyệt vời!
Có đất có dân không chỉ để hoàn thiện về bộ máy tổ chức hành chính địa phương, tức là phải có dân để bầu ra Hội đồng nhân dân. Mà thực tế từ thời xưa, đã có người dân ra sinh sống ở Hoàng Sa.
Tôi khá ấn tượng với tờ giấy khai sinh đóng dấu ở Hoàng Sa được triển lãm. Thời đó đã có những công dân Hoàng Sa.
Khi Hoàng Sa có dân và có những hoạt động chính quyền, thì chắc chắn cái tên về quần đảo này sẽ nhắc đến nhiều hơn và trở lên gần gũi trong thâm thức người dân.
Sẽ có thêm những trường học, bệnh viện, mang tên Hoàng Sa. Sẽ có thêm những em bé được đóng dấu khai sinh từ huyện Hoàng Sa. Và khi đó, tôi cũng có thể được đăng ký làm công dân của huyện Hoàng Sa.
Ở hải ngoại, tôi đã từng gửi thư cho Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Hoa Kỳ để giới thiệu cho họ những tư liệu về Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Ngài John McCain hồi âm, và ủng hộ quan điểm chủ quyền của Việt Nam.
Tôi đã lên kế hoạch tặng những bộ sưu tập bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam cho 100 trường đại học ở Mỹ để họ có thêm những tư liệu về Việt Nam.
Và tôi hy vọng giới học giả và các nhà nghiên cứu có thêm tài liệu để hiểu hơn về địa chính trị của Việt Nam.
Khi có nhiều người biết đến việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, thì việc đấu tranh đòi lại chủ quyền của Việt Nam sẽ được cộng đồng thế giới ủng hộ nhiều hơn.
Kĩ sư Trần Thắng là người đã sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định việc Nhà nước Việt Nam trong lịch sử là nhà nước đầu tiên thực hiện việc chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ khi là đất vô chủ. Từ tháng 8 đến tháng 12/2012 đã có 150 bản đồ cổ Trung Quốc và Hoàng Sa, 3 cuốn atlats để tặng cho nhà nước Việt Nam, góp phần chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của nước ta với 2 quần đảo này. |