Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ lại vừa lên tiếng lấp liếm, ngụy biện cho hành vi leo thang, thay đổi hiện trạng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Đại Công Báo. |
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 17/4 có bài xã luận bình luận rằng, sự can thiệp của Nhật Bản ở Biển Đông là "sai lầm về thời gian cũng như địa điểm" sau khi Tokyo sử dụng các diễn đàn đa phương như G-7 để can thiệp vào tình hình Biển Đông. Tân Hoa Xã gọi hành động này của Nhật Bản là "khôn ngoan, nhưng không đúng lúc và đúng chỗ".
Ngoại trưởng các nước G-7 biên soạn một tài liệu về an ninh hàng hải và công bố hôm Thứ Tư, đổi mới sự quan tâm đến Biển Đông bằng cách chống lại bất kỳ nỗ lực nào theo đuổi yêu sách hàng hải - lãnh thổ thông qua việc sử dụng các biện pháp đe dọa, ép buộc hoặc vũ lực. Tài liệu này là kết quả của nỗ lực thống nhất của chính phủ Nhật Bản vốn rất quan tâm đến việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự những năm tới nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà G-7 không phải là "thành viên liên quan".
Tân Hoa Xã bình luận, sự can thiệp của Nhật Bản vào tranh chấp Biển Đông là nhằm mục đích một phần để chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của Trung Quốc từ Hoa Đông, nơi Trung - Nhật căng thẳng xung quanh chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang gia tăng xuống Biển Đông. Kế hoạch này cũng nhằm mục đích thu hút sự chú ý toàn cầu đối với tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe dịp kỷ niệm 70 kết thúc Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh gọi là sự đầu hàng của Nhật Bản và "lập trường bao biện cho hành động của Nhật trong thời chiến".
Những ai thường xuyên quan tâm đến thời sự khu vực Đông Á đều dễ nhận thấy, tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển là vô cùng, từ Hoàng Hải, Hoa Đông cho tới Biển Đông. Ở Hoàng Hải, cái gọi là vùng nhận diện phòng không Trung Quốc đơn phương tuyên bố đã đè lên cả không phận Hàn Quốc, nhưng đây không phải vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh ngó tới, nhưng họ cứ tuyên bố để đấy - PV.
Còn Hoa Đông, dù tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc không có gì thay đổi, nhưng đối thủ của họ lại không hề dễ bắt nạt là Nhật Bản và đằng sau là sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ với hiệp ước đảm bảo an ninh. Người đứng đầu Nhà Trắng đã tuyên bố công khai và rõ ràng, Trung Quốc đánh Senkaku, Mỹ sẽ có trách nhiệm ra tay bảo vệ. Các đối thủ ở Biển Đông thì vừa không có sự đảm bảo "thép" nào chắc chắn như Nhật Bản có. Trong khi thực tế đã chứng minh Trung Quốc có thể khống chế, chia rẽ hiệu quả ASEAN trong vấn đề Biển Đông, và họ đã chọn Biển Đông làm "đột phá khẩu" cho tham vọng bành trướng lãnh thổ - hàng hải của mình - PV.
Trên thực địa thì sao? Hạm đội Nam Hải là lực lượng mạnh nhất trong 3 hạm đội hải quân Trung Quốc và được ưu tiên những vũ khí, trang bị mới nhất. Lực lượng hải cảnh, còn gọi là tuần tra bán vũ trang hay tàu vỏ trắng mà thực tế là lực lượng quân sự trá hình của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn lực lượng tuần tra của cả 4 nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông và Nhật Bản cộng lại. Chưa dừng lại ở đây, Trung Quốc còn đang xây dựng, cải tạo bất hợp pháp 7 bãi đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ 1988, 1995, và đang biến chúng thành những tiền đồn quân sự khủng khiếp mà Tổng thống Mỹ cũng phải thốt lên lo ngại - PV.
Và việc cộng đồng quốc tế cũng như khu vực bày tỏ mối quan ngại trước tham vọng và thủ đoạn bành trướng lãnh thổ - hàng hải đã quá lộ liễu, liều lĩnh của Trung Quốc ở Biển Đông là một thực tế không ai có thể "xui khiến" được. Từ ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc cho đến EU đều nhất trí cho rằng, hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải - hàng không, tự do hàng hải và luật pháp quốc tế phải được tôn trọng trên tuyến đường hàng hải huyết mạch hàng đầu thế giới này. Nhiều nước có quyền và lợi ích hợp pháp sát sườn ở Biển Đông - PV.
Trước dã tâm không thể che dấu đó, việc Bắc Kinh bù lu bù loa Mỹ - Nhật hay bất cứ quốc gia nào khác "can thiệp" vào Biển Đông cũng là điều dễ hiểu. Và cũng chỉ có chuyện Trung Quốc "dụ" dư luận chú ý vào Hoa Đông hay bới lại lịch sử để che lấp cho tham vọng bành trướng cái gọi là "chủ quyền lãnh thổ" của mình chứ không phải Nhật Bản hay bất cứ quốc gia nào khác. Một trong những mục đích quan trọng của việc hạ đặt trái phép giàn khoan năm 2014 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cũng chính là nhằm nghi binh, thu hút dư luận để Bắc Kinh rảnh tay tập trung vào xây đảo nhân tạo, pháo đài trái phép ở Trường Sa. Và bây giờ các căn cứ quân sự, sân bay quân sự đang dần lộ nguyên hình - PV.
Một sân bay quân sự đã lộ nguyên hình ngoài bãi đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng trái phép từ năm 1988 vừa được công bố gây sốc, lo ngại trong dư luận. |
Nên việc Tân Hoa Xã quy kết, chụp mũ: "Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng diễn đàn G7 như một công cụ để phục vụ lợi ích và mục đích ích kỷ của mình là một việc đáng xấu hổ" chẳng qua chỉ là trò nói lấy được, cả vú lấp miệng em thường thấy. Nguy hiểm hơn, chiêu bài tuyên truyền của Tân Hoa Xã còn cố kéo Việt Nam về phía mình, như một đồng minh của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng thủ đoạn bóp méo sự thật quen thuộc.
Tân Hoa Xã nói Nhật Bản làm vậy "chỉ thổi bùng căng thẳng, gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực và đặc biệt là không phù hợp, không khôn ngoan trong thời điểm Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển một cách hòa bình thông qua đàm phán hữu nghị với các nước liên quan. Đã có tiến bộ tuyệt vời trong những nỗ lực của Trung Quốc để duy trì giao tiếp tích cực và hiệu quả với các thành viên ASEAN về vấn đề lãnh thổ".
Tân Hoa Xã tiếp tục lối tuyên truyền vơ vào lấy được: "Từ ngày 7 đến 10/4 Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc, nơi ông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đạt đến sự hiểu biết quan trọng phổ biến về một số tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết giữa hai nước. Thông qua thảo luận chiều sâu và thân thiện, hai bên đang làm cho mối quan hệ giữa họ lành mạnh hơn, ổn định và bền vững, đồng ý rằng không có tranh chấp nào mà không thể được giải quyết với truyền thống chân thành và độc lập đó".
Trò mị dân và thủ đoạn tuyên truyền đánh tráo, gán ghép khái niệm này của Tân Hoa Xã khá nguy hiểm, nhưng không dễ bịp dư luận trong một thế giới phẳng như ngày nay, khi thông tin có thể kiểm chứng đa chiều. Thứ nhất, đúng là Trung Quốc rất nỗ lực tìm cách đàm phán "với các nước liên quan", nhưng không ai chấp nhận đàm phán tay đôi đối với những tranh chấp đa phương ở khu vực quần đảo Trường Sa, thậm chí Philippines đã và đang phải khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển. "Các nước liên quan" chẳng qua cũng chỉ là một uyển ngữ né tránh cho từ song phương, tay đôi dễ gây phản ứng mà thôi.
Thứ hai, cái gọi là "tiến bộ tuyệt vời" trong giao tiếp giữa Trung Quốc với "thành viên ASEAN" thực chất là gì? Đó là sự trì hoàn vô thời hạn và hết sức vô lý của Bắc Kinh trong việc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong khi cả khối ASEAN đã sẵn sàng và rất nóng lòng thúc đẩy. Đơn giản là vì COC chính là rào cản ngáng đường đối với những hành vi khiêu khích, gây hấn, thay đổi hiện trạng trên Biển Đông mà có kẻ đang ra sức thúc đẩy.
Lại nữa, Bắc Kinh vẫn trước sau khăng khăng luận điệu Biển Đông không phải tất cả trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc, không phải vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc mà chỉ là với 4 nước ASEAN mà thôi nhằm chia rẽ sự đoàn kết nội bộ của khối.
Thứ ba và cũng là ngón đòn hiểm nhất của hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc này là cố tình kéo Việt Nam về phía họ trong cuộc chiến lòe bịp dư luận, nhưng dù lời lẽ có "uyển chuyển" đến đâu cũng không che nổi dã tâm quá lớn. Chỉ một cụm từ "truyền thống chân thành và độc lập" ấy, Tân Hoa Xã đang cố tình bóp méo sự thật để reo rắc trong dư luận một cảm giác rằng Việt Nam đồng ý đàm phán tay đôi với Trung Quốc ở Biển Đông trong khi điều này hoàn toàn không có thật, phi lý đến mức chính nó phủ nhận quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam mà Việt Nam đang ra sức bảo vệ.
Để duy trì hòa bình, ổn định trong quan hệ giữa 2 nước cũng như khu vực, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận về nguyên tắc xử lý bất đồng trên biển, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Những tranh chấp song phương có thể đàm phán hữu nghị song phương để giải quyết, ví dụ như quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Những khu vực có tranh chấp đa phương đương nhiên không thể có chuyện giải quyết thông qua đàm phán tay đôi như cái gọi là "chân thành và độc lập" giữa Trung Quốc với bất kỳ 1 quốc gia nào như Tân Hoa Xã reo rắc.
Kết luận bài xã luận, Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa "nằm hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền của mình", còn Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì nói Bắc Kinh là người ủng hộ trung thành cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông?!
Nói như Tân Hoa Xã, chẳng qua chính là biến tấu của quan điểm ngoại giao phi lý không ai chấp nhận được của các nhà đàm phán Trung Quốc: "Biển Đông thuộc chủ quyền của chúng tôi, các anh phải thừa nhận rồi sau đó đàm phán gì thì đàm phán"?! Còn ông Khải nói Bắc Kinh trung thành ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nhưng thực tế lại là sự "ủng hộ" bằng súng ống, vũ khí, sân bay quân sự, dàn khoan lãnh thổ di động, tàu quân sự, tàu quân sự trá hình và tàu cá vỏ thép sẵn sàng húc chìm tàu cá láng giềng trên Biển Đông - PV.