Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. |
Tân Hoa Xã ngày 12/6 đã có loạt bài xuyên tạc sự thật về cái gọi là "chủ quyền với quần đảo Tây Sa", tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp, đồng thời vu cáo, bôi nhọ Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương 981.
Phóng viên Tân Hoa Xã từ Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc đưa tin, có bằng chứng cho thấy hoạt động thương mại qua biên giới Việt - Trung ở khu vực Quảng Tây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì căng thẳng giữa 2 nước trên Biển Đông.
Kim ngạch xuất nhập khẩu thị trường Việt Nam, Trung Quốc trên các cửa khẩu địa bàn tỉnh Quảng Tây trong tháng 5 đã giảm 8,1% so với tháng 4, trong khi con số tương đương từ phía Việt Nam là 29,9%.
Tại thành phố Bằng Tường, khu vực thương mại vùng biên giáp với Việt Nam, số lượng xe chở hàng hóa từ Việt Nam sang đã giảm đáng kể. 3 tháng trước xe chở dưa hấu từ Việt Nam sang đã phải xếp hàng dài 20 km chờ thông quan để vào thị trường Trung Quốc, thông thường mất 6 ngày. Nhưng bây giờ số lượng xe ít hơn mức bình thường.
Để bôi nhọ Việt Nam, Tân Hoa Xã "dẫn lời" một thương nhân Trung Quốc nói rằng họ không còn tin tưởng đối tác tại Việt Nam vì nhiều người lo ngại họ sẽ không trả tiền sau khi nhận được hàng hóa từ Trung Quốc?!
Vụ việc một số kẻ xấu lợi dụng người dân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để gây rối, phá hoại một số doanh nghiệp nước ngoài, đã bị chính phủ Việt Nam nghiêm trị nay tiếp tục bị Tân Hoa Xã lôi ra bóp méo thành "các vụ bạo động nhằm vào doanh nghiệp nước ngoài", "sự thù địch", "chống Trung Quốc"...để kích động người dân và bôi nhọ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quay trở lại với cái gọi là "chủ quyền không thể tranh biện" của Trung Quốc với "Tây Sa", Tân Hoa Xã đưa ra đúng 6 dòng căn cứ nhưng chỉ có 1 câu "chứng cứ lịch sử" vu vơ để ngụy biện cho yêu sách hoang tưởng của họ trên Biển Đông.
Tân Hoa Xã nói bâng quơ rằng "hải quân nhà Bắc Tống đã thiết lập chủ quyền, thường xuyên tuần tra" ở Hoàng Sa mà không đưa ra bất cứ chứng cứ nào. Chỉ dựa vào mỗi câu khẳng định vô thưởng vô phạt "từ thời Bắc Tống" này, Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lồng ghép thô thiển vào lịch sử để nói Nhật Bản "xâm lược Tây Sa của Trung Quốc" và phải trả lại người Trung Quốc theo Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam.
Theo Tân Hoa Xã, 2 bản tuyên bố này có nói "tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh chiếm của Trung Quốc cần được trả lại Trung Quốc", nhưng thực tế quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc để họ đòi trả lại.
Kiểu lý luận của Bắc Kinh vừa khôi hài lại vừa trẻ con, cãi lý không xong thì nổi cùn dùng vũ lực đe dọa, một thủ đoạn không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh - PV.