Tăng cường giám sát để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

24/09/2018 15:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện hàng trăm cuộc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Đào Việt Ánh cho biết, trên cơ sở các quy chế phối hợp được ký kết, trong 5 năm qua (từ 2014-2018), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan khác đã lập các đoàn giám sát liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội đối với 69 doanh nghiệp trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố.

Cụ thể trong 2 năm (2014-2015), đoàn giám sát liên ngành về Bảo hiểm xã hội giám sát tại 28 doanh nghiệp trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp và An Giang).

Tại các cuộc giám sát, Đoàn đề nghị doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật,  khắc phục các vi phạm; giải đáp, hướng dẫn cho doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến thực hiện pháp luật.

Đặc biệt là nội dung ký đúng loại hợp đồng lao động đảm bảo việc đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên; trả thêm 30% tiền lương cho người lao động ký hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng.

Năm 2016, đoàn tiến hành giám sát tại 9 doanh nghiệp trên địa bàn 03 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương); một số doanh nghiệp đã đóng số tiền nợ Bảo hiểm xã hội ngay trước thời điểm Đoàn giám sát vào làm việc. Thí dụ, Công ty TNHH Schindler Việt Nam đã nộp số tiền nợ Bảo hiểm xã hội là hơn 7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Trần Đức nộp một phần số tiền nợ Bảo hiểm xã hội là hơn 3,5 tỷ đồng.

Về cơ bản, các doanh nghiệp tuân thủ việc tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động; lập, quản lý hồ sơ, sổ sách theo dõi, thực hiện việc đóng và giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kịp thời, đúng quy định…

Tuy nhiên, còn một số vi phạm chủ yếu đã phát hiện qua giám sát như: có 6/9 doanh nghiệp thường xuyên chậm đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định (trong khoảng từ 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ Bảo hiểm xã hội của 9 doanh nghiệp là gần 15 tỷ đồng; việc giao kết hợp đồng lao động với người lao động chưa đúng với quy định của pháp luật (ví dụ: doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động thời vụ liên tiếp để làm công việc liên tục có thời gian trên 3 tháng); các doanh nghiệp nợ (chậm) đóng Bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…

Năm 2017, đoàn giám sát tại 14 doanh nghiệp trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Cà Mau): Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ tiền Bảo hiểm xã hội (1 đến 3 tháng) với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng; có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật…

Thông qua hoạt động giám sát liên ngành đã giúp các cơ quan chức năng phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý của chính sách Bảo hiểm xã hội, đánh giá rõ ràng tình hình vi phạm pháp luật Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là tình trạng trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm xã hội.

Kết thúc giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, các cơ quan lập pháp và tư pháp có liên quan xem xét, có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng và nợ, chậm đóng Bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động.

Thường xuyên trao đổi kịp thời, thông báo, cảnh báo và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp để giải quyết, xử lý tình hình vi phạm của các doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách về Bảo hiểm xã hội.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. ảnh: VGP.
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. ảnh: VGP.

Cũng theo ông Đào Việt Ánh, từ năm 2013-2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện kiểm tra việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội 9 tỉnh thành phố, gồm: Bình Phước, Gia Lai, Tây Ninh, Cần Thơ, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Bắc Kạn, Lào Cai.

Qua thực hiện phối hợp kiểm tra đã phát hiện 3.494 lao động chưa tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế; 2.553 lao động đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế không đúng mức quy định; yêu cầu truy thu số tiền là 716 triệu đồng do đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động.

Ngoài ra, đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về quỹ Bảo hiểm xã hội số tiền 577 triệu đồng do thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe chưa đúng quy định và yêu cầu thu hồi về quỹ Bảo hiểm y tế hơn 7,3 tỷ đồng do chi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế không đúng quy định.

Từ năm 2017, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế.

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là theo quy định tại Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chức năng khởi kiện được giao cho tổ chức Công đoàn, tuy nhiên, việc khởi kiện nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội phải do Công đoàn cơ sở và được người lao động ủy quyền.

Quy định này dẫn tới thực tế công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội  có gì khác so với trước đây do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, trước đây khi cơ quan Bảo hiểm xã hội là người khởi kiện đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì việc khởi kiện thực hiện theo thủ tục vụ án dân sự.

Hiện nay, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động.

Thực tế việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chưa phát huy được hiệu quả. Một trong các nguyên nhân đó là do người được trao quyền khởi kiện lại không dám sử dụng quyền của mình (tổ chức công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện; Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm).

Do đó, thời gian qua, mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tích cực hỗ trợ các tổ chức công đoàn hồ sơ, tài liệu, số liệu phục vụ cho việc khởi kiện và đã chuyển hơn 2.909 hồ sơ cho tổ chức công đoàn nhưng số vụ mà tổ chức công đoàn nộp đơn khởi kiện còn rất khiêm tốn (126 hồ sơ) trong đó có tới 96 hồ sơ bị Tòa án trả lại với lý do thiếu giấy ủy quyền của người lao động hoặc giấy ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở.

Đây là nguyên nhân mang tính thực tế và không thể thay đổi một sớm một chiều. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân người lao động thì trước mắt chúng ta nên có những điều chỉnh về chính sách, quy định của pháp luật sao cho hài hòa để có thể bảo vệ lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước một cách hiệu quả nhất. Những quy định đã được thực hiện tốt, có kết quả thực tế thì nên tiếp tục phát huy.

Cũng theo ông Đào Việt Ánh, từ tháng 9/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu giữa hai bên trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy chế, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức công đoàn danh sách các đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội cần khởi kiện, hồ sơ xác định nợ và các tài liệu khác có liên quan để phục vụ việc khởi kiện.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện quy chế, việc phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn đã đạt một số kết quả nhất định như:

Cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã cung cấp 2.909 hồ sơ đơn vị sử dụng lao động nợ tiền Bảo hiểm xã hội cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (riêng năm 2018 là 887 hồ sơ), Liên đoàn lao động tỉnh đã nộp 126 hồ sơ khởi kiện cho Tòa án, 4 vụ việc đã có Quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa án (hòa giải thành), với tổng số tiền đã trả nợ sau hòa giải là hơn 1,3 tỷ đồng (riêng năm 2018 là 696 triệu đồng).

Cơ quan Bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn đã tích cực phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị sử dụng lao động trả nợ. Kết quả là nhiều đơn vị đã chủ động khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình. Tính đến cuối tháng 7/2018 đã có 986 đơn vị nợ tiền Bảo hiểm xã hội nộp hết số tiền nợ, 883 đơn vị đã khắc phục một phần số nợ với tổng số tiền thu được là 878 tỷ đồng (riêng năm 2018 là 176 tỷ đồng).

Liên đoàn lao động và Bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố đã chủ động tích cực thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ như: Thành lập Tổ giám sát và tiến hành giám sát tình hình doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội trước khi lập hồ sơ khởi kiện; Thành lập Hội đồng Chỉ đạo và thực hiện khởi kiện; Gửi thư nhắc nợ, thành lập đoàn Thanh tra chuyên ngành, chuyển danh sách các đơn vị nợ cho cơ quan Thuế để điều chỉnh chi phí hoạt động của doanh nghiệp khi quyết toán thuế hàng năm…

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong khi tổ chức công đoàn thực hiện khởi kiện đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo kịp thời và được Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ.

Tại các cuộc họp liên ngành giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan, vấn đề quyền khởi kiện của cơ quan Bảo hiểm xã hội, khó khăn khi tổ chức công đoàn khởi kiện đã được thảo luận, xem xét.

Ông Đào Việt Ánh cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đề nghị điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội (hiện nay đang quy định cho công đoàn cơ sở thực hiện).

Thứ hai, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ công đoàn đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tập thể người lao động.

Thứ ba, đề nghị tổ chức công đoàn phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân người lao động.

Trúc Diệp