Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 11/9 đã bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Sri Lanka và đánh dấu nó bằng dự án đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào thành phố cảng Formula One, nằm cách bờ biển Ấn Độ chỉ có 250 km.
Động thái này được cho là sẽ đưa ra một lời nhắc nhở sống động về sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại sân sau của Ấn Độ trước chuyến thăm New Delhi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Mặc dù xem Trung Quốc là một đối thủ trong khu vực, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm New Delhi ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 5. Tuy nhiên, ông Modi cũng đã thực hiện nhiều nỗ lực để ngăn chặn các nước láng giềng của Ấn Độ sa vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trong nỗ lực đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, Thủ tướng Modi đã chọn liên minh với Nhật Bản, quốc gia cũng là một đối thủ của Bắc Kinh trong khu vực.
"Trung Quốc lo ngại rằng Ấn Độ sẽ gần gũi hơn với Nhật Bản và Hoa Kỳ dưới chính quyền Modi. Họ không muốn điều đó xảy ra," Jayadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc tại New Delhi cho biết.
Ranade cho rằng điều này có thể cung cấp cho New Delhi đòn bẩy có giá trị trong cuộc đàm phán thương mại quan trọng với Bắc Kinh được xem là trọng tâm của chuyến thăm Ấn Độ vào tuần tới của ông Tập Cận Bình.
Lưu Kiến Siêu - Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc hồi tuần này cho biết, trong chuyến thăm Ấn Độ vào tuần tới dự kiến các nhà lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về hợp tác hạt nhân và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ trị giá hàng tỷ USD.
Cả hai bên dự kiến cũng sẽ thúc đẩy đàm phán về tranh chấp biên giới trong chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình.
"Rõ ràng là Trung Quốc xem Ấn Độ dưới chính quyền Modi là một đối tác nghiêm túc và đáng tin cậy, cũng như một đối thủ tiềm năng", Shyam Saran - một nhà phân tích chính trị, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi nói.
"Trung Quốc thông qua chuyến thăm này muốn đưa ra đảm bảo rằng họ không phải đang tìm cách bao vây Ấn Độ, nỗi sợ hãi lâu nay của New Delhi, mà muốn coi nước này là một đối tác phát triển", Lưu Kiến Siêu nói tại Bắc Kinh.
Những người chỉ trích nói rằng chính phủ Ấn Độ trước đây không đủ mạnh để chống lại Bắc Kinh và bỏ qua quan hệ với các nước láng giềng. Nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng điều này sẽ thay đổi dưới thời Thủ tướng Modi.
Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj tuần này cho biết, mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc sẽ là sự giao thoa giữa "hợp tác và cạnh tranh"./.