Nikkei Asia Review ngày 16/10 nhận định, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến thuật với Bắc Triều Tiên khi quan hệ với Hoa Kỳ và một số nước láng giềng châu Á vẫn đang bế tắc. Căng thẳng Trung - Mỹ tăng cao trên một số lĩnh vực đã khiến chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của ông Bình thất bại vì không thể ra nổi tuyên bố chung.
Ông Kim Jong-un tiếp ông Lưu Vân Sơn. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Ngay cả cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng công khai chỉ trích ông Bình về quyền phụ nữ trong lúc ông đăng đàn tại Liên Hợp Quốc nói về quyền phụ nữ. Bầu không khí căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới khi không có giải pháp nào hạ nhiệt trong các vấn đề gián điệp mạng, bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông...
Trong khi đó Đài Loan sẽ tiến hành bầu cử lãnh đạo tối cao của mình vào đầu tháng Giêng năm tới để chọn người kế nhiệm ông Mã Anh Cửu. Bà Thái Anh Văn, Chủ tịch đảng Dân chủ tiến bộ Đài Loan có lợi thế nhiều hơn so với ứng viên Quốc dân đảng. Đảng của bà Văn không hào hứng lắm trong việc quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc đại lục.
Ở Đông Á, Trung - Nhật vẫn còn một chặng đường dài phải đi để quan hệ giữa hai nước có thể được cải thiện đáng kể. Quá trình này đã trở nên khó khăn hơn khi Nhật Bản thông qua dự thảo luật an ninh mới gần đây, tăng cường hơn nữa liên minh Mỹ - Nhật. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ không thể chủ động trong các nỗ lực đảm bảo ổn định ở Đông Bắc Á.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy "sáng kiến" đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên do Trung Quốc đề xuất sẽ được tái khởi động trở lại. Bế tắc ngoại giao giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng châu Á và Hoa Kỳ buộc ông Tập Cận Bình phải có động thái sửa chữa mối quan hệ căng thẳng với Bình Nhưỡng. Trung Quốc dưới thời ông đã thành công trong việc kéo Hàn Quốc lại gần mình.
Bắc Kinh hiện đang chuyển hướng tập trung nỗ lực ngoại giao nhằm vào Bắc Triều Tiên bằng cách thiết lập kết nối trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trung Quốc muốn có một con bài ngoại giao mới để đối phó với các vấn đề khu vực và sẽ sử dụng kinh tế làm công cụ để hàn gắn quan hệ với Bắc Hàn.
Ngày 16/7 Tập Cận Bình đi thị sát huyện Diên Biên tỉnh Cát Lâm, giáp biên với Triều Tiên và là nơi cộng đồng dân tộc Triều Tiên sinh sống. Tập Cận Bình muốn chứng tỏ lợi ích của những người dân tộc Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc. Ông cũng phát đi thông điệp tới Bình Nhưỡng đang gặp tình trạng thiếu lương thực rằng, Trung Quốc có thể hỗ trợ đầy đủ nếu họ biết nghe lời.
Quan hệ Trung - Triều vẫn đang phải đối mặt với con đường gập ghềnh phía trước. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng trước ở Nhà Trắng, Tập Cận Bình đã nói thẳng rằng Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông không nhắc cụ thể đến Bình Nhưỡng, nhưng tỏ rõ quyết tâm không để Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần nữa.
Tình hình Đông Bắc Á có dấu hiệu bắt đầu thay đổi, tập trung nhiều hơn vào quan hệ Trung - Triều. Bắc Kinh đang tìm cách xoay cả hai miền bán đảo Triều Tiên xung quanh "ngón tay út" của mình. Vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là bao giờ ông Kim Jong-un sẽ sang thăm Trung Quốc.
Nikkei Asia Review nói rằng, Triều Tiên đã tống giam những ai xem cuộc duyệt binh của Trung Quốc qua ti vi vì đó là hành vi "bất hợp pháp". Lý do đằng sau việc này là ông Kim Jong-un sợ sẽ bị mất mặt nếu dân nước mình thấy bà Tổng thống Hàn Quốc đứng cạnh Tập Cận Bình và chuyện trò với ông trên Thiên An Môn.
Với Bắc Triều Tiên, bà Park Geun-hye vẫn là lãnh đạo của một "đất nước thù địch" do tình trạng chiến tranh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bình Nhưỡng cũng không muốn người dân biết rằng cuộc duyệt binh hôm 10/10 tại quảng trường Kim Nhật Thành có quy mô "nhỏ và tồi tàn" hơn nhiều so với duyệt binh 3/9 ở Thiên An Môn.