Ông Tập Cận Bình. |
Tạp chí The Diplomat ngày 23/5 bình luận, Việt Nam và Philippines đang ngày càng thân thiết với nhau hơn sau những tuyên bố khiêu khích và hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông.
The Diplomat dẫn lời Tập Cận Bình từ Thượng Hải nói rằng, tăng cường liên minh quân sự nhằm vào một bên thứ ba không có lợi cho duy trì an ninh chung trong khu vực là một "tham chiếu ngầm" ám chỉ một "liên minh quân sự" chống Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.
Tuy nhiên cả Việt Nam và Philippines đã có những phản ứng mạnh mẽ trong chuyến công du Manila của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mặc dù chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không dựa vào một nước để chống nước thứ ba (PV), nhưng cả Philippines và Việt Nam đã xác định cùng nhau phản đối những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, tăng cường hợp tác quốc phòng - ngoại giao song phương.
Với những nỗ lực ngoại giao khác trong bối cảnh Trung Quốc vẫn "bóp nghẹt ASEAN", Việt Nam và Philippines có vài lựa chọn để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Có thể Tập Cận Bình đã liều lĩnh cưỡi lên làn sóng phẫn nộ từ các hoạt động tuần hành phản đối Trung Qưốc tại Việt Nam trong 3 tuần qua (gây ra bởi việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) trong việc nước này đưa công dân đang làm việc tại Việt Nam về nước.
Nhưng Việt Nam và Philippines đã không lung lay dao động trước những lời vu cáo, kết án và đe dọa trắng trợn của Bắc Kinh, ngược lại 2 nước ngày càng thân thiết hơn cùng chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Tyler Roney, chuyên gia về Trung Quốc, tác giả bài phân tích trên The Diplomat. |
Giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc nói với Reuters rằng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines là hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ.
The Diplomat nhận định, điều này cho thấy sự "kỳ lạ" của tình bạn ngoại giao cùng chống một kẻ thù chung thực sự là rất hiếm, nhưng nói thẳng ra là chính Trung Quốc đã dồn ép họ tới lựa chọn này.
Việt Nam và Philippines không thể tìm kiếm sự giúp đỡ trực tiếp lớn hơn từ ASEAN do một số quốc gia không tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự phẫn nộ của Bắc Kinh vẫn là một sức mạnh đáng sợ thực sự.
Nhưng Việt Nam và Philippines khi thể hiện rõ lập trường của mình ở ASEAN và CICA, họ vẫn khiến Bắc Kinh đau đầu chỉ bằng cách làm việc cùng nhau. Thậm chí 2 nước không phải là không thể mong đợi một vài quốc gia khác có thể muốn cùng họ bảo vệ Biển Đông, cả về quân sự và ngoại giao.
Tổng thống Aquino tuyên bố: "Tôi tin rằng nếu tiếp tục hợp tác với Việt Nam cũng như các thành viên khác của ASEAN về an ninh quốc phòng sẽ chỉ góp phần tích cực thúc đẩy sự ổn định trong khu vực. Không phải là nối dối khi tôi nói rằng tôi mong muốn tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng hai nước."
Hiện nay tất cả các bên đang nói chuyện một cách hòa bình và không có lý do gì để nghĩ rằng nên thay đổi điều này, nhưng việc gia tăng căng thẳng sẽ tác động không ít đến nền kinh tế.
Dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, The Diplomat cho biết nguy cơ xung đột sẽ phá vỡ tuyến hàng hải trọng yếu trên Biển Đông và có tác động khôn lường đối với nền kinh tế khu vực và thế giới. Thậm chí nó có thể đảo ngược xu thế hồi phục nền kinh tế toàn cầu.
Giữa những cảnh báo của Tập Cận Bình từ Thượng Hải, Philippines và Việt Nam đã trở thành bạn tốt trong trận chiến ngoại giao chống lại Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Nếu các nước đi của họ có tác động tích cực, các nước khác có thể sẽ muốn làm theo, The Diplomat nhận định.
Hồng Thủy