Ngày 25/7, tàu huấn luyện Kojima của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) bắt đầu chuyến thăm hữu nghị bốn ngày đến Đà Nẵng.
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa. |
Tàu huấn luyện Kojima có tổng số 87 người (bao gồm thủy thủ và học viên) do Thuyền trưởng Tonozaki Hironobu dẫn đầu.
Tham dự lễ đón tàu tại cầu cảng có đại diện sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam...
Đây là lần thứ 4 tàu huấn luyện Kojima thăm Đà Nẵng kể từ năm 2013, lần gần đây nhất là tháng 7 năm 2018.
Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, huấn luyện chung, chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai cơ quan đảm bảo an ninh trên biển của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Tàu tuần tra Hải quân Brunei cập cảng Đà Nẵng |
Trong thời gian lưu lại Đà Nẵng, các sĩ quan thủy thủ tàu huấn luyện Kojima sẽ có nhiều hoạt động giao lưu với Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC)...
Tàu Kojima rời Nhật Bản vào ngày 26/4 và dự kiến trở về vào ngày 3/8 với tổng hành trình hơn 26.000 hải lý (khoảng 46.800km) trong 100 ngày. Tàu có tổng chiều dài 115m, tải trọng 3.000 tấn, tốc độ khoảng 18 hải lý/giờ.
Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hàng năm Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Japan Coast Guard) đều tổ chức chuyến huấn luyện hàng hải vòng quanh thế giới cho lớp cán bộ trẻ.
Qua đó trang bị cho những cán bộ này kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc, rèn luyện khả năng lãnh đạo và mở rộng kiến thức quốc tế thông qua hoạt động giao lưu với cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật trên biển hay nhân dân các nước tàu ghé thăm.
Chuyến huấn luyện đầu tiên được tổ chức vào năm 1993 và năm 2019 là chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ 26 tàu Kojima thực hiện.
Việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các cơ quan bảo an trên biển tại quốc gia tàu ghé thăm được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện đề xướng mà chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực theo đuổi đó là xây dựng khu vực “Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do và rộng mở” dựa trên thượng tôn pháp luật.