Kể từ khi đón tàu ngầm đầu tiên vào năm 2014, đến nay Hải quân nhân dân Việt Nam có 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo mang tên: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, được đưa vào biên chế của Lữ đoàn Tàu ngầm 189.
Việc thành lập lực lượng tàu ngầm thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong việc xây dựng một lực lượng hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó lực lượng tàu ngầm đóng vai trò nòng cốt.
Chính lực lượng này sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước khi đến Lữ đoàn tầu ngầm 189, tôi cất công tìm hiểu, xem tài liệu, và hàng chục bộ phim về tầu ngầm.
Sức mạnh “sát thủ không ranh giới” của tầu ngầm Mỹ, tầu ngầm Nga, Anh, Pháp, Ấn độ, Trung Quốc, hoặc Triều tiên và những gì thuộc về tầu ngầm như cấu tạo, tính năng, tác dụng, hình ảnh, đời sống thủy thủ..., dường như không mấy xa lạ với tôi.
Vậy mà, gần 10 ngày ăn, ở, sống cùng nhà với các thủy thủ, tôi mới nhận ra tầu ngầm huyền thoại với những con người làm chủ nó còn mới lạ, hấp dẫn, kỳ vĩ gấp nhiều lần tôi nghĩ, tôi biết.
Tầu ngầm lớp kilo 636 mang tên 183 - Thành phố Hồ Chí Minh đậu tại Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: TTXVN. |
Sức mạnh hủy diệt
Chúng tôi đến Lữ đoàn tầu ngầm 189 thì trời đã tối.
Xe ô tô bịt bùng bụi nóng cuối cùng cũng tới cầu tầu.
Hai chiếc tầu ngầm lớp kilo 636 mang tên 183 - Thành phố Hồ Chí Minh và 184 - Hải Phòng đen trùi trũi đậu hai bên cầu tầu, lù lù trên mặt nước Quân cảng Cam Ranh đang thẫm dần.
Trong lòng tôi bỗng trào dâng một nỗi niềm khó tả, bao trạng thái cảm xúc dâng trào vừa nể sợ, vừa lạ lẫm, tò mò kích thích hành động muốn khám phá đến tận cùng những “con cá mập”, vũ khí bí mật kinh khủng của binh chủng mới non trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tôi bỗng nhớ đến câu nói của Nhà bình luận quốc tế nổi tiếng Aleksandr Khrolenko thuộc Hãng thông tấn thế giới Rossiya Segodnya rằng: “Tàu ngầm là thứ vũ khí phức tạp và hiện đại nhất của nhân loại”.
Hố đen đại dương
Tàu ngầm lớp Kilo 636 là đây.
Huyền thoại “hố đen đại dương”, “sát thủ dưới mặt nước” là đây.
Những chiếc tàu ngầm Kilo này của Hải quân Việt Nam đảm nhiệm: săn ngầm là nhiệm vụ đầu tiên, cơ bản và quan trọng.
Có nghĩa là chúng tìm kiếm, phát hiện tầu ngầm đối phương, đeo bám, kiểm soát và tấn công, hủy diệt để bảo vệ biển đảo, thềm lục địa tổ quốc bình yên.
Chúng còn làm nhiệm vụ chống ngầm để bảo vệ căn cứ bờ và các lực lượng hải quân Việt Nam.
Đồng thời trinh sát, hủy diệt các hạm tầu nổi mặt nước của đối phương như: hàng không mẫu hạm, khu trục, tầu hộ vệ; tầu trinh sát, tàu hậu cần...
Tầu ngầm kilo của Hải quân Việt Nam còn có nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất như căn cứ bờ, trận địa tên lửa của đối phương và hợp đồng tác chiến cùng lính thủy đánh bộ đánh chiếm, tái chiếm đảo.
Chỉ là những “con cá mập” đen trũi hoạt động chủ yếu dưới mặt nước mà tính năng, tác dụng có thể tàn phá hủy diệt đối phương như thế, hỏi còn loại vũ khí nào công dụng hơn?
Đại tá, lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm tiếp chúng tôi trong phòng khách của Bộ tư lệnh.
Phía sau ông là bức tranh hoành tráng, choán hết bức tường, có hình con tầu ngầm màu nâu đen đang nổi trên mặt nước, cắm quốc kỳ đỏ chói trên nền vòng cung núi biếc và biển xanh quân cảng Cam Ranh.
Có thể nói đại tá Trần Thanh Nghiêm là một người Nga học, ông khá am tường văn hóa Nga và tất nhiên rất thông thạo ngôn ngữ của xứ sở bạch dương.
Những câu chuyện ông kể về sức mạnh hủy diệt của tầu ngầm trong đại chiến thế giới thứ 2 khiến chúng tôi kinh hoàng và nể phục.
Ông Nghiêm nói: Ông rất khâm phục thuyền trưởng tầu ngầm Alexander Marinesco và sức mạnh của tầu ngầm Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Marinesco - thuyền trưởng tầu ngầm Xô viết huyền thoại S -13 đã chỉ huy “cuộc tấn công thế kỷ” bằng ngư lôi chưa từng có trên biển Baltic ấy đã bắn cháy một tàu tuần dương, tiêu diệt 3500 sĩ quan và binh lính Đức Quốc xã.
Nhưng, trước đó 10 ngày, tầu ngầm S-13 do thuyền trường Marinesco chỉ huy đã tập kích ngư lôi bất ngờ nhấn chìm cơ sở huấn luyện (thực chất nó là siêu thuyền Wilhelm Gustlav) với sức chứa gần 25,5 nghìn tấn, và một tầu chở quân khác, tiêu diệt 11.500 quân Đức quốc xã, trong đó có 3.700 thủy thủ tầu ngầm.
Gần như có bao nhiêu sĩ quan, thủy thủ tầu ngầm huấn huyện xong trên đường chở đi các căn cứ thì bị tiêu diệt hết. Hải quân Đức suy sụp.
Nước Đức để quốc tang 1 ngày, Hitler đã tuyên bố: “Thuyền trưởng tầu ngầm Alexander Marinesco là kẻ thù riêng số một”.
Sức mạnh hủy diệt của tầu ngầm Xô viết góp phần kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 sớm.
Tôi nhận ra, đằng sau nét mặt kiên nghị của đại tá Trần Thanh Nghiêm là một niềm tin - niềm tin về loại vũ khí hiện đại tối tân bậc nhất của loài người chon đến lúc này, niềm tin về lực lượng thủy thủ tầu ngầm non trẻ mà ông đang là vị lữ đoàn trưởng tầu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam.
Tầu ngầm kilo được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống tàu Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla. Ảnh: TTXVN. |
Tầm hoạt động không giới hạn
Tầu ngầm lớp kilo 636 diesel, mà Lữ đoàn 189 đang sở hữu và sử dụng rất hiện đại, theo thiết kế: Tầm hoạt động khi lặn ngầm và ở chế độ tiết kiệm là... trên dưới 400 7.400km.
Nhưng, khi bước vào chế độ chiến đấu, có nghĩa là lúc quần nhau trong lòng biển, phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của các phương tiện dự trữ năng lượng cả nạp điện cho bình ắc quy thì đạt tới hơn 15.000 hải lý, khoảng chừng 27.630km.
Để dễ hình dung, ta có thể so sánh nơi rộng nhất của Thái Bình Dương bao la theo hướng Đông - Tây là vĩ độ 5°B, (từ Indonesia trùng trùng sóng lớn đến bờ biển Colombia) cũng chỉ khoảng 19.800 km.
Cho nên việc một chiếc tầu ngầm ở quân cảng Cam Ranh làm cuộc hành trình trong lòng biển vượt Thái Bình Dương đến bờ Tây nước Mỹ thì vẫn trong “tầm tay” của các tầu ngầm lớp kilo 636 mang tên Hà Nội, Hải Phòng...
Bạn đọc cũng có thể hình dung: Tầu ngầm kilo 636 có thể đi sâu trong lòng biển, không cần phải nổi lên mặt sóng mà vẫn phóng ngư lôi tiêu diệt chớp nhoáng cả biên đội tàu chiến đối phương đang quần nhau trong vùng chiến sự nóng bỏng, hoặc bắn tên lửa hủy diệt tan nát các căn cứ kiên cố trên đất liền.
Tôi xin chép ra đây các thông số kỹ thuật không phải làm bạn đọc choáng ngợp, mà hy vọng tiếp thêm niềm tin tưởng với loại vũ khí tối tân mà những người thủy thủ yêu quý của chúng ta đang sử dụng và làm chủ kỹ thuật:
“Tàu ngầm lớp Kilo 636 có chiều dài 73,8m, rộng 9,9m, lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn (tải trọng tối đa), tốc độ 20 hải lý/giờ, có thể sâu tối đa 300 m, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm, và thủy thủ đoàn 52 người.
Trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống tàu Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla...”.
Cái gì khuất lấp bao giờ cũng khó nhận ra hơn cái nổi nênh. Cá lặn bao giờ cũng an toàn hơn cá ăn nổi mặt nước.
Ưu thế của tính năng tầu ngầm vượt trội tầu mặt nước, nến thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp trong lòng biển mà tầu mặt nước không kham nổi.
Rõ ràng là các tàu nổi chình ình đến mắt thường cũng nhìn thấy nên dễ lộ, dễ lọt vào tầm quan sát của vệ tinh, của máy bay và là mục tiêu dễ bị tấn công, bị tiêu diệt.
Trái lại, tàu ngầm chỉ cần lặn ở độ sâu 50 mét thì các máy móc quang học hầu như... bất lực, các phương tiện do thám, dò tìm trên mặt nước, trên không... cũng vô tác dụng.
Các tàu ngầm của Lữ đoàn 189 được sản xuất từ nước Nga là loại vũ khí hiện đại, chạy động cơ diesel - điện lớp Varshavyanka, khối NATO phân loại gọi là lớp Kilo 636, các thủy thủy của ta khi huấn huyện đã lặn rất sâu theo thiết kế cho phép, nhưng vẫn an toàn tuyệt đối và nó thuộc loại tầu ngầm chạy êm nhất thế giới.
Tầu ngầm lớp kilo 636 mang tên 186 - Đà Nẵng đậu tại Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: TTXVN. |
Gìn giữ hòa bình
Tầu ngầm sinh ra không phải chỉ để lặn, để trinh sát, theo dõi đối phương mà nhiệm vụ chính là... tiêu diệt mục tiêu đối phương.
Vì thế, trong bụng tầu ngầm chứa máy động cơ diesel, thiết bị điện tử, do thám,... mà còn phải lắp đặt... vũ khí tấn công.
Ngư lôi và tên lửa là hai loại vũ khí cơ bản và hiệu quả hiện nay được trang bị trong tầu ngầm.
Tên lửa Club - S là một loại vũ khí hiện đại được đặt trong tầu ngầm lớp Kilo; nó có quỹ đạo bay rất phức tạp, tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách 300 km.
Nhưng, khi bán tầu ngầm kilo, không phải quốc gia giàu có lắm tiền nhiều nào mua cũng được người Nga lắp đặt hệ thống tên lửa Club-S.
Người Nga đã tính đến khả năng... trao kiếm, rất có thể đối phương cầm đốc và chém lại mình, nếu như bán tầu ngầm và lại bán luôn cả hệ thống vũ khí hủy diệt, thì có khác gì tiếp thêm sức mạnh cho đối thủ và hậu quả là “gậy ông lại đập lưng ông”.
Cho đến hiện nay, ngoài bản quốc Hải quân Nga thì chỉ có 3 quốc gia là Ấn Độ, Algeria và Việt Nam, được người Nga trang bị tổ hợp tên lửa hiện đại Club-S trong tầu ngầm!
Nhà máy đóng tầu ngầm Admiralty Verfi ở thành phố St.Petersburg đã công bố các thông số kỹ thuật này không chỉ nhằm quảng cáo bán hàng, mà còn như một niềm tự hào của người Nga trong lịch sử đóng tầu ngầm gần 300 năm.
“Trái đất ba phần tư nước mắt”, không phải dân tộc nào giáp biển cũng nhận ra cái sự kì vĩ và đau thương của cái miền xanh thẳm ba phần tư ấy.
Sự thực thì cường quốc đại dương đồng thời cũng là... cường quốc tầu ngầm và quốc gia nào có biển cũng bị xâm lăng từ... đường biển nên rất cần vũ khí tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền.
Lịch sử chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, có 14 cuộc ngoại xâm thì 10 cuộc tấn công từ đường biển. Vì vậy bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển là chiến lược không thể khác được.
Ngay từ năm 1984, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã có cái nhìn chiến lược về biển, vị đô đốc huyền thoại nhận định có tính dự báo rằng: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam.”
Quả thật, trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988 đẫm máu và 64 sĩ quan, chiến sĩ bảo vệ đảo đã nằm lại biển khơi là đã minh chứng hùng hồn và bi thương.
Hiện đại hóa quân đội, trong đó có biên chế tầu ngầm là nhu cầu phòng thủ tất yếu để bảo vệ biển đảo trong tình hình mới. "Chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”
Tình hình biển Đông nóng bỏng bất cứ lúc nào, thì sự có mặt của Binh chủng Tầu ngầm của Quân đội nhân dân Việt Nam là một đòi hỏi cấp bách, là yêu cầu cần thiết khách quan.