Tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 của Hải quân Trung Quốc. |
Gần đây, tạp chí “Kanwa Defense Review” Canada cho biết, Quân đội Trung Quốc đã xây dựng xong căn cứ tàu ngầm hạt nhân kiểu mới ở Tam Á, đảo Hải Nam, tàu ngầm hạt nhân tấn công 093 và tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 tiên tiến có thể đã được xây dựng xong trận địa phóng tên lửa chiến lược (phóng từ tàu ngầm) ở vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Ở vùng biển này, tàu ngầm hạt nhân 094 có thể tiến hành các hành động phản kích/đáp trả chiến lược có hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo được an toàn cho chúng.
Bài viết cho rằng, căn cứ tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Quân đội Trung Quốc, được xây dựng trong thời gian dài tới 10 năm, nằm ở Tam Á, đảo Hải Nam, đã cơ bản được xây dựng xong.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, căn cứ này đã được bố trí nhà kho cỡ lớn tương đối kiên cố, cầu tàu dùng cho tàu ngầm hạt nhân bỏ neo cũng tăng lên tới 4 chiếc (so với 3 chiếc ban đầu), độ dài mỗi cầu tàu đều lên tới 230 m. Điều này có nghĩa là sẽ có tương đối nhiều tàu ngầm hạt nhân đồn trú ở căn cứ này.
Dư luận bên ngoài luôn phỏng đoán về tình hình triển khai của căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á thông qua các hình ảnh vệ tinh và tin tức tình báo khác.
Những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, 2 tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Nam Hải đang cập cảng tại căn cứ Tam Á. Trong đó có một chiếc có thể được xác định là tàu ngầm hạt nhân tấn công 093, chiếc khác có thể là tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093 của Hải quân Trung Quốc. |
Sở dĩ có sự phỏng đoán như vậy là do chiếc tàu ngầm hạt nhân này có đặc điểm rõ rệt của tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094: Ở phần đuôi có gắn thiết bị sonar kiểu thu phát, tương tự sonar được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Liên Xô.
Hệ thống sonar mà Quân đội Trung Quốc sử dụng cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 là kiểu Liên Xô, công nghệ của nó có thể có liên quan đến Belarus.
Theo bài viết, sau khi xây dựng xong căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á, việc triển khai lực lượng tàu ngầm của Quân đội Trung Quốc sẽ tập trung cho căn cứ này.
Hiện nay Tam Á mới chỉ xuất hiện 1 tàu ngầm hạt nhân 094, còn tàu ngầm hạt nhân 094 khác của Quân đội Trung Quốc cũng có thể rời căn cứ tàu ngầm hạt nhân Thanh Đảo, đến Tam Á để triển khai.
Ý đồ chiến lược của việc điều chỉnh bố trí này tương đối rõ ràng: Đó chính là tận dụng điều kiện nước sâu ở vịnh Bắc Bộ, biển Đông, gia tăng độ khó cho quân đội nước ngoài như Mỹ khi tiến hành do thám tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.
Bài viết cho rằng, ở căn cứ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Quân đội Trung Quốc tại Thanh Đảo, nước sâu bình quân bên ngoài căn cứ này chỉ khoảng 100 m, đối với tàu ngầm hạt nhân có tiếng ồn tương đối lớn, thì việc tránh khỏi sự theo dõi của thiết bị sonar đối phương là tương đối khó.
Khi lặn xuống hoạt động dưới biển, nếu gặp phải tình hình đầy đủ ánh nắng mặt trời, tàu ngầm hạt nhân 094 khổng lồ thậm chí còn bị mắt thường của phi công máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C của đối phương phát hiện.
Biên đội tàu ngầm Trung Quốc. |
Nhưng tình hình của căn cứ tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Quân đội Trung Quốc ở Tam Á thì hoàn toàn khác. Nước sâu trước căn cứ này lên tới 200 m, có lợi cho tăng cường “tính tàng hình” của tàu ngầm hạt nhân.
Trước đây, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc luôn bị dư luận bên ngoài cho là “tàu ngầm hạt nhân vịnh Bột Hải”, bởi vì nó coi vịnh Bột Hải là khu vực triển khai chủ yếu.
Hiện nay, tàu ngầm hạt nhân 094 có thể được gọi là “tàu ngầm hạt nhân vịnh Bắc Bộ”. Bởi vì chúng có thể lấy vịnh Bắc Bộ làm trận địa phóng tên lửa chiến lược.
Ngoài ra, căn cứ Tam Á là cửa ngõ để Hải quân Trung Quốc phóng ra biển Đông. Tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu chiến mặt nước (tàu nổi) triển khai ở đây có lợi cho việc hỗ trợ cho tàu thuyền Trung Quốc đi lại trên các tuyến đường hàng hải ở biển Đông và đòi hỏi nguồn tài nguyên dầu khí tại biển Đông, rất có lợi cho việc Trung Quốc đối phó với các cuộc xung đột bất ngờ xảy ra.
Các nhà phân tích vũ khí phương Tây phỏng đoán, Trung Quốc có thể đã triển khai một tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094, hai tàu ngầm phiên bản cải tiến khác đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, còn một chiếc vẫn đang chế tạo. Loại tàu ngầm hạt nhân này có thể mang theo nhiều tên lửa phóng ngầm JL-2.
Tên lửa phóng ngầm JL-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. |
Khoảng cách từ duyên hải phía nam Trung Quốc đến căn cứ quân Mỹ ở Guam là 3.930 km. Tên lửa JL-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân 094 triển khai tại đây hoàn toàn có thể tấn công căn cứ Guam.
Nếu muốn tấn công Alaska và Hawaii của Mỹ, tàu ngầm hạt nhân 094 phải rời khỏi vùng biển ven bờ, lặn xuống vùng nước sâu ở biển Đông, đương nhiên tiền đề là phải có sự ẩn náu chiến lược hiệu quả.
Bài viết phỏng đoán, để bảo đảm “an toàn tuyệt đối”, tàu ngầm hạt nhân 094 sẽ hoạt động ở phần biển vịnh Bắc Bộ thuộc về Trung Quốc.
Trong thời chiến, Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công 093 và 4 tàu ngầm diesel 636M Kilo xây dựng thành mạng lưới phong tỏa nhằm ngăn chặn tàu ngầm quân đội nước ngoài xâm nhập vịnh Bắc Bộ, từ đó bảo đảm cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 có thể thực hiện các hành động đáp trả chiến lược một cách an toàn và hiệu quả.