Tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông, khu trục hạm Trung Quốc đi sau 30km

08/11/2013 07:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Tư lệnh Cụm tàu sân bay USS George Washington chỉ tay về phía tàu khu trục Trung Quốc đang bị che khuất bởi mây mù và thừa nhận những chuyện chạm trán giữa các cường quốc đối thủ hiện nay phổ biến như cơm bữa.
Phi công Mỹ trên cụm tàu sân bay USS George Washington.
Phi công Mỹ trên cụm tàu sân bay USS George Washington.
Cụm tàu sân bay Mỹ USS George Washington đang tuần tra trên Biển Đông hôm qua 7/11 đã tiếp các sĩ quan quân đội Trung Quốc lên thăm tàu như một phần của nỗ lực cam kết với quân đội Trung Quốc vốn đang lo lắng về sự gia tăng hoạt động của quân đội Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên chỉ trong phạm vi 30 km là một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc nằm gọn trong màn hình radar cảu tàu chiến Mỹ cũng như các máy bay chiến đấu bảo vệ tàu sân bay. Tàu khu trục này đã không được phía Mỹ mời. Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Tư lệnh Cụm tàu sân bay USS George Washington chỉ tay về phía tàu khu trục Trung Quốc đang bị che khuất bởi mây mù và thừa nhận những chuyện chạm trán giữa các cường quốc đối thủ hiện nay phổ biến như cơm bữa. "Chắc chắn bạn có thể thấy hải quân Trung Quốc đang hiện đại hóa và mở rộng", ông nói, "nó sẽ là một sự kết thúc tự nhiên khi họ  hoạt động trong vùng biển lân cận với chúng tôi." Montgomery cho biết thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu hải quân Trung Quốc là "chuyên nghiệp" và hải quân Mỹ đã xác định trước phải hỗ trợ cho mối quan hệ khó khăn (với Trung Quốc) trở nên "minh bạch và cởi mở" hơn.
Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Tư lệnh Cụm tàu sân bay USS George Washington (trái)
Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Tư lệnh Cụm tàu sân bay USS George Washington (trái)
"Tôi không thấy bất kỳ vấn đề gì với việc họ hoạt động trong vùng lân cận với tàu của chúng tôi", Tư lệnh Cụm tàu sân bay Mỹ nói. Cụm tàu sân bay USS George Washington ngoài tàu sân bay còn có tàu khu trục, tàu tuần dương và một tàu ngầm tấn công nhanh được hỗ trợ và bảo vệ bởi 90 máy bay. Có trụ sở tại Yokosuka Nhật Bản, USS George Washington là dấu hiệu dễ thấy nhất của một sự hiện diện của hải quân Mỹ đang gia tăng liên tục trong 5 năm qua ở châu Á. Sự hiện diện của cụm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông nhằm hướng đến vấn đề cốt lõi sự tham gia của Mỹ vào khu vực vốn là điểm nóng về yêu sách chủ quyền. Hoa Kỳ đã tuyên bố lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông nhưng tập trung vào tuyên bố gây tranh cãi của Trung Quốc về yêu sách "chủ quyền lịch sử" ở Biển Đông và xác định sẽ duy trì hòa bình, ổn định và an ninh đối với tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới không bị cản trở. Ngay cả khi phải vật lộn với việc cắt giảm ngân sách, trong vài năm tới Mỹ sẽ mở rộng đáng kể các cuộc tập trận chung, tuần tra trực tiếp, tập trận chống tàu ngầm trong khu vực, một phần là để đối phó với các vũ khí tiên tiến của Trung Quốc, theo Stars and Stripes, tờ báo của quân đội Mỹ.
Chiến đấu cơ FA-18 hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay George Wahsington.
Chiến đấu cơ FA-18 hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay George Wahsington.
Và trên tàu sân bay George Washington, các sĩ quan và thủy thủ đoàn nói rằng hoạt động sẵn sàng chiến đấu ủa nó được duy trì thông qua lịch trình các chuyến bay tốn kém với 100 lần cất cánh từ các tàu hầu như mọi ngày. Các quan chức và giới bình luận Trung Quốc thường nhảy dựng lên trước các nỗ lực của Mỹ, mặc dù mức độ chi tiêu cho quốc phòng của Bắc Kinh vẫn gia tăng 2 con số mỗi năm nhưng hỏa lực vẫn thua xa Hoa Kỳ. Phi công Trung Quốc vẫn đang thử nghiệm hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh và các hạm đội của họ bắt đầu tập trận thường xuyên hơn ở các vùng biển xa Trung Quốc mà Bắc Kinh gọi là "chuỗi đảo đầu tiên". Tuy nhiên giới phân tích châu Á cũng như phương Tây tin rằng hải quân Trung Quốc sẽ gặp khó khăn đối với việc duy trì các hoạt động tập trận xa bờ của họ trong một số năm liên tục. Trong khi đó Montgomery nhấn mạnh cam kết của hải quân Mỹ về khả năng hoạt động và sự tham gia của họ trong khu vực, nói đơn giản là có rất nhiều tàu liên quan đang ở đây.

Hồng Thủy