Tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ |
Phô diễn thực lực trên đường trở về
Ngày 16 tháng 11, Nga chính thức bàn giao tàu sân bay INS Vikramaditya cho Ấn Độ, thời hạn này đã bị trì hoãn 5 năm. Chuyên gia Ấn Độ cho rằng, chiếc tàu sân bay này sau khi chính thức đi vào hoạt động sẽ "làm thay đổi triệt để cân bằng sức mạnh khu vực", từ đó thực hiện mong muốn xây dựng hải quân tầm xa của Ấn Độ. Không ít phương tiện truyền thông Ấn Độ cho rằng, sức chiến đấu của tàu sân bay Ấn Độ dẫn trước Trung Quốc.
Báo Nga ngày 15 cho rằng, lễ bàn giao tàu sân bay được tổ chức ở Công ty chế tạo cơ khí phương Bắc, Severodvinsk, Nga. Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quân sự Nga Dmitry Rogozin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shoigu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đại diện hai nước tham dự buổi lễ.
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 17 tháng 11 cũng có bài viết cho rằng, tàu sân bay INS Vikramaditya được Nga bàn giao sẽ trở thành tàu chỉ huy của Hải quân Ấn Độ. Trong lễ bàn giao tàu sân bay lần này, đại diện ký kết thỏa thuận bàn giao là Phó giám đốc Sevastyanov của Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga và Thuyền trưởng tàu sân bay INS Vikramaditya, Suraj Berry của Hải quân Ấn Độ.
Tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Nga Rogozin nói với báo chí rằng: "Sự việc hôm nay chứng minh, Nga chuẩn bị tốt cho chế tạo tàu chiến lớp này và khôi phục năng lực chế tạo".
Tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ |
Theo bài báo, tàu sân bay INS Vikramaditya có kế hoạch bắt đầu khởi hành về Ấn Độ từ ngày 30 tháng 11 năm 2013, dự kiến đến tháng 2 năm 2014 sẽ về đến cảng Mumbai, Ấn Độ. Một nhóm chuyên gia Nga cũng sẽ đi theo tàu sân bay INS Vikramaditya, theo dõi tình hình tàu và hỗ trợ thông tin cho các nhân viên Ấn Độ.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, tàu sân bay INS Vikramaditya trở về Ấn Độ không được bảo vệ vũ trang, sẽ do 5 tàu chiến hộ tống.
Còn theo tiết lộ của tờ "Tin nhanh Tài chính" Ấn Độ ngày 15 tháng 11, tàu sân bay duy nhất hiện có INS Viraat của Hải quân Ấn Độ đang chạy tới Oman, chuẩn bị hộ tống cho tàu sân bay mới về nước. Để phô diễn thực lực quân sự, 2 tàu sân bay này dự kiến sẽ cùng nhau chạy trên biển Ả rập.
Một sĩ quan cấp cao Ấn Độ còn cho biết: "Đợi đến đầu năm tới, tàu sân bay Vikramaditya trở về Ấn Độ và đưa vào sử dụng toàn diện, phi công Ấn Độ sẽ lái máy bay chiến đấu MiG-29K cất/hạ cánh trên đường băng. Nó sẽ trở thành phương tiện quân sự, ngoại giao có lượng giãn nước 44.570 tấn, tuần tra trên biển, bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước".
Tàu sân bay Vikramaditya |
Con đường gian nan
Việc Ấn Độ mua tàu sân bay INS Vikramaditya có quá trình diễn biến đầy quanh co, phức tạp. Tàu sân bay này gia nhập Hải quân Liên Xô năm 1987, năm 1995 được đặt tên lại là "Nguyên soái hải quân Gorshkov", nhưng do chi phí bảo trì quá cao, năm 1996 nghỉ hưu. Sau đó, do thiếu kinh phí, Nga đề xuất tặng tàu sân bay này cho Ấn Độ như một món quà, nhưng yêu cầu Ấn Độ bỏ ra kinh phí tiến hành cải tạo hiện đại hóa tàu sân bay và mua máy bay chiến đấu hải quân của Nga.
Năm 2004, hai bên cuối cùng đã ký kết thỏa thuận cải tạo nâng cấp tàu sân bay trị giá 1,5 tỷ USD. Theo kế hoạch, tàu sân bay phải được bàn giao cho Ấn Độ vào tháng 8 năm 2008, nhưng do các nguyên nhân như tiến triển cải tạo chậm chạp, đổi mới bố trí trang bị, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán mới về giá cả, từ đó làm cho thời gian bàn giao tàu sân bay bị trì hoãn trên 5 năm.
Tờ "The Times of India" đã than phiền về chi phí cho cải tạo tàu sân bay này, cho rằng, Ấn Độ phải bỏ ra 2,33 tỷ USD để cải tạo tàu sân bay này. Nếu tính cả trang bị 45 máy bay chiến đấu MiG-29K và các thiết bị có liên quan, tổng kinh phí sẽ đạt 5 tỷ USD. Ấn Độ cho rằng, từ khi bắt đầu cải tạo, "Nga giống như người vắt sữa của Ấn Độ, tranh cãi gay gắt giữa hai bên từng khiến cho quan hệ hai nước bị ảnh hưởng".
Tàu sân bay Vikramaditya |
Được biết, tàu sân bay INS Vikramaditya có lượng giãn nước 45.000 tấn, dài 283,5 m, chỗ rộng nhất là 59,8 m. Tàu sân bay này có thể mang theo nhiều nhất 30 máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu MiG-29K, do Công ty MiG Nga chế tạo cho Ấn Độ; ngoài ra còn có máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27 và máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, nhân viên trên tàu có thể lên tới 2.000 người.
Theo báo Trung Quốc, trước khi tiếp nhận tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ đã có 2 tàu sân bay, trong đó tàu sân bay động cơ thông thường Viraat mua của Anh từ năm 1987, dự kiến nghỉ hưu vào năm 2015; một chiếc tàu sân bay nội địa khác đang được Ấn Độ nghiên cứu chế tạo, có tên là INS Vikrant, mới được hạ thủy vào ngày 12 tháng 8 năm 2013, dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018.
Tờ "The Times of India" ngày 14 tháng 11 còn cho biết thêm, tàu sân bay đầu tiên INS Viraat của Hải quân Ấn Độ là tàu sân bay cũ mua của Anh, gia nhập Hải quân Ấn Độ từ năm 1987, được mệnh danh là "người mẹ"; con tàu "cô đơn chiếc bóng" này đến nay đã 55 tuổi.
Tuy tàu sân bay này vẫn đem lại cho Ấn Độ một vùng lãnh thổ chủ quyền rộng 2 mẫu Anh (khoảng 8.094 m2), tuần tra ở vùng biển quốc tế, nhưng "con ngựa chiến cũ" có lượng giãn nước 28.000 tấn này hiện chỉ cho mang theo 11 máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Sea Harrier trên đường băng.
Tàu sân bay Vikramaditya do Ấn Độ công bố |
Xoay chuyển trời đất, làm thay đổi trò chơi
Mặc dù dư luận Ấn Độ có nhiều lời than phiền về chi phí cải tạo tàu sân bay INS Vikramaditya, nhưng, cùng với việc tàu sân bay Vikramaditya sắp gia nhập Hải quân Ấn Độ, một số phương tiện truyền thông và quan chức Ấn Độ bắt đầu thể hiện lòng tự hào của họ, thậm chí tiến hành so sánh với tàu sân bay Trung Quốc.
Tờ "The Times of India" ngày 14 tháng 11 đăng bài viết "Tàu sân bay Vikramaditya: người làm thay đổi trò chơi", dẫn quan chức Ấn Độ cho rằng, sau khi được cải tạo, tàu sân bay này hầu như là tàu sân bay mới, mỗi đồng tiền tiêu cho nó đều rất đáng. Một sĩ quan cao cấp Ấn Độ cho rằng, tàu sân bay này sẽ trở thành nhân vật "xoay chuyển trời đất".
Tàu sân bay INS Vikramaditya là tàu có kích cỡ gấp đôi tàu sân bay đầu tiên INS Viraat của Hải quân Ấn Độ; đồng thời là một sân bay di động mạnh mẽ trên biển, máy bay chiến đấu siêu âm trên tàu sẽ thực hiện tham vọng hải quân tầm xa của Ấn Độ bất cứ lúc nào.
Hình ảnh tàu sân bay Vikramaditya do Ấn Độ mới công bố |
Theo bài báo, một chiếc tàu sân bay mỗi ngày có thể chạy được 600 hải lý, nếu cần có thể mang theo rất nhiều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tên lửa vận chuyển đến khu vực lân cận bờ biển đối phương để tham gia chiến đấu, không có gì tốt hơn nó.
Mục tiêu triển khai 2 biên đội tàu sân bay lớn ở hai bờ biển đông và tây mà Hải quân Ấn Độ theo đuổi từ lâu có triển vọng được thực hiện. Nói cách khác, Ấn Độ sẽ thực hiện được nguyện vọng – triển khai 2 cụm chiến đấu tàu sân bay ở hai cánh đông và tây, tựa như “đôi cánh chim” trên hai hướng, làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Nhưng giấc mơ này chỉ được thực hiện thực sự khi Ấn Độ biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant.
So sánh với tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc, chuyên gia Ahmad, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Ấn Độ cho rằng: "Tàu sân bay INS Vikramaditya có tính năng vượt trội so với tàu sân bay Varyag (Liêu Ninh) do Trung Quốc cải tạo".
Tờ "Thời báo Hindustan" còn dẫn lời một sĩ quan Hải quân Ấn Độ cho biết, việc biên chế tàu sân bay mới của Ấn Độ sẽ kích thích tham vọng của Trung Quốc, nhưng sự theo đuổi của Hải quân Trung Quốc vẫn cần phải làm rất nhiều việc. Hải quân Ấn Độ có kế hoạch triển khai 2 cụm chiến đấu tàu sân bay, trong khi đó Trung Quốc có thể cần ít nhất thời gian 20 năm mới có thể triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay hoàn thiện.
Hình ảnh về tàu sân bay Vikramaditya do Ấn Độ mới công bố |
Chuyên gia Pascal, Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ cho rằng: "Tàu sân bay Vikramaditya sẽ tăng cường trình độ kỹ thuật cho Hải quân Ấn Độ. Khi nó hội ngộ với tàu sân bay Viraat, cùng trở về lãnh hải Ấn Độ, đối với rất nhiều người Ấn Độ, đây là thời khắc đáng tự hào".
Bài báo cho rằng, tàu sân bay là "tượng trưng của nước lớn", đồng thời nhán mạnh, quan trọng nhất của địa-chiến lược là điều động lực lượng. Phương thức điều động lực lượng tốt nhất là sử dụng một chiếc tàu sân bay có thể chạy 600 hải lý/ngày, có thể điều động máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và phóng tên lửa bất cứ lúc nào, đưa ngọn lửa chiến tranh tới bờ biển của đối phương (nếu sự việc diễn biến đến mức đó).
Được biết, Hải quân Mỹ đã triển khai tới 11 siêu tàu sân bay lớp Nimitz trên toàn cầu. Mỗi chiếc đều có lượng giãn nước trên 94.000 tấn, do hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp động lực, có thể mang theo 80-90 máy bay chiến đấu.
Hình ảnh về tàu sân bay Vikramaditya do Ấn Độ mới công bố |
Kinh nghiệm sử dụng tàu sân bay phong phú
Về tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ, chuyên gia quân sự Tân Hoa xã là Trịnh Văn Hạo cho rằng: "Mặc dù Hải quân Ấn Độ đã trải qua mấy chục năm sử dụng tàu sân bay, nhưng, họ chưa từng tổ chức cụm chiến đấu tàu sân bay hiện đại thực sự". "Ấn Độ thiếu tàu phòng không khu vực trình độ cao như tàu khu trục Aegis. Xung quanh tàu sân bay thiếu những ‘cận vệ’ mạnh, khả năng sống sót đáng lo ngại".
Theo Trịnh Văn Hạo, Mỹ đang chào bán cho Ấn Độ máy bay cảnh báo sớm tiên tiến nhất của họ, đó là máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye. Một khi loại máy bay cảnh báo sớm trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động này được trang bị cho tàu sân bay, sức chiến đấu của Hải quân Ấn Độ sẽ biến đổi về chất thực sự. Nhưng, người Mỹ cho rằng, máy bay này không thể cất/hạ cánh trên tàu sân bay Vikramaditya, chỉ có thể triển khai ở sân bay trên đất liền.
Trịnh Văn Hạo cho rằng, Hải quân Mỹ thử nghiệm cho biết, khi tàu sân bay chạy ngược gió với tốc độ tối đa, máy bay E-2C có thể cất cánh trên tàu sân bay mà không cần máy phóng, trong khi đó động lực của máy bay E-2D mạnh hơn, tàu sân bay Ấn Độ còn có đường băng kiểu nhảy cầu, máy bay E-2D không có nghĩa là không thể trang bị cho tàu sân bay Ấn Độ. Nhưng, người Mỹ có lẽ hoàn toàn không muốn để Ấn Độ có được thực lực mạnh như vậy.
Hình ảnh về tàu sân bay Vikramaditya do Ấn Độ mới công bố |
Báo Trung Quốc cho rằng, không có máy bay cảnh báo sớm cánh cố định, chỉ dựa vào máy bay trực thăng cảnh báo sớm, tàu sân bay Vikramaditya còn lâu mới có thể so sánh được với tàu sân bay hoàn thiện như USS Nimitz của Mỹ, Charles De Gaulle R91 của Pháp.
Về máy bay, theo báo Trung Quốc, là một loại máy bay chiến đấu hạng trung, so với các máy bay chiến đấu hạng nặng như F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ và J-15 Phi Sa của Trung Quốc, bán kính tác chiến, thời gian hoạt động trên không, tính năng radar và lượng tải đạn của máy bay MiG-29K đều kém hơn, tương đối thiếu sức mạnh.
So sánh tính năng tàu sân bay Vikramaditya với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng, khi hình thành sức chiến đấu, tàu sân bay Vikramaditya và tàu sân bay Liêu Ninh có mạnh, yếu khác nhau.
Trước hết, về trọng tải, tàu sân bay Liêu Ninh lớn hơn nhiều tàu sân bay Vikramaditya, trọng lượng (lượng giãn nước 65.000 tấn) và số lượng mang theo máy bay đều lớn hơn. Thứ hai, máy bay J-15 trang bị cho tàu Liêu Ninh là máy bay tác chiến hạng nặng 30-35 tấn, còn máy bay MiG-29 trang bị cho tàu Vikramaditya là máy bay chiến đấu hạng nhẹ khoảng 20 tấn, do đó năng lực tác chiến của MiG-29K kém hơn nhiều. Ưu thế của Ấn Độ ở chỗ, Ấn Độ có kinh nghiệm sử dụng tàu sân bay phong phú đến mấy chục năm.
Tàu sân bay INS Vikramaditya trong lễ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ ngày 16 tháng 11 năm 2013 |