Tết đến mà lòng buồn tênh
Vào những ngày áp tết, chúng tôi có chuyến công tác vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh nơi có 241 cô giáo bị cắt hợp đồng giảng dạy từng làm “nóng” dư luận thời gian qua.
“Năm nay chúng em chẳng thiết tha gì đến tết nhất nữa. Càng đến tết thì càng buồn.
Năm trước, khi đang còn hợp đồng giảng dạy ở THCS Giang Đồng, tiền tết được 1 triệu, lại được nhận 2 tháng lương một lúc nên với ngần ấy tiền cũng tằn tiện lo đủ tết.
Tết năm nay không lương, không thưởng.
Nhưng buồn nhất là chúng em càng ngồi chờ, càng hy vọng càng thất vọng vì chưa thấy một tín hiệu vui nào", cô Nguyễn Thị Quỳnh Tr. một giáo viên tại Kỳ Anh cho biết.
Nhiều giáo viên tại kỳ Anh, "không có tết" (ảnh: Lê Văn Vỵ). |
Còn cô Trần Thị H. đã gắn bó với nhà trường gần 10 năm, từng là giáo viên chủ nhiệm, tổ phó chuyên môn, buồn bã nhớ lại: “Tết năm nào, chúng em cũng quyên góp để hỗ trợ cho học sinh nghèo có tết.
Tuy vật chất nhỏ nhoi, nhưng là tấm lòng của thầy, cô giáo và bạn bè trong lớp quan tâm đến những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Những tháng năm đi dạy, tết các em học sinh đến nhà chúc tết rất vui. Vừa rồi, một số học sinh ra trường, biết cô bị chấm dứt hợp đồng cũng rất buồn.
Ngày tết các em gọi diện thoại động viên, nhưng không thể nào khỏa lấp nổi.
Với em, những ngày được đến trường đều là những ngày vui như tết, còn bây giờ tết đến mà lòng buồn tênh”, cô H. tâm sự.
Được trả chi khác 15%
Ngày 16/12/2015, UBND huyện Hương Khê đã ký quyết định bổ sung ngân sách cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trường được nhiều nhất là 240 triệu, trường ít nhất cũng 35 triệu. Đây là tin vui cho nhiều giao viên tại Hà Tĩnh.
“Từ trước đến nay, nguồn chi khác trong trường học không được trả đúng trả đủ, và cũng không biết các cơ sở trường học được chi bao nhiêu.
Nhưng năm nay, sau loạt phòng sự điều tra về “Chi khác trong trường học tại Hà Tĩnh không đúng, không đủ”, với sự vào cuộc quyết liệt của Hội đồng nhân dân tỉnh, tại các trường học chúng tôi được phát bổ sung kinh phí vào cuối năm, số tiền 240 triệu”, thầy T. Hiệu trưởng một trường học tại Hương Khê cho biết.
Một góc xuân tại trường mầm non Phúc Trạch, Hương Khê (ảnh: Lê Văn Vị). |
Cô Nguyễn Thị Hà, phòng tài chính huyện Hương Khê cho biết: “Đợt này các trường học được cấp bổ sung 5 tỷ đồng”.
Với 5 tỷ đồng ấy, các trường có tiền để chi các hoạt khác như tu sửa cơ sở vật chất, chi cho hoạt động chuyên môn, cho hành trình công tác.
Vì có khoản chi khác, nên nhà trường cũng tiết kiệm được chi tiêu nên tiền tết năm nay cấp cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên chúng em có tươi tươi hơn tí”, cô Trần Thị V. một giáo viên Hương Khê nói.
Tại Đức Thọ, sau cuộc họp tổng kết học kỳ 1, vào dịp cuối năm, sau khi nghe đồng chí Trưởng phòng GD&ĐT công bố năm 2016, mức chi khác của các cơ sở giáo dục sẽ được chi trả đúng, đủ 15%, hầu hết các đồng chí ngồi dự họp là Hiệu trưởng, Hiệu phó, Chủ tịch Công đoàn đều reo vui phấn khởi.
“Đây là tin tốt lành nhất, vì nếu được chi đúng, chi đủ thì các nhà trường không phải khó khăn bế tắc trong việc triển khai các hoạt động và đặc biệt là đầu năm không phải lo lắng về việc vận động thu tiền từ phụ huynh học sinh.
Vận đông thu tiền phụ huynh thật là “cực chẳng đã” vì đa số phụ huynh cũng chẳng giàu có gì.
"Nhưng nếu không thu thì không có để hoạt động, mà thu thì phải đối mặt với dư luận.
Cho nên làm lãnh đạo các trường học có một ước mơ mong sao “Giáo dục là quốc sách” được hiện thực hóa bằng việc chi đúng, chi đủ cho nhà trường hoạt động”, thầy Hồ Đình Q. một giáo viên tại Hương Khê chia sẻ.
Theo ông Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết Hội đồng nhân dân tỉnh đã làm việc với Sở Tài chính về khoản chi khác cho các cơ sở giáo dục theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 136 của Hội đồng nhân dân tỉnh phải giao theo định biên chứ không phải theo vốn tự có. Hằng năm phải bổ sung để đủ mức 15%.
Năm 2016, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm và sẽ cùng với Hội đồng nhân dân các huyện vào cuộc một cách quyết liệt nhằm cải thiện tình hình thu chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.