TH Phương Canh cho 3 đơn vị dạy 4 chương trình tiếng Anh, trường được bao nhiêu?

30/10/2023 06:34
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường TH Phương Canh hiện đang triển khai chương trình tiếng Anh với 3 đơn vị tư nhân, sắp xếp vào thời khóa biểu chính khóa, nhưng không thừa nhận là liên kết.

Trường Tiểu học Phương Canh hiện đang thực hiện chương trình của 3 đơn vị

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con học lớp 2 (vào đầu tháng 10), trong thời khóa biểu của Trường Tiểu học Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có xếp xen kẽ giờ học Tiếng Anh và Gmaths vào buổi học.

Cụ thể, đối với thời khóa biểu của lớp này, có môn Tiếng Anh vào tiết 3 (ngày Thứ Ba) và tiết 6 (ngày Thứ Năm); và Gmaths vào tiết 5 (ngày thứ Tư) và tiết 2 (ngày thứ Năm). Theo đó, các tiết học này được xếp vào giữa buổi học, nên nếu phụ huynh không đăng ký cho con học, sẽ gặp bất tiện, khi sắp xếp để đón con hoặc có phương án trông giữ con vào khoảng thời gian này.

Thời khóa biểu lớp 2 của Tiểu học Phương Canh vào đầu tháng 10.

Thời khóa biểu lớp 2 của Tiểu học Phương Canh vào đầu tháng 10.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 10/10, bà Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh, đầu năm học, nhà trường tuyển sinh và cho phụ huynh đăng ký các chương trình tiếng Anh đang triển khai tại trường. Phụ huynh yêu thích chương trình nào, sẽ lựa chọn tham gia đăng ký, nhà trường sẽ tổng hợp nhu cầu làm đề án.

Trường Tiểu học Phương Canh đã hợp tác nhiều năm với Trung tâm Ngoại ngữ Smart Horizon. Trong quá trình làm đề án, nhà trường tuân thủ hết các quy trình, gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm và năm học nào cũng được phê duyệt”.

Theo bà Lan, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu theo nguyện vọng của phụ huynh. Cũng theo đó, bà chia sẻ: “Quá trình triển khai mọi năm cũng không có vấn đề gì. Nhưng năm nay, khi có nhiều bài báo nói về chương trình tiếng Anh bổ trợ tại các trường tiểu học, phụ huynh xôn xao, và khi đó, nhà trường sẽ xem xét lại nguyện vọng của phụ huynh. Nhà trường đã tiến hành rà soát lại nhu cầu của phụ huynh từ chiều ngày 6/10, sắp xếp lại thời khóa biểu theo đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố - lớp nào vừa có học sinh đăng ký học, vừa có học sinh không đăng ký, sẽ xếp lịch vào tiết cuối. Như vậy, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, không cần cử giáo viên trông thêm, vừa tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh, nếu con không học thì có thể đón con về.

Theo đó, đến ngày 16/10, nhà trường thực hiện thời khóa biểu mới theo đúng nguyện vọng của phụ huynh học sinh”.

Hiện tại, Trường Tiểu học Phương Canh đang thực hiện chương trình liên kết tiếng Anh với các đơn vị khác nhau như: Trung tâm Ngoại ngữ Smart Horizon (Công ty cổ phần Anna); Công ty cổ phần Giáo dục Gmaths (đảm nhiệm môn STEM và Toán bằng tiếng Anh).

Trong đó, theo bà Lan, Trung tâm Ngoại ngữ Smart Horizon đã được Trường Tiểu học Phương Canh chọn từ nhiều năm, nên khi được điều động về trường, bà cũng “tiếp nối” chương trình này. Theo đó, bà Lan cho biết, nhà trường căn cứ vào hồ sơ năng lực của các đơn vị cũng như tham khảo kết quả triển khai của một số trường để lựa chọn.

Khi đề cập đến việc có đề án triển khai các chương trình liên kết này hay không, nữ Hiệu trưởng chia sẻ: “Phần sử dụng tài sản công phải là cho thuê, hay một đơn vị nào liên doanh, có thu nhập thì mới gọi là liên doanh, liên kết; còn đây chỉ là các trung tâm hỗ trợ vào đây, “phần để lại” để hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường là rất ít, chủ yếu là nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, không phải để nhà trường thu lợi quá nhiều như thế.

Toàn thành phố Hà Nội, ai cũng thế, đều được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình, phê duyệt đề án của các trung tâm, triển khai về phía các trường. Đó là về mặt chuyên môn.

Còn về phần cơ sở vật chất, tất cả đều là phục vụ học sinh, nên cũng không thể gọi là liên doanh, liên kết hay thu nhập ngoài giống như một công ty nào đó thuê địa bàn để kinh doanh lớn. Đây là chuyện khác nhau.

Bây giờ, việc tổ chức học tiếng Anh như thế này, người ta không gọi là “liên kết tiếng Anh” mà gọi là “Đề án bổ trợ và nâng cao tiếng Anh cho học sinh tiểu học”. Trong văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo là như thế. Nhưng, mình cứ quen gọi là liên doanh, liên kết xong “chụp” cho là liên doanh, liên kết”. Còn thực tế trong văn bản của Sở là “chương trình bổ trợ và nâng cao tiếng Anh cho học sinh tiểu học”, không có chữ “liên kết” nào ở đấy”.

“Chúng tôi mới vừa tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức. Trong hội nghị đó, chúng tôi được chỉ đạo là, hiện tại các trường đang tổ chức và vận dụng các văn bản của nhà nước rất đúng, chắc chắn, gần đây nhất, Sở sẽ có văn bản chỉ đạo chung cho các trường. Bấy giờ, nếu phải thay đổi gì, các trường sẽ làm như vậy” - bà Lan cho biết.

Trường Tiểu học Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Mộc Trà.

Trường Tiểu học Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Mộc Trà.

Nhà trường nhận được 10%

Về mức thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Canh cho biết, mỗi đơn vị có mức thu riêng. “Chẳng hạn, với Trung tâm Ngoại ngữ Smart Horizon, thu 150.000 đồng/tháng/học sinh. Trong đó, có 8 tiết học, mỗi tuần có 2 tiết; với 50% tiết học với người nước ngoài, có một giáo viên Việt Nam trợ giảng và 50% tiết của giáo viên Việt Nam” - bà Lan thông tin thêm.

Theo nữ Hiệu trưởng, căn cứ mức thu của các đơn vị này thỏa thuận và thống nhất với nhà trường, phụ huynh thấy phù hợp thì sẽ đăng ký. Nhà trường sẽ “thu hộ” các đơn vị này và cuối tháng sẽ chuyển khoản lại.

Khi được hỏi về phần trăm nhà trường được nhận, nữ Hiệu trưởng trả lời: “Họ (các đơn vị dạy tiếng Anh - phóng viên) chỉ để lại “một tí ti” để nhà trường tu bổ cơ sở vật chất, không đáng kể, chỉ có 5%; và thêm 5% cho công tác quản lý tại nhà trường, tổng là 10%”.

Để có ý kiến của cấp quản lý, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chờ đợi để có được câu trả lời từ phía Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm về vấn đề này.

Ngày 24/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm đã sắp xếp cuộc làm việc với phóng viên.

Trong buổi làm việc với phóng viên vào chiều ngày 24/10 tại phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm, bà Lê Thị Tuyết Lan thông tin: “Sau khi rà soát, 100% học sinh lớp 1 vẫn cho con tham gia học bổ trợ Tiếng Anh, toàn trường có 97,2% học sinh tiếp tục tham gia. Riêng lớp 5A5 xin phép không học chương trình này nữa nên nhà trường đã bố trí cho lớp tan học lúc 16 giờ 10 phút các ngày thứ Ba và thứ Năm hằng tuần”.

Bà Lan cũng bày tỏ: “Về đề án thì, toàn thành phố không có trường nào có. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã vào cuộc rất kịp thời, chắc là chỉ một vài tháng nữa, sẽ có sự điều chỉnh. Còn hiện nay, học tiếng Anh là nhu cầu của phụ huynh, nên không có chỉ đạo dừng triển khai, mà chỉ chỉ đạo là sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, hợp lý, và bám trên nhu cầu người học”.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm nói gì?

Theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc liên kết với đơn vị tư nhân, sử dụng tài sản công, cần có đề án, phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết.

Tại buổi làm việc chiều ngày 24/10, ông Nguyễn Quý Trang - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Theo Nghị định 151, chương trình liên kết phải có đề án được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, chương trình tiếng Anh này hiện nay thực ra mang tính chất bổ trợ.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đang đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh Nghị định 151. Bởi thực tế, đây là chương trình bổ trợ, hỗ trợ phục vụ mục đích giáo dục trong các nhà trường, không phải là chương trình liên kết để làm đề án.

Hôm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có trả lời trên báo chí, sẽ có sự điều chỉnh những yêu cầu các trường thực hiện đúng, không để lồng vào chương trình chính khóa, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện... Nên vừa rồi, Trường Tiểu học Phương Canh cũng đã điều chỉnh lại”.

Tuy nhiên, vị Phó Trưởng phòng lý giải: “Nếu gọi là chương trình liên kết thì cũng chưa chính xác, còn nếu gọi là chương trình bổ trợ, thì chương trình lại không phải làm đề án”.

Ngoài ra, theo vị này, thời gian vừa rồi, phòng đã chỉ đạo các trường làm đề án để tổng hợp, trình lên thành phố. Còn hiện tại, vẫn chưa có văn bản nào từ thành phố yêu cầu tất cả các trường phải dừng chương trình này, nên các trường trên địa bàn quận vẫn đang triển khai.

Khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định:

4. Đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Sở Tài chính (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý);

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công xem xét, có ý kiến về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý, báo cáo bộ, cơ quan trung ương để lấy ý kiến Bộ Tài chính; Sở Tài chính xem xét, có ý kiến về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết;

Mộc Trà