Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết phản ánh về việc triển khai chương trình liên kết tiếng Anh tại một số trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai (Thành phố Hà Nội).
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) tổ chức dạy 3 chương trình tiếng Anh liên kết xen giờ học chính khóa.
Ngay sau khi bài viết "Tiểu học Vĩnh Hưng: 3 chương trình Tiếng Anh liên kết xếp xen giờ học chính khóa được đăng tải", nhiều phụ huynh tại quận Hoàng Mai chia sẻ, họ cũng ở trong tình cảnh đăng ký tự nguyện học mà trong thâm tâm đầy bức xúc.
Để làm rõ các cơ sở pháp lý của việc triển khai các chương trình liên kết, mức thu dựa trên căn cứ nào, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với các trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai và theo yêu cầu của Trường, Phòng, phóng viên đã gửi giấy giới thiệu cùng nội dung câu hỏi tới Ủy ban Nhân dân Quận Hoàng Mai.
Ngày 20/9, cán bộ văn phòng Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai gọi điện cho phóng viên thông báo, lãnh đạo quận đã có chỉ đạo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai là bà Phạm Đàm Thục Hạnh liên hệ trả lời báo.
Tuy nhiên, khi phóng viên phản hồi rằng, bản thân chưa nhận được phản hồi nào từ phía Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai. Vị cán bộ đã đọc số điện thoại của bà Hạnh để phóng viên liên hệ.
Phóng viên đã gọi và nhắn tin tới Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phạm Đàm Thục Hạnh nhưng cũng không nhận được phản hồi.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay có một thực trạng là các trường tổ chức nhiều chương trình liên kết cho học sinh đăng ký, thậm chí chèn vào giờ học chính khóa. Nếu học sinh không học sẽ phải xuống thư viện ngồi đọc sách, còn nếu đăng ký học thì học sinh tiếp thu kiến thức sao nổi.
Năm học 2023-2024, một lớp 5 tại Trường Tiểu học Vĩnh Hưng sẽ có 2 tiết tiếng Anh bổ trợ vào chiều thứ Năm và chiều thứ Bảy và một tiết tiếng Anh - Toán được tổ chức vào đầu giờ chiều thứ Bảy. (Ảnh: PHCC) |
"Học sinh đã được học chương trình chính khóa, rồi còn ngoại khóa, nếu học thêm 3 chương trình tiếng Anh liên kết thì học sinh làm sao học nổi. Hiện nay, nhiều trường đang thương mại hóa giáo dục, khiến học sinh học tập rất vất vả", ông Hòa chi sẻ.
Về việc Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Mai trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhưng vị Trưởng phòng không phản hồi, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, đã có sự chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận thì Phòng Giáo dục phải chấp hành.
"Còn trong trường hợp, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo nhưng không kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, cũng có thể sẽ khiến Phòng Giáo dục và Đào tạo "lơ" đi. Vì vậy, tôi đề nghị sau có chỉ đạo của quận thì cũng nên kiểm tra đôn đốc, để nắm rõ tại sao Phòng Giáo dục chưa thực hiện", ông Hòa chia sẻ.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho hay, theo Luật báo chí được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẩm định có nêu rõ, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương có trách nhiệm trả lời báo chí khi có những vụ việc xảy ra.
"Cơ quan báo chí là đơn vị thông tin, truyền thông cho dư luận biết những vấn đề trong vấn xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục... Các cơ quan trung ương, địa phương phải trả lời báo chí, thậm chí còn có quy định những người đứng đầu tổ chức họp báo định kỳ. Nếu như Ủy ban Nhân dân quận chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo trả lời nhưng Phòng không trả lời báo chí, đó không chỉ là sai phạm của Phòng mà còn có trách nhiệm của quận.
Nếu cơ quan chức năng có trách nhiệm nhưng trốn tránh trả lời là hoàn toàn sai quy định pháp luật về báo chí, vi phạm pháp luật và đó còn là cách ứng xử", ông Tiến nhấn mạnh.