Nhiều môn ở CT 2018 đã tích hợp dạy kỹ năng sống, sao còn liên kết dạy thu tiền?

20/10/2023 09:14
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi tuần 3 tiết Hoạt động trải nghiệm đã giúp cho học sinh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Ở chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung giáo dục kỹ năng sống chưa được chú trọng, khái niệm về kỹ năng sống còn khá mơ hồ đối với cả giáo viên.

Vào những năm 2011-2012, ngành Giáo dục mới bắt đầu triển khai việc đưa nội dung này vào chương trình học chính khóa trong các trường phổ thông dưới hình thức lồng ghép. Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Một bài học giáo dục kỹ năng sống thiết thực cho học sinh lớp 2 (Ảnh Đỗ Quyên)

Một bài học giáo dục kỹ năng sống thiết thực cho học sinh lớp 2 (Ảnh Đỗ Quyên)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo.

Những bài học ở nhiều môn học như tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội… đã được tích hợp kỹ năng sống khá phong phú. Cùng với đó, có thêm mỗi tuần 3 tiết Hoạt động trải nghiệm đã giúp cho học sinh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chú trọng nhiều đến dạy kỹ năng sống cho học sinh

Hoạt động trải nghiệm là một trong những môn học mới xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân; giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp. Nội dung này được triển khai qua 4 nhóm hoạt động chính:

- Hoạt động phát triển cá nhân; Hoạt động lao động; Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; Hoạt động hướng nghiệp.

Nội dung giảng dạy cũng vô cùng phong phú. Nội dung hoạt động tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, các kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình.

Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện.

Kỹ năng sống được tích hợp trong nhiều bài học, nhiều môn học

Ví dụ, ở môn Đạo đức lớp 2, tuần 2 là chủ đề “Nhận lỗi và sửa lỗi”. Học sinh biết được một số biểu hiện của nhận lỗi, sửa lỗi. Hiểu được vì sao phải nhận lỗi, sửa lỗi trong nhiều trường hợp.

Hay như bài 11 với chủ đề “Tìm kiếm sự hỗ trợ”. Các em sẽ được trang bị một số kiến thức, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ ở nhà, ở trường, ngoài xã hội với khá nhiều kiến thức phong phú.

Hiểu được vì sao và biết thực hiện được phải tìm kiếm sự hỗ trợ. Những tình huống dễ gặp, dễ xảy ra như lửa bếp ga cháy to quá, bị đau bụng bất ngờ, bị tai nạn nhỏ, bị bạn bè xa lánh, khi có người lạ gõ cửa, khi bị kẻ xấu xàm sỡ, khi bị lạc người thân ở nơi công cộng…

Hay như môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2. Bài 3 “Phòng tránh ngộ độc khi ở nhà”. Học sinh sẽ nêu được một số nguyên nhân có thể gây ngộ độc. Biết được những việc có thể làm để phòng tránh và biết xử lý tình huống khi bản thân, người nhà bị ngộ độc.

Hoặc bài 11 “Tham gia giao thông an toàn”. Học sinh sẽ có kiến thức về các loại biển báo, biết tham gia giao thông sao cho an toàn, biết tránh những việc nguy hiểm, không an toàn cho bản thân. Hay bài 12 về "Hoạt động mua bán hàng hóa". Các em có hiểu biết, kỹ năng khi đi mua hàng, biết sử dụng đồng tiền thích hợp...

Môn Hoạt động trải nghiệm với nhiều nội dung giáo dục phong phú, bổ ích. Ví như ở lớp 2 có chủ đề “Vì một cuộc sống an toàn”, học sinh biết được những tình huống có nguy cơ bị lạc, bị bắt cóc. Thực hiện được những việc làm để phòng tránh bị lạc, bị bắt cóc.

Chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người đáng tin cậy. Hay chủ đề “Chăm sóc và phục vụ bản thân”, học sinh sẽ biết cách sắp xếp đồ dùng sinh hoạt cá nhân ngăn nắp, gọn gàng. Biết thực hiện một số công việc nhà phù hợp…

Giáo dục qua những tiết hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm và hoạt động trải nghiệm dưới cờ

Ngoài những bài học trong các môn học giáo dục trực tiếp kỹ năng sống cho học sinh thì mỗi tuần, học sinh tiểu học sẽ có 3 tiết cho môn học Hoạt động trải nghiệm. Thường thì các trường học bố trí 1 tiết vào đầu tuần (sau các nghi lễ chào cờ đầu tuần) và 2 tiết học vào giữa tuần và cuối tuần.

Mỗi tháng học là một chủ đề lớn. Mỗi tuần lại có một nội dung khác nhau xoay quanh chủ đề lớn. Ví dụ chủ đề của tháng 10 “Vì một cuộc sống an toàn” sẽ được xuyên suốt trong 4 tuần học của tháng.

Ngoài những tiết dạy trên lớp, 4 tiết chào cờ sẽ được lồng ghép để học sinh đóng hoạt cảnh, diễn tình huống dễ bị lạc, bị bắt cóc và bị xâm hại. Ngoài ra, các em sẽ trả lời câu hỏi xoay quanh các tình huống vừa diễn ra.

Học sinh hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm dưới cờ (Ảnh Đỗ Quyên)

Học sinh hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm dưới cờ (Ảnh Đỗ Quyên)

Hay như tuần 7 nội dung là “Trò chơi an toàn - nguy hiểm”. Học sinh sẽ được nói không với quà rong, tham gia hoặc không tham gia các trò chơi an toàn – nguy hiểm.

Ngoài ra, hàng tháng các trường học đều có những buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt theo chủ điểm như về An toàn giao thông; Giáo dục giới tính; Phòng chống xâm hại, đuối nước; Phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm…Các chương trình ngoại khóa phần lớn đều được các nhà trường đầu tư kỹ.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là trang bị về kiến thức, thái độ và kỹ năng phù hợp, từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực. Đồng thời, sẽ loại bỏ đi những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống.

Tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày như năng lực giao tiếp, kĩ năng vệ sinh, chăm sóc, bảo vệ bản thân, lễ phép, ngoan ngoãn, có ý thức bảo vệ môi trường, quan tâm đến người khác, yêu tổ quốc…

Với thời lượng và nội dung học về kỹ năng sống trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay, như thế đã là phù hợp với học sinh tiểu học. Vì thế, việc nhiều trường học hiện nay, tổ chức thêm một tiết học về kỹ năng sống có thu phí không chỉ làm gánh nặng về tài chính cho nhiều gia đình mà còn tạo thêm nhiều áp lực về học tập cho học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên