Vừa qua, nhiều độc giả quan tâm và gửi thắc mắc về tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Thành Đông, địa chỉ tại số 3 Vũ Công Đán, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Theo độc giả, nhiều học viên chương trình đào tạo này của Trường Đại học Thành Đông hiện đang cư trú, làm việc tại các tỉnh phía Nam đã theo học trong mấy năm gần đây.
70% thời gian học trực tiếp, học viên ở miền Nam ra tận Hải Dương học thạc sĩ
Qua đó bạn đọc tỏ ra băn khoăn, đa phần học viên theo học là đối tượng vừa học vừa đi làm, việc đi lại với học viên ở xa được cho là khá tốn kém về thời gian và chi phí. Vậy Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Thành Đông có gì hấp dẫn để thu hút người học ở những địa phương có khoảng cách địa lý xa xôi như vậy?
Tìm hiểu của phóng viên, Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Thành Đông được Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định cho phép đào tạo vào ngày 27/3/2019 với mã số là 8380107.
Theo thông tin trên trang tuyển sinh của nhà trường, ngày 30/3/2019, Trường Đại học Thành Đông có thông báo tuyển sinh lần đầu tiên đối với chương trình này. Năm sau đó là năm 2020 trường đại học này thực hiện thông báo tuyển sinh 1 đợt.
Tiếp đó, năm 2021 có 3 đợt thông báo tuyển sinh, năm 2022 có 2 đợt thông báo tuyển sinh, năm 2023 có 5 đợt thông báo tuyển sinh và hiện năm 2024 đã có 1 đợt thông báo tuyển sinh.
Theo thông tin trong thông báo tuyển sinh mà phóng viên tiếp cận, phạm vi tuyển sinh là với tất cả người học có nhu cầu trên khắp cả nước. Đối tượng tuyển sinh là tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp đại học khối ngành kinh tế và khoa học công nghệ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Riêng với đối tượng thí sinh tốt nghiệp loại Khá, Giỏi sẽ được ưu tiên dự thi ngay sau khi tốt nghiệp, còn các đối tượng khác phải có thời gian kinh nghiệm ít nhất 1 năm tính đến thời điểm dự thi.
Trong báo tuyển sinh cũng nêu lưu ý với các ngành đúng, phù hợp để có thể thực hiện việc tuyển sinh gồm các ngành: Luật học, Luật hành chính, Luật thương mại, Luật quốc tế, Luật kinh tế, Luật Kinh doanh, Luật hình sự thì học viên không phải học bổ sung kiến thức.
Ngoài ra, có các ngành gần như: Quản lý nhà nước, Quản lý giáo dục, Quan hệ công chúng, Xã hội học, Quản lý văn hóa, Quản lý xã hội, Quản lý kinh tế, Kinh tế học, Tâm lý học, Lịch sử, Hệ thống thông tin quản lý, Quản lý xây dựng, Quản lý đô thị, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường và Kế toán thì học viên phải học bổ sung kiến thức là 10 tín chỉ.
Với các thí sinh tốt nghiệp đại học các ngành khác mà không thuộc 2 nhóm ngành trên thì bắt buộc phải học bổ sung kiến thức là 18 tín chỉ.
Để có thêm thông tin về việc tuyển sinh chương trình đào tạo này của Trường Đại học Thành Đông ở khu vực phía Nam, phóng viên đã vào vai một người học có nhu cầu và giới thiệu là đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên hệ theo số hotline 091.xxxx.668 được đăng tải trên fanpage "Thạc sĩ - Đại học Thành Đông" phóng viên được một người đàn ông, giọng miền Bắc trả lời và tư vấn.
Qua trao đổi người này tự nhận mình là nhân viên phụ trách tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Thành Đông, đồng thời khẳng định nhà trường tuyển sinh học viên Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế trong phạm vi khắp cả nước chứ không riêng gì tại khu vực phía nam.
"Với các học viên ở xa sẽ học theo hình thức trực tuyến kết hợp với học trực tiếp tại trường", người này nói thêm về hình thức học viên sẽ học.
Phóng viên thắc mắc, nếu học viên ở xa, gặp khó khăn để thu xếp đi lại và học trực tiếp tại trường, vậy nhà trường có phương án nào phù hợp và tạo điều kiện cho học viên hay không?
Về điều này, nhân viên tư vấn nói "người học cứ yên tâm" vì nhà trường sẽ đặt 2 lớp học ở trong thành phố Hồ Chí Minh để tiện việc học của học viên khu vực trong đó.
"Có một lớp được đặt trong một trường cao đẳng ở phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức và một lớp khác tại quận Gò Vấp. Thông thường các lớp này sẽ tổ chức vào hai ngày cuối tuần để thuận tiện cho công việc của học viên. Sẽ có giáo viên ngoài này bay vào để giảng dạy", nhân viên tư vấn cho biết.
Trường Đại học Thành Đông không có cơ sở đào tạo nào tại thành phố Hồ Chí Minh
Trước thông tin trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với Trường Đại học Thành Đông về nội dung này.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông cho rằng, có thể phóng viên đã liên hệ vào số hotline của fanpage "giả mạo" nhà trường trong công tác tuyển sinh.
Vị này cho biết, đã có nhiều trường hợp giả mạo là đơn vị liên kết với nhà trường ở khu vực phía Nam quảng bá tuyển sinh để lừa tiền các học viên. Về việc này nhà trường cũng đã gửi các văn bản đề nghị công an ở các khu vực có đơn vị mạo danh để điều tra, xử lý. Đồng thời khẳng định, nhà trường không có cơ sở đào tạo nào khác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, đại diện phòng tuyển sinh và truyền thông của Trường Đại học Thành Đông cũng phủ nhận thông tin nhà trường đặt lớp học ở khu vực phía Nam và có giáo viên bay vào dạy trong đó.
Người này cho biết thêm rằng, mùa tuyển sinh năm nào đơn vị này cũng phải mất rất nhiều thời gian để rà soát và báo cáo, đề nghị facebook gỡ xuống những fanpage giả mạo để tránh việc người học có nhu cầu bị mất tiền oan vào các địa chỉ giả mạo đó.
Nói thêm về việc này, thầy Hùng nhấn mạnh: "Trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo nhà trường luôn nghiêm túc thực hiện theo các quy định đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ tạo các điều kiện tốt nhất để các học viên ở xa có thể yên tâm theo học mà không ảnh hưởng đến khối lượng chương trình đào tạo.
Việc nói nhà trường đặt các lớp đào tạo trong khu vực phía Nam là không đúng. Thông tin đó có thể là từ một fanpage không phải của đội tư vấn tuyển sinh nhà trường phụ trách. Người học có nhu cầu đăng ký cần hết sức tỉnh táo để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Để đảm bảo chắc chắn, học viên có thể tìm hiểu thông tin tuyển sinh trang thông tin điện tử chính thức của nhà trường hoặc đến trực tiếp tại trường để tìm hiểu và mua hồ sơ".
Phóng viên đặt câu hỏi, nếu không có việc đặt lớp ở khu vực phía Nam vậy nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các học viên theo học Chương trình Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế tại trường như thế nào để học viên có thể theo học đầy đủ khối lượng của chương trình yêu cầu?
Về việc này, thầy Hùng cho hay: "Nhà trường tuyển sinh cao học trong toàn quốc và đào tạo theo định hướng ứng dụng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.
Cụ thể gồm giảng dạy trực tiếp 30% chương trình lý thuyết; số tiết lý thuyết còn lại học tại trường nhà trường thống nhất và bàn bạc với học viên sẽ sử dụng ngày phép trong năm kết hợp với 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Với số lượng ngày phép được nghỉ là 12 ngày học viên sẽ chia làm 2 đợt. Mỗi đợt như vậy chúng tôi tính toán, học viên sẽ có 5 ngày thường trong tuần được nghỉ cộng với 2 ngày nghỉ cuối tuần của tuần đó và tuần trước đó. Như vậy trong một đợt, tổng số ngày nghỉ mà học viên được hưởng là 9 ngày.
Ngoài ra, nhà trường còn cho học viên thực tập thực tế, làm bài tập lớn và chuyên đề của mỗi học phần.
Về địa điểm thực tập tốt nghiệp sẽ do học viên lựa chọn nhưng cần có sự cho phép của nhà trường. Khi bảo vệ luận án, học viên phải thực hiện việc bảo vệ trực tiếp tại trường".
Vị Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông cũng thông tin thêm, các lớp học viên ở khu vực phía Nam nhà trường cũng chỉ mới tuyển sinh được trong vòng hai ba năm trở lại đây. Mỗi lớp có khoảng từ 30 đến 35 học viên.
Chia sẻ thêm về một số nguyên nhân để Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Luật Kinh tế tại một của trường đại học ở tỉnh lẻ phía Bắc như Trường Đại học Thành Đông lại có thể thu hút học viên ở khu vực phía Nam, lãnh đạo nhà trường nói thêm: "Một phần có thể là do tên tuổi và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Thành Đông đã thực sự phủ sóng đến người học ở các khu vực xa xôi trong thời gian gần đây.
Điều này đến từ hoạt động truyền thông tích cực của nhà trường. Đồng thời, chúng tôi chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nên chất lượng sau đào tạo cũng được nâng lên.
Nếu chất lượng học tập tốt, các chế độ hỗ trợ học tập tốt thì các học viên khóa trước họ sẽ tự truyền tai nhau để có học viên khóa sau đăng ký theo học.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có quan tâm đến nhu cầu lớn nhất của học viên ở xa đó là về ăn ở, đi lại. Về ăn ở, nhà trường đã hỗ trợ chỗ ở miễn phí ở ký túc xá cho toàn bộ học viên ở xa. Khu ký túc xá cũng được đầu tư, nâng cấp, toàn bộ các phòng ký túc xá đều có điều hòa, bàn ghế, giường ngủ sạch sẽ.
Ngoài ra, với điều kiện đi lại, vì con số học viên ở lớp học viên ở khu vực phía Nam là khá đông nên mỗi lần di chuyển chúng tôi sẽ đặt vé máy bay tập thể để có giá vé tốt nhất. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ một phần chi phí mua vé máy bay nên tính ra, chi phí đi lại của học viên mỗi lần bay ra Hà Nội cũng là không đáng kể.
Tất cả những điều đó đã tạo ra tâm lý thoải mái cho các học viên. Qua các khóa học chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực từ các học viên ở xa phản hồi lại cho nhà trường".