Nikkei Asian Review ngày 11/5 bình luận, "giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu ngang vai với Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Trung Quốc đang phải đấu tranh tránh để rơi vào tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh: Reuters / Nikkei Asian Review. |
Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bằng cách áp dụng một gói kích thích kinh tế khổng lồ, khoảng 585 tỉ USD. Quốc gia này đã đạt được mục tiêu phục hồi nền kinh tế theo "hình chữ V" và gói kích thích này đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng cao liên tục của kinh tế Trung Quốc.
Năm 2010 Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm trong nước. Nhưng giai đoạn tăng trưởng nóng này đã kết thúc. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei khẳng định, sẽ không thực tế nếu hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Chính quyền ông Tập Cận Bình đang nỗ lực để "hạ cánh mềm", đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Các quan chức Trung Quốc nói rằng họ mong đợi một sự phục hồi "hình chữ L" thay vì "hình chữ V" như trong quá khứ.
Ngày càng có nhiều lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào trạng thái trì trệ kéo dài và phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như dư thừa cơ sở sản xuất và tốc độ lão hóa nhanh chóng của xã hội.
Trong khoảng thời gian từ giữa 2011 đến 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Trung Quốc là 7,8% / năm. Ông Tập Cận Bình lạc quan về triển vọng kinh tế, nhưng vẫn giảm mục tiêu tăng trưởng bình quân trong 5 năm tới, 2016 - 2020 xuống còn 6,5% / năm.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Mizuho Nhật Bản, nếu kinh tế Trung Quốc giảm 1% tốc độ tăng trưởng sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu giảm 0,24%.
Vay tiền Trung Quốc, Venezuela ngấm đòn
Venezuela từ nghịch lý đến phi lý |
Xu hướng suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo ra những làn sóng xung kích đối với kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia dễ bị tổn thương bởi cơn gió ngược thổi mạnh từ Trung Quốc. Venezuela là một ví dụ điển hình.
Ngày 1/3, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio del Pino đã đến thăm Bắc Kinh để tìm cách giãn nợ, giảm nợ từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Hoa Kỳ từng coi Mỹ - Latinh là sân sau của mình. Nhưng Venezuela đã bắt đầu theo đuổi chính sách hợp tác với Trung - Nga chống Mỹ từ những năm 2000.
Venezuela đã trở thành khách hàng lớn vay tiền từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và dùng dầu mỏ để trả nợ. Cả hai cảm thấy hài lòng với kế hoạch này vì nó được xây dựng trên giả định, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng cao, nhu cầu sử dụng năng lượng lớn.
Nhưng thực tế hiện nay giá dầu thế giới giảm sâu và chưa có dấu hiệu hồi phục, còn nền kinh tế Trung Quốc thì dường như đang mất động lực tăng trưởng.
Chính sự sụt giảm của giá dầu thế giới có thể khiến Venezuela sẽ vỡ nợ vào cuối năm nay nếu Trung Quốc không ra tay cứu. Từ năm 2005 đến nay, Venezuela đã vay Trung Quốc tổng cộng 65 tỉ USD và cuối năm nay nhiều khoản nợ đến hạn phải trả.
Kinh tế Venezuela hiện nay đang ở trong tình trạng khó khăn thảm khốc, nhưng Trung Quốc cũng không thể cứu bởi chính nước này cũng đang phải vật lộn với những khó khăn nội tại.
Theo Forbes ngày 2/2, Trung Quốc tỏ ra rất miễn cưỡng trước đề nghị bơm thêm tiền để cứu nền kinh tế Venezuela theo đề nghị của Tổng thống Maduro.
Trước những khó khăn về kinh tế, khủng hoảng chính trị và xã hội tại Venezuela hiện nay, dường như Trung Quốc chỉ đơn thuần giúp chính quyền Tổng thống Maduro "thoi thóp" và để dành tiền nhằm tạo dựng quan hệ với một chính phủ mới tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó theo China.org.cn ngày 10/5, Phó Tổng thống Venezuela Aristobulo Isturiz tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ "âm mưu thao túng giá dầu, phá hoại nền kinh tế Venezuela". Phát biểu khi đang ở thăm Nam Phi, ông Isturiz kêu gọi tăng cường hợp tác Nam - Nam để "đánh bại các cuộc tấn công của phương Tây và châu Âu".