Tham gia thi tuyển dù đỗ nhưng nhiều thầy cô quyết không chọn theo nghề, vì sao?

04/09/2022 06:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tuyển dụng giáo viên khó vì nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng nguồn đăng ký thi không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.

Theo Niên giám thống kê của Tổng cục thống kê, tại thời điểm đầu năm học 2021-2022, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 813.200 người. Trong 6 năm (từ năm 2015 đến năm 2022), trong khi số học sinh phổ thông tăng hơn 2,5 triệu em thì số lượng giáo viên phổ thông lại giảm 48.000 giáo viên.

Tại Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người, số giáo viên thiếu là 101.745 người.

Có giáo viên thi đậu nhưng không chọn theo nghề

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, trong tuyển dụng giáo viên đang gặp một số khó khăn, vì nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng nguồn đăng ký thi không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.

Hiện nay, nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên với số lượng lớn. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hiện nay, nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên với số lượng lớn. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tỉnh Quảng Nam có một số khu vực miền núi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên rất khó tuyển dụng giáo viên cho những khu vực này. Trong khi đồng lương giáo viên còn thấp nên nhiều người ngại nhận công tác ở vùng núi xa xôi.

Cũng có những giáo viên dù tham gia thi tuyển giáo viên vẫn ứng tuyển những vị trí việc làm khác, dù thi đậu viên chức nhưng khi được phân bổ về miền núi thì họ từ chối và không lựa chọn theo nghề.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ được dạy ở bậc trung học phổ thông nhưng địa phương chưa có đội ngũ giáo viên dạy những môn học này. Vì vậy, năm học 2022 - 2023 để triển khai dạy hai môn học này ở lớp 10 thì đội ngũ nhân lực cũng chưa thể đảm bảo, tình trạng thiếu giáo viên rất nhiều, rất trầm trọng.

Tuyển dụng giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật rất khó vì sinh viên tốt nghiệp ngành này ít, trong khi địa phương nào cũng cần tuyển dụng nên không thể đáp ứng được nhu cầu.

Hiện nay, hầu hết các cấp học ở tỉnh Quảng Nam đều thiếu giáo viên, toàn tỉnh thiếu hơn 2.500 giáo viên, nhiều địa bàn bắt đầu có một số trường hợp giáo viên bỏ việc, đặc biệt ở các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

“Năm 2022, theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ tuyển dụng hơn 1.650 chỉ tiêu viên chức ngành giáo dục và đào tạo, trong đó có 1.459 giáo viên (giáo viên mầm non 319 chỉ tiêu; giáo viên tiểu học 739 chỉ tiêu; giáo viên trung học cơ sở 304 chỉ tiêu; giáo viên trung học phổ thông 97 chỉ tiêu).

Mặc dù kế hoạch như vậy nhưng chắc sẽ không tuyển dụng đủ số chỉ tiêu đưa ra vì không đủ nguồn. Năm ngoái cũng có gần 2000 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển dụng được 1092 chỉ tiêu”, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam thông tin.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, ông Thái Viết Tường cho biết, để đảm bảo hoạt động đào tạo, Sở phải sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực cho phù hợp, khắc phục tình trạng mất cân đối giáo viên giữa các trường và các địa phương.

Bên cạnh đó phải có sự sắp xếp, phân công giảng dạy phù hợp, tuyển dụng giáo viên hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng để lấp đầy khoảng trống thiếu giáo viên.

Đối với các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành tuyển dụng giáo viên hợp đồng với những người có chuyên môn phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, Sở tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi tuyển giáo viên sớm để đảm bảo đủ số giáo viên.

Mở rộng quy mô trường tư, san sẻ gánh nặng ngân sách cho nhà nước

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các địa phương khó tuyển dụng giáo viên là vì chúng ta làm chưa tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, chiến lược với đội ngũ nhân lực của ngành.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Hiện nay thiếu nhiều nhất là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có trình độ đại học trở lên. Điều này là đúng, nhằm mục đích nâng cao trình độ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng từ đây, các trường cao đẳng sư phạm không được đào tạo giáo viên cho hai bậc học này.

Việc này cần có lộ trình vì vấn đề đào tạo con người không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Lẽ ra cùng với nâng trình độ giáo viên cần phải nâng trình độ đào tạo của các trường, thế nhưng chúng ta lại dồn hết việc đào tạo giáo viên cho các trường đại học sư phạm. Vì vậy mà chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên và lãng phí nguồn lực của các trường cao đẳng sư phạm.

Nguyên nhân cơ bản của việc khó tuyển dụng giáo viên là vì thiếu nguồn, vì việc đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ngành giáo dục phải dự đoán được nhu cầu, số lượng giáo viên từ sớm để có kế hoạch đào tạo đúng hướng, phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Cần giao nhiệm vụ cho các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong đào tạo giáo viên, để các trường cao đẳng sư phạm nâng cấp lên hoặc đào tạo theo hệ 3 + 1 (liên kết với các trường đại học sư phạm đào tạo 3 năm cao đẳng, 1 năm đại học).

Nếu có sự tính toán nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo một cách hợp lý thì chúng ta sẽ không lo lắng tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.

Thêm một vấn đề nữa là đời sống giáo viên hiện còn rất khó khăn, có nhiều người phải làm thêm mới đủ sống, có giáo viên cũng đã chấp nhận nghỉ việc. Vì vậy, cần phải có chính sách đãi ngộ tốt với giáo viên, bởi đây là đội ngũ phục vụ cho ngành giáo dục, đào tạo con người để đưa đất nước phát triển đi lên.

“Điều cần làm là phải cải thiện đời sống cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, khuyến khích việc mở rộng quy mô các trường tư thục.

Muốn vậy, nhà nước phải tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ vốn ban đầu để tư nhân mở trường, đầu tư cho giáo dục, san sẻ gánh nặng ngân sách cho nhà nước, đảm bảo mục tiêu giáo dục và đào tạo”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Trong Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh thiếu trên 3.000 giáo viên. Trong khi đó, nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghỉ việc.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng cho biết, hiện địa phương này thiếu khoảng 8.000 giáo viên. Năm vừa qua, Nghệ An đã bổ sung được hơn 2.000 giáo viên nhưng năm học 2022- 2023, địa phương này vẫn còn thiếu gần 6.000 giáo viên.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, năm học 2021 - 2022, tỉnh này thiếu 8.968 giáo viên.

Phạm Minh