The Japan Times ngày 13/1 dẫn nguồn Bloomberg bình luận, bằng việc trang bị vũ khí hạng nặng cho lực lượng tàu tuần tra Cảnh sát biển, Trung Quốc đang xóa nhòa ranh giới giữa lực lượng này với hải quân.
Tuần qua dư luận truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu Cảnh sát biển 3901 lượng giãn nước 12 ngàn tấn sẽ được trang bị khẩu pháo 76 ly, 2 ụ súng, 2 khẩu súng phòng không. Hình ảnh tàu 3901 mang theo vũ khí đã rò rỉ trên mạng internet.
Tàu 3901 Cảnh sát biển Trung Quốc, ảnh: The Straits Times. |
Đây là loại tàu Cảnh sát biển lớn nhất thế giới, chiếc thứ 2 Trung Quốc đã đóng xong và chuẩn bị đưa vào biên chế sau chiếc đầu tiên số hiệu 2901 đã chạy thử trên biển từ năm ngoái, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Việc Bắc Kinh chuẩn bị đưa vào biên chế hoạt động những tàu Cảnh sát biển khổng lồ được trang bị vũ khí hạng nặng đang xóa nhòa ranh giới giữa Hải quân với lực lượng được cho là "công vụ", "phi quân sự" này. Nó có thể gây ra những khó khăn và phức tạp không nhỏ cho các quốc gia khác như Hoa Kỳ trong các nỗ lực thực thi tự do hàng hải, ngăn chặn xung đột ở Biển Đông.
Trung Quốc đang tăng cường trang bị vũ khí cho hạm đội tàu vỏ trắng của mình mà trước đây (được cho là) chỉ có còi báo động và vòi rồng công suất lớn. Theo Ryan Martinson, một nhà nghiên cứu Trung Quốc từ Học viện Chiến tranh hải quân Hoa Kỳ: Chỉ huy Hải quân Mỹ bây giờ phải chuẩn bị cho khả năng chạm trán bất ngờ với các tàu Cảnh sát biển khổng lồ của Trung Quốc trong thời bình, trong khi hệ thống vũ khí trang bị của nó luôn sẵn sàng sử dụng.
Đây là một viễn cảnh khó chịu khi những tàu vỏ trắng mang vũ khí của Trung Quốc lại lớn hơn nhiều so với các tàu tuần tra của hải quân Hoa Kỳ. Tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen mà Mỹ tuần tra ở Xu Bi tháng 10 năm ngoái có lượng giãn nước 9,7 ngàn tấn.
Nếu như tàu hải quân Trung Quốc vô tình chạm trán tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông, hai bên buộc phải tuân thủ các thỏa thuận về ứng xử khi chạm trán bất ngờ mà hai nước thỏa thuận từ năm 2014. Tuy nhiên điều này không bắt buộc đối với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson đã gọi lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc là một "vùng xám" cần phải có cách ứng phó sáng tạo với các hoạt động thù địch của chúng, bởi Trung Quốc yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) đối với 80% diện tích Biển Đông.
Collin Koh Swee Lean, một nhà nghiên cứu tại Trường S. Rajaratnam, Singapore cho hay, 2 chiếc tàu tuần tra khổng lồ đầu tiên đã được chế tạo có thể được giao cho lực lượng tuần tra Hoa Đông và lực lượng hoạt động trên Biển Đông.
Ryan Martinson lưu ý rằng, kích thước tàu là một yếu tố quyết định khả năng của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Bởi khi có sự chênh lệch lớn về kích thước, tàu nào lớn hơn sẽ lái được tàu đối thủ trên biển.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã chuyển đổi các tàu khu trục hải quân cũ thành tàu Cảnh sát biển và thường xuyên sử dụng chúng hoạt động tuần tra ở Hoa Đông. Một chiếc tàu loại này đã tiến vào vùng biển Nhật Bản kiểm soát hôm 8/1 vừa qua.
Điều đáng lưu tâm thứ hai là ý đồ thực sự của Trung Quốc đằng sau việc chế tạo, đưa vào hoạt động các tàu Cảnh sát biển khổng lồ có trang bị vũ khí ở Biển Đông là nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò, PV.
Nếu Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác vì muốn tránh xung đột với những "quái thú" trên 10 ngàn tấn này ở Biển Đông mà chấp nhận ký với Trung Quốc một thỏa thuận ứng xử trong các tình huống chạm trán bất ngờ với Cảnh sát biển nước họ trên biển, trong khi Bắc Kinh mặc nhiên áp dụng phạm vi bên trong đường lưỡi bò, có nghĩa là đã vô tình thừa nhận, tiếp tay cho Trung Quốc hiện thực hóa yêu sách phi lý này.
Việc trang bị vũ khí hạng nặng cho các tàu tuần tra mà họ vẫn gọi là "chấp pháp", "công vụ" hay phi quân sự là một hành động leo thang hết sức nguy hiểm, nhưng có tính toán, có chủ đích.
Động thái này nhằm dồn đối phương vào thế bí buộc phải thỏa hiệp với Bắc Kinh theo phương án trên, hoặc phải đối mặt với những tình huống rủi ro, thậm chí gài bẫy của Bắc Kinh để đối phương nổ súng trước. Tham vọng độc chiếm Biển Đông đã lõa lồ! PV.