Thanh tra Chính phủ nói gì về việc xác minh tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng?

19/03/2017 07:40
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Cái anh không kê khai mới là vấn đề...", ông Thanh nói.

Chủ tịch Đà Nẵng có cần giải trình tài sản? 

Đương kim Chủ tịch thành phố Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ sở hữu khối tài sản lớn gồm đất đai, công trình nhà ở và góp vốn vào doanh nghiệp.

Trả lời báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Việc kê khai là đúng quy định, trung thực. Nếu có gì không đúng thì có cơ quan chức năng kiểm tra”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ việc hình thành khối tài sản của ông Thơ để tránh sự nghi vấn của dư luận, đồng thời bảo vệ uy tín của lãnh đạo Đà Nẵng.

Nói về sở hữu tài sản của Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, chiều ngày 17/3 trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, luật pháp không bắt buộc người ta phải giải trình nguồn gốc tài sản...

"Chỉ có những bản kê khai từ năm 2013 so với năm 2012 nếu có tăng thêm thì anh phải giải trình phần tăng thêm đó.

Nếu chưa đúng thì anh phải kê khai lại.

Ví dụ, tôi phát hiện anh có hai chiếc ô tô, nhưng anh chỉ kê khai 1 chiếc thì anh phải có trách nhiệm làm rõ về chiếc ô tô còn lại.

Cái anh không kê khai mới là vấn đề, còn những thứ anh sở hữu đúng quy định thì không sao.

Do đó, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, ông Thơ phải làm rõ số tài sản đang sở hữu", ông Thanh nói.

Ông Lê Văn Cuông, ảnh: QUỐC TOẢN.
Ông Lê Văn Cuông, ảnh: QUỐC TOẢN.

Trong khi đó, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho rằng, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng nên giải trình khối tài sản mà bản thân đang sở hữu để tránh sự nghi ngờ của dư luận.

“Nếu dư luận đã có thông tin thì cấp có thẩm quyền nên làm rõ khối tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ.

Trong quá trình kê khai tài sản, cơ quan có thẩm quyền có tiến hành kiểm tra, xác minh đầy đủ đối với tài sản thu nhập của cán bộ hay không?

Nếu kiểm tra thì có điều gì bất thường không?

Với đồng lương cán bộ công chức bình thường, ông Thơ có thể sở hữu khối tài sản lớn đến vậy không?

Những khoản thu nhập đó có chính đáng, hợp pháp không?

Ông Thơ cũng nên giải trình về nguồn thu nhập/tài sản do đâu mà có, để tránh sự nghi ngờ của dư luận", ông Cuông nhận định.

Cũng theo vị nguyên Đại biểu Quốc hội (đoàn Thanh Hóa), nếu cán bộ lãnh đạo gương mẫu, tự công khai, giải trình về tài sản, khi có thắc mắc của dư luận, sẽ có lợi trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

“Nếu thu nhập của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ có được là chính đáng thì cần hoan nghênh và ngược lại”, ông Cuông nói.

Nhận định chung về việc kê khai tài sản hiện nay, ông Cuông cho rằng, vấn đề này đang còn thực hiện một cách hình thức.

“Việc kê khai chưa đi đôi với công tác giải trình thu nhập cán bộ.

Cho nên để chống tham nhũng, ngoài việc minh bạch về tài sản, cần xây dựng cơ chế hơn kiểm soát được thu nhập cán bộ, hạn chế dùng tiền mặt trong giao dịch.

Bên cạnh đó, cần phải có chế tài giám sát quyền lực để quyền lực không bị tha hóa, cán bộ không thể có điều kiện tham nhũng…”, ông Cuông nói.

Quan chức có được góp vốn, mua cổ phần?

Thực tế, không ít quan chức sử dụng tiền của mình để góp vốn vào các doanh nghiệp.

Nhiều người nghi ngờ rằng, việc góp vốn trong quá làm ăn sẽ tạo thành lợi ích nhóm, điều khiển việc thực thi chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Về việc này, ông Lê Văn Cuông nhận định, đây là tình trạng phổ biến hiện nay trong đời sống kinh tế, xã hội.

"Bên cạnh vấn nạn chạy chức, chạy quyền, việc tạo ra những doanh nghiệp sân sau sẽ đem lại nguồn thu lớn cho cán bộ.

Ví dụ, có những dự án có số tiền đầu tư lớn, người ta sẽ

Thanh tra Chính phủ nói gì về việc xác minh tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng? ảnh 2

Cán bộ làm sai, xử được mấy người?

chỉ định thầu để đem lại lợi ích cho một nhóm người.

Hoặc nếu có tổ chức đấu thầu thì họ đã bố trí sắp xếp sẵn "quân xanh, quân đỏ".

Còn kết quả thì đã được biết trước.

Do đó, đây là vấn đề hết sức nhức nhối hiện nay', ông Cuông nói.

Nói rõ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: "Là công dân ai cũng có quyền góp vốn, mua cổ phần công chức cũng là dân.

Nhưng nếu anh can thiệp theo nghĩa bóp méo cạnh tranh thì không được.

Hay nói cách khác, doanh nghiệp mà anh (cán bộ công chức) góp vốn đang thực hiện đấu thầu mà anh lại can thiệp cho doanh nghiệp đó thắng thầu thì điều đó không ổn.

Điều này rất dễ nảy sinh việc lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích nhóm.

Vấn đề đặt ra là phải xây dựng một nền quản trị công thật tốt, thật lành mạnh, để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình góp vốn kinh doanh...", ông Thanh nêu quan điểm.

QUỐC TOẢN