Việt Nam cần thành lập một cơ quan chuyên trách đủ điều kiện pháp lý giám sát hợp nhất các tổ chức tài chính tín dụng, nhận diện các rủi ro sở hữu chéo, thao túng lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia vừa kiến nghị. Lo ngại rủi ro sở hữu chéo, thao túng trong hệ thống ngân hàng tiếp tục được lãnh đạo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh sáng 23/1, tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động. Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết: "Ngay từ năm 2009, tình trạng thao túng lẫn nhau ở các tổ chức tài chính đã được Ủy ban cảnh báo tới Chính phủ. Trong đó, không chỉ có các cá nhân, tổ chức, các DN mà còn bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và thậm chí cả tổ chức tín dụng thao túng lẫn nhau. Họ chi phối toàn bộ việc huy động vốn và cho vay vốn, bỏ hoàn toàn quy định về an toàn tài chính, lách luật để làm sao có vốn cung cấp cho dự án của công ty sân sau, đặc biệt là bất động sản, chứng khoán". Ông phân tích: "Chính những hoạt động thao túng đó đã dẫn tới đầu tư chéo lẫn nhau, làm cho nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ảo. Hệ quả là việc đánh giá hệ thống các tổ chức tín dụng, tài chính rất méo mó, nợ quá hạn khó xác định".
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đồng ý về nguyên tắc sẽ nâng cao chức năng của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (ảnh: P.H) |
Nguyên thống đốc nói về chuyện bầu Kiên và tái cấu trúc ngân hàng
Nguyên Tổng giám đốc Agribank bị khởi tố, bắt giam vì tội gì?
Trong khi đó, công tác giám sát an toàn tài chính vẫn còn yếu. Theo quy định hiện hành, các Bộ được phân giao chức năng giám sát chuyên ngành về ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Nhưng vì chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế phối hợp giám sát nên hiện nay, không có một cơ quan nào có đầy đủ thông tin báo cáo về bức tranh toàn cảnh thị trường tài chính. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tuy có điều kiện tiếp cận thông tin nhưng lại không có đủ tư cách pháp lý để thực thi nhiệm vụ đúng như tên gọi. Vị Phó chủ tịch cho hay, Ủy ban theo Quyết định thành lập từ năm 2008 chỉ làm chức năng tham mưu, tư vấn cho Chính phủ. "Vì vậy, Việt Nam cần có cơ quan giám sát hợp nhất các tổ chức tài chính, theo dõi, đánh giá đầu đủ các yêu cầu về an toàn tài chính quốc gia. Cơ quan này cần có địa vị pháp lý rõ ràng", ông Dương Quốc Anh kiến nghị. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ, trong giai đoạn này, hạn chế của nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng bộc lộ rõ hơn, đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ. Trong đó, có những vấn đề cần phải đánh giá đầy đủ khách quan như nợ xấu nhưng ngay trong báo cáo tài chính của các ngân hàng, cũng không thể hiện rõ được điều này. "Chính phủ cần có bức tranh tổng thể, thông tin chính xác để đánh giá đúng thực trạng, xu hướng, từ đó, đề ra cơ chế chính sách, giải pháp, điều hành cụ thể. Vai trò của Ủy ban là giúp lãnh đạo Chính phủ ra những quyết định điều hành chuẩn xác", Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng yêu cầu, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần sớm hoàn thiện đề án nâng cao chức năng, nhiệm vụ, xây dựng thành Nghị định để nâng cao tính pháp lý cho Ủy ban, làm rõ cơ chế phối hợp của các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực giám sát tài chính. Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc vấn đề này.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vef