Đề nghị góp vốn, cơ hội lớn của Vietnam Airlines
Trong khi Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines đang gây tranh cãi vì có dấu hiệu “lách luật”, mới đây, dư luận lại tiếp tục bất ngờ trước đề xuất góp vốn vào công ty này của "ông lớn" Vietnam Airlines - VNA.
Báo cáo số 411 của Vietnam Airlines do Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh ký ngày 9/3/2016 cho biết, hãng hàng không này đã khảo sát Vietnam Airlines và lên phương án tham gia góp vốn vào Vietstar Airlines trên cơ sở nhận chuyển giao phần vốn của Quân chủng Phòng không - Không quân tại Vietstar Airlines.
Mà phần vốn góp của Quân chủng Phòng không - Không quân tại Vietstar Airlines chính là quỹ đất quốc phòng lên đến 145,2 ha tại 3 sân bay lớn trên cả nước: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines/ ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải. |
Cụ thể, Vietstar Airlines ra đời trên cơ sở liên doanh giữa ba đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi sao Việt góp 262,7 tỷ đồng - tương ứng 65% vốn, Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt góp 37,5 tỷ đồng, 25% còn lại là cổ phần của Công ty Sửa chữa máy bay A41 (góp bằng đất quốc phòng).
Trong 3 doanh nghiệp trên Công ty A41 là đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, góp vốn với tỷ lệ 25%, tương ứng với 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên A41 không góp vốn bằng tiền mặt mà bằng tài sản vô hình, bao gồm giá trị thương hiệu và thương quyền của A41 gắn liền với việc Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng 145,2 ha đất quốc phòng tại 3 sân bay trọng yếu của đất nước.
Dù “vận dụng” câu chữ tránh nói thẳng nhưng tài sản vô hình mà Công ty A41 góp vốn thực chất là nhượng quyền sử dụng 145,2 ha đất quốc phòng doanh nghiệp đang được giao quản lý.
Ồ ạt xin cấp phép hàng không, phải đặt an ninh quốc phòng lên hàng đầuLỗ triền miên, Vietstar Airlines dựa vào đâu để “cất cánh“? |
Với việc góp vốn bằng đất của Công ty A41, hiện Vietstar Airlines đang thực quản lý sử dụng khoảng 70/145,2 ha đất (các diện tích đất còn lại tại Đà Nẵng và Nội Bài đang chờ đền bù, giải tỏa).
Hàng năm, Vietstar Airlines chỉ phải nộp tiền thuê đất khoảng 4,8 tỷ đồng tại sân bay Tân Sơn Nhất và 1,2 tỷ tại sân bay Đà Nẵng.
Được biết ngoài 145,2 ha đã được giao, quân chủng Phòng không - Không quân còn có quyết định số 2223/QĐ-BTL thu hồi 31,15 ha đất quốc phòng tại sân bay Cần Thơ do sư đoàn 379 quản lý để giao cho Vietstar Airlines.
Như vậy, mục đích của Vietnam Airlines khi đầu tư vào Vietstar Airlines nhằm tiếp quản khai thác quỹ đất hiện có của Vietstar Airlines tại các cảng hàng không.
Đây là phương án nhanh nhất cho Vietnam Airlines cũng như các các hãng hàng không Vietnam Airlines đang có vốn góp có thể chủ động về cơ sở hạ tầng tại các sân bay căn cứ, phục vụ cho kế hoạch phát triển đội bay, mở rộng mạng bay.
Vietnam Airlines muốn tại lập thế độc quyền? - ảnh: H.Lực |
Cũng trong báo cáo số 411, Vietnam Airlines đề xuất được giữ tối thiểu một trong các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc của Vietstar Airlines khi Vietnam Airlines thay thế A41.
Ngoài ra Báo cáo còn kiến nghị cả phương án tiếp nhận đất đai. Theo đó, phương án 1: đất đai vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý, Vietstar Airlines tiếp nhận đất đai trên cơ sở chuyển giao quyền hạn và trách nhiệm.
Phương án 2: Tiếp nhận đất đai giao từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Giao thông vận tải, sau đó Bộ Giao thông vận tải giao trực tiếp cho Vietstar Airlines.
Phương án 3: Sử dụng đất đai dân sự hóa ngay khi bàn giao cho Vietstar Airlines.
Kế hoạch “thâu tóm” vốn tại Vietstar Airlines nếu thành công sẽ đem lại cho Vietnam Airlines lợi thế rất lớn, như nhận định tại báo cáo số 411: “Đây là cơ sở để hoạch định sản xuất kinh doanh dịch vụ trên không cũng như mặt đất, tăng nguồn thu, lợi thế cạnh tranh”.
Vietnam Airlines tái lập thế độc quyền?
Nếu những tính toán thành công thì Vietnam Airlines sẽ trở thành “siêu hãng hàng không” khi cùng lúc góp vốn, điều hành tới 5 hãng bay: Vietnam Airlines, Jetstar, K6 (liên doanh với Cambodia), SkyViet và Vietstar Airlines.
Nếu SkyViet và Vietstar Airlines được cấp giấy phép, khi đó thị trường hàng không nội địa sẽ gồm có 5 hãng bay là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, SkyViet, Vietstar Airlines. Trong đó, Vietnam Airlines nắm quyền bằng việc góp vốn tại 4/5 hãng hàng không.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực. |
Liệu Vietnam Airlines sẽ tái lập thế độc quyền trên thị trường hàng không như trước đây?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công cho rằng: Lo ngại Vietnam Airlines độc quyền ngành, độc quyền thị trường khi tương lại nắm giữ vốn tại 4/5 hãng hàng không là hoàn toàn có cơ sở.
Theo đó, thế độc quyền mới của VNA sẽ khác với trước đây khi thị trường hàng không có một mình VNA. Bằng việc nắm giữ phần vốn góp lớn tại các hãng hàng không khác VNA sẽ nắm quyền chi phối hàng không ở tất cả phân khúc từ giá rẻ, vận tải hàng không.
Nói cách khác, việc hình thành một Vietnam Airlines “siêu hãng” sẽ khiến thị trường hàng không một lần nữa trở thành sân diễn của Vietnam Airlines. Không nói ai cũng biết, vấn đề độc quyền khiến người tiêu dùng chịu lệ thuộc dẫn đến thiệt từ giá vé, chất lượng phục vụ.
Dù lo lắng thế độc quyền nhưng theo PGS.TS Phạm Quý Thọ về luật không thể bắt bẻ Vietnam Airlines bởi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng không không phải đầu tư ngoài ngành. Hơn nữa vấn đề này nhà nước rất khó can thiệp.
Tuy nhiên, với việc nỗ lực đẩy nhanh việc xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho SkyViet và Vietstar Airlines Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải đang vô hình chung tiếp tay củng cố thế độc quyền của Vietnam Airlines.