Tuyển mới giáo viên mầm non theo kiểu "hợp đồng thời vụ"
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn số 14583/UBND-VX ngày 19/12/2016 về việc giải quyết kiến nghị của huyện Yên Định xin bổ sung số lượng người làm việc tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS.
Theo đó, ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho đồng ý chủ trương cho huyện Yên Định thực hiện hiện hợp đồng 56 giáo viên Mầm non ngoài biên chế theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện 28 hợp đồng làm kế toán các trường Mầm non, 06 hợp đồng giáo viên Tiếng Anh để bố trí cho các trường Tiểu học.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thẩm định tiêu chí, vị trí việc làm và kế hoạch thực hiện hợp đồng của UBND huyện Yên Định.
Nhiều lao động bị chấm dứt hợp đồng tại Yên Định đi nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Quốc Toản. |
Liên quan tới việc tuyển dụng nói trên, bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Định (hôm 15/1) cho biết, nếu thực hiện theo quyết định 60, số lao động Mầm non (sẽ được hợp đồng lao động trong thời gian tới) vẫn được hưởng các chế độ theo Luật viên chức, nhưng không có mã ngạch như những viên chức khác.
"Lâu nay chúng tôi đang ngầm hiểu rằng, việc hợp đồng với 56 lao động mầm non theo quyết định 60, có sự trợ cấp về kinh phí để chi trả chế độ.
Nhưng giả sử đến lúc không có kinh phí này nữa thì giáo viên sẽ bị cắt chế độ hay sao mà không cho họ đeo mã ngạch viên chức?", bà Thúy cho biết.
Câu hỏi đặt ra là, trường hợp huyện có sự biến động về trường, lớp, học sinh, thậm chí khi các cơ sở giáo dục không có nhu cầu sử dụng lao động nữa, thì số phận của 56 giáo viên (sẽ được tuyển mới) có nguy cơ chung số phận với 639 giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng lao động trước đó vì huyện này không có nhu cầu sử dụng?
Trả lời câu hỏi trên, bà Lê Thị Thúy tỏ vẻ băn khoăn: "Đây là vấn đề mang tính vĩ mô. Chúng tôi cũng đang lo lắng chuyện này!".
Thi tuyển hay xét tuyển?
Trong bài phỏng vấn trước đó, ông Đầu Thanh Tùng – Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết sẽ đề nghị xem xét, ưu tiên những người đã có thời gian công tác, kinh nghiệm từng công tác tại các cơ sở giáo dục Mầm non để tiếp tục hợp đồng lại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyển dụng (xét tuyển) thông qua các tiêu chí nói trên sẽ khó đánh giá được năng lực thực chất của người lao động, đồng thời có thể nảy sinh tiêu cực nếu không tổ chức thi tuyển.
Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định (ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam). |
Cũng cần lưu ý rằng trước đó, bà Ngô Thị Hoa - Cựu Chủ tịch huyện Yên Định đã ký "bạt mạng" hàng trăm lao động, vi phạm quy định về tuyển dụng viên chức (không thực hiện công khai, ban hành hướng dẫn về đối tượng áp dụng… không thành lập hội đồng tuyển dụng viên chức tại các đơn vị) đã khiến nhiều lao động, nhiều gia đình chịu cảnh lao đao vì mất việc.
Bài học nhãn tiền về tuyển dụng nói trên, không lẽ vẫn chưa có tác dụng cảnh báo đối với lãnh đạo huyện Yên Định?
Cần phải nói thêm rằng, trước đó, hôm 8/12, tại kỳ họp
Vừa chấm dứt hợp đồng lao động 639 giáo viên, huyện Yên Định lại được tuyển mới |
thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021), Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cho rằng, các đơn vị có trách nhiệm nhanh chóng hoàn thiện về hệ thống thể chế trong việc tuyển dụng, giám sát tuyển dụng. Không để việc “một người ốm bắt cả làng uống thuốc”.
Hướng tuyển dụng đảm bảo công khai, minh bạch, chủ yếu là qua thi tuyển, trừ trường hợp đặc biệt (đồng bào dân tộc vùng cao).
Vấn đề đặt ra là, ngay cả khi đã có chỉ đạo cụ thể của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác tuyển dụng nói trên (thi tuyển), thế nhưng lãnh đạo huyện Yên Định vẫn tỏ vẻ băn khoăn, lo lắng.
Về việc này, hôm 13/1, trao đổi với phóng viên, ông Lưu Vũ Lâm cho rằng, nếu tổ chức thi tuyển sẽ nảy sinh nhiều yếu tố rườm rà, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết tồn đọng đối số lao động vừa bị chấm dứt hợp đồng lao động.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để việc tuyển dụng lao động được minh bạch. Tổ chức thi tuyển thì hơi khó vì rườm rà, có cái tốt nhưng có cái không tốt.
Có anh mới ra trường, kiến thức còn mới thì lại (có thể) trúng tuyển, còn anh đã công tác nhiều năm (chỉ giáo viên mầm non vừa bị cắt hợp đồng) lại không trúng thì dở ra.
Tất nhiên, thi cử là minh bạch nhất, nhưng chưa đáp ứng được vấn đề của chúng ta bây giờ là ưu tiên giải quyết số lao động Mầm non tồn đọng vừa bị chấm dứt hợp đồng", ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch huyện Yên Định nói.
Chủ tịch huyện Yên Định cho biết thêm, hiện tại, đơn vị đã thành lập hội đồng xét tuyển, đồng thời thông báo trên loa truyền thanh các xã, các trường để người lao động nộp hồ sơ.
Trên cơ sở đó, hội đồng xem xét tuyển dụng lao động dựa trên các tiêu chí cụ thể (ưu tiên số lượng lao động có năm công tác, lao động thuộc diện chính sách, thương binh, liệt sĩ, bằng cấp...).
Quan điểm của chúng ta là minh bạch trong tuyển dụng, đặt lợi ích chung lên trên hết. Chỉ sợ bên dưới làm tham mưu không chuẩn hoặc bị lợi dụng việc này để làm chuyện không hay", ông Lâm nói.