Thầy cô nhận định đề thi môn Ngữ văn vừa sức nhưng khó đạt điểm 9,10

07/07/2022 11:35
Châu Giang - Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi năm nay hay, hấp dẫn, nằm trong trọng tâm kiến thức lớp 12, đảm bảo tính phân hóa học sinh.

10h35 ngày 7/7 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn.

Đánh giá về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Phạm Hà - giáo viên môn Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết, đề thi bám sát với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề ổn định từ đề thi 2017.

"Theo tôi, đề vừa sức với học sinh, phù hợp với hoàn cảnh các em phải học trực tuyến kết hợp trực tiếp trong 3 năm liền.

Phần đọc hiểu vào văn bản thơ "Con đường của những vì sao" của tác giả Nguyễn Trọng Tạo có nội dung gần gũi với lứa tuổi học sinh.

Phần nghị luận văn học vào đoạn trích trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu - đây cũng là văn bản học sinh đã được học ngay khi trở lại trường học trực tiếp.

Cô Phạm Hà - giáo viên môn Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phạm Hà - giáo viên môn Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cụ thể, ở câu 1, câu 2 của phần đọc hiểu tương ứng với cấp độ nhận biết. Câu 3 yêu cầu thí sinh nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ mang cấp độ thông hiểu. Câu 4 đòi hỏi thí sinh phải có khả năng đọc hiểu và diễn đạt tốt để rút ra suy ngẫm, sau đó trình bày nhận xét của mình.

Đối với phần làm văn, câu 1 yêu cầu từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, thí sinh viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước thế hệ đi trước. Ở câu 1, các em dễ dàng trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình. Tuy nhiên, với cách hỏi này, câu trả lời có thể sáo mòn, khó sáng tạo.

Câu 2 là câu nghị luận văn học vốn là phần nội dung dễ gây đồn đoán, học "tủ" với học sinh. Đề thi dẫn đoạn trích đầu trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa", phát hiện bức tranh nghệ thuật toàn bích của nghệ sĩ Phùng. Đoạn trích này thí sinh khó phân tích và bình được hay, yêu cầu nâng cao có tính phân loại, đòi hỏi các em phải có kỹ năng so sánh, liên hệ và tổng hợp kiến thức", cô Hà nhận định.

Theo cô Phạm Hà, với đề thi này học sinh chăm chỉ, kiến thức chắc, kỹ năng tốt sẽ đạt điểm từ 7 - 8,5. Và để đạt được khoảng điểm 9 -10 thì thí sinh cần nỗ lực rất nhiều trong việc rèn luyện và mở rộng kiến thức.

Còn theo thầy Dương Trung Thành - Trưởng bộ môn Ngữ văn - Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tỉnh Bắc Giang, đề thi năm nay hay, hấp dẫn, nằm trong trọng tâm kiến thức lớp 12, đảm bảo tính phân hóa học sinh.

"Phần đọc hiểu là một đoạn thơ bàn về tuổi trẻ với 4 câu hỏi phù hợp với các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các thí sinh tỏ ra hào hứng khi bàn về vấn đề thiết thân của thế hệ trước nhưng cũng là của chính mình: tuổi trẻ và trách nhiệm với đất nước. Vấn đề của lớp lớp thế hệ cha anh cũng chính là hàng triệu các bạn trẻ suy tư về ý nghĩa, về trách nhiệm của thế hệ mình trong việc tiếp bước truyền thống của cha anh, xây dựng và phát triển đất nước.

Câu nghị luận văn học được rút ra từ truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" với ý hỏi phụ nhằm để các bạn học sinh bàn luận về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Đây thực sự là một thử thách thú vị, đòi hỏi sự kiến giải mang tính cá nhân sâu sắc trước các bạn thí sinh. Ý hỏi phụ đòi hỏi bản thân thí sinh phải hiểu biết cặn kẽ, sâu sắc vấn đề, khái quát từ phong cách nghệ thuật tác giả và ý nghĩa biểu tượng hình ảnh chiếc thuyền trong 2 hoàn cảnh khác nhau. Ý hỏi này là thử thách đối với các em học sinh giỏi Văn.

Nhìn chung đề thi hay, đáp ứng yêu cầu, mục đích của kỳ thi và mang tính phân hóa cao. Nhận định ban đầu thí sinh đa số sẽ ở phổ điểm từ 5 đến 7. Điểm 8 và 9 dành cho học sinh xử lý trọn vẹn, thấu triệt các yêu cầu của đề, đặc biệt với học sinh viết có quan điểm riêng, cách nhìn, cách xử lý thuyết phục", thầy Dương Trung Thành nêu quan điểm.

Cô Lê Hà Vi, phụ trách chuyên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, cấu trúc đề thi ổn định trong những năm gần đây. Đề thi vẫn tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, nhưng so với các năm gần đây, cách đặt câu hỏi có phần rõ ràng hơn.

Cô Lê Hà Vi, phụ trách chuyên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Lê Hà Vi, phụ trách chuyên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phần đọc hiểu sử dụng ngữ liệu là đoạn trích trong bài thơ "Con đường của những vì sao". Đây là một ngữ liệu được sử dụng khá tốt, để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của thí sinh. Câu 1 và câu 2 ở mức độ nhận biết khá dễ dàng để thí sinh lấy điểm. Câu 3 ở mức độ thông hiểu, yêu cầu thí sinh nêu tác dụng của phép tu từ. Đây cũng là một dạng bài cơ bản, các em được học nhiều trong những năm học phổ thông. Câu 4 ở mức độ vận dụng, học sinh được nêu quan điểm, ý kiến riêng của bản thân nhưng để làm tốt câu này các em cần hiểu trọn vẹn nội dung của đoạn thơ, đưa ra được ý nghĩa kết hợp với kỹ năng khái quát vấn đề.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Vấn đề này không mới với học sinh, không khiến các em bị lúng túng, bỡ ngỡ. Nhìn chung yêu cầu khá nhẹ nhàng, học sinh không quá khó để thực hiện đoạn văn này. Đoạn văn nghị luận xã hội giúp các em học sinh suy ngẫm về trách nhiệm của bản thân trong giai đoạn hiện nay, đề thi không mới nhưng thiết thực.

Câu nghị luận văn học năm nay được ra 3 yêu cầu cho thí sinh. Yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong "Chiếc thuyền ngoài xa" quen thuộc như các năm trước ở mức độ cơ bản. Yêu cầu thứ 2 cho thí sinh liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Yêu cầu này ở mức độ cao hơn, linh hoạt hơn so với các năm trước, có “đất” để thí sinh thể hiện kỹ năng phân tích, cảm thụ. Cuối cùng, yêu cầu học sinh rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Có thể thấy, đề bài này có sự phân hóa hiệu quả, rõ rệt hơn so với các năm gần đây.

Châu Giang - Ngọc Ánh