Thầy giáo người Tày vận động hàng tỷ đồng/năm để hỗ trợ học sinh khó khăn

10/11/2024 06:28
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 4 anh em nên thầy Vệ sớm ý thức được việc học và có tình yêu đặc biệt với nghề giáo.

Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã công bố danh sách 60 gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

Các giáo viên tham gia chương trình thuộc các nhóm: đang công tác tại các điểm trường lẻ tại các xã khó khăn thuộc khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (chiến sỹ quân hàm xanh) tham gia công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi ở biên giới, địa bàn đóng quân; giáo viên các trường giáo dưỡng (trại giáo dưỡng) do Bộ Công an quản lý.

Trong đó, thầy giáo Lộc Văn Vệ (người dân tộc Tày), sinh năm 1987, quê ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là 1 trong 60 thầy cô xuất sắc được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm nay. Hiện thầy là giáo viên dạy thể dục, tổng phụ trách đội tại Trường Tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Từng thi trượt đại học, làm thuê đủ nghề để mưu sinh trước khi trở thành giáo viên

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vệ tâm sự, từ nhỏ, thầy đã phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của bố. Mẹ thầy một mình làm lụng vất vả, vừa làm đồng áng vừa làm thuê để trang trải nuôi bốn anh chị em ăn học. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thầy Vệ sớm nhận thức được chỉ có học tập mới có cơ hội thay đổi cuộc sống, đền đáp công lao của mẹ.

z5989285318495_55e9abc315ff046526fd4953e9e6e7f9 (1).jpg
Thầy Lộc Văn Vệ - giáo viên dạy thể dục, tổng phụ trách đội tại Trường Tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: NVCC)

“Mỗi ngày, tôi cùng bạn bè băng rừng lội suối, vượt qua hơn 6km đường núi để đến trường. Tan học, tôi lại tất bật phụ mẹ làm việc đồng áng cùng anh chị em. Những nhọc nhằn của mẹ đã trở thành động lực để tôi chăm chỉ học hành, nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên. Tôi luôn mong muốn được đứng trên bục giảng, mang con chữ đến với các em nhỏ vùng khó khăn.

Tuy nhiên, hành trình đến với nghề giáo chẳng hề dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi đại học lần đầu tiên nhưng không đỗ. Trong khoảng thời gian ấy, tôi đi làm thuê vào ban ngày để kiếm tiền và tự ôn luyện thi đại học vào buổi tối. Có những lúc, tôi cảm thấy rất áp lực bởi nhiều bạn cùng trang lứa đã đi học đại học. Nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, tôi vẫn tin tưởng vào con đường đã chọn, quyết tâm trở thành thầy giáo.

Sau 2 năm vừa làm thuê vừa ôn thi, tôi đã đăng ký thi và đỗ vào hệ cao đẳng ngành Sư phạm Thể dục thể thao của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Những năm tháng sinh viên tại trường là những trải nghiệm quý giá mà tôi có được để đến gần hơn với ước mơ làm giáo viên của mình”, thầy Vệ chia sẻ.

Thầy Vệ cho biết, sau khi tốt nghiệp, thầy trở về quê hương với mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục địa phương. Tuy nhiên, để tìm kiếm một công việc ổn định không phải là điều dễ dàng tại thời điểm ấy. Vì vậy, thầy tiếp tục ở nhà phụ giúp gia đình và đi làm thuê để kiếm sống trong lúc gửi hồ sơ xin việc. Mặc dù trải qua nhiều lần kết quả không như mong đợi, nhưng thầy vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ, với hy vọng được mang tri thức đến với học sinh.

Động lực bám trường, bám lớp là nhìn thấy học sinh tiến bộ hơn mỗi ngày

Sau nhiều nỗ lực, thầy Vệ cũng được nhận vào làm giáo viên tại Trường Tiểu học Đắk Á, , xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và gắn bó đến nay đã hơn 10 năm.

Thầy Vệ chia sẻ, trong quá trình dạy học, thầy cũng như các thầy cô khác đều gặp những khó khăn nhất định khi công tác tại một ngôi trường đặc biệt khó khăn vùng biên giới, nơi hơn 80% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

"Một trong những khó khăn lớn nhất là việc tôi tiếp cận một môi trường mới, đồng nghiệp mới, làm quen từ đầu với học sinh. Khác với học sinh dưới xuôi, ở đây nhiều em là người dân tộc thiểu số nên khá rụt rè, thường xuyên nghỉ học. Do đó, tôi cũng phải đi vận động từng em đến lớp, đặc biệt là những em có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày nghỉ, tôi dành thời gian kèm cặp thêm cho học sinh còn học yếu, giúp các em theo kịp chương trình học. May mắn nhờ sự giúp đỡ tận tình từ đồng nghiệp, sự động viên từ gia đình khiến tôi có thêm động lực đối diện với những thách thức, khắc phục điều kiện khó khăn để bám trường, bám lớp”, thầy Vệ cho biết thêm.

z5989285390053_feaada35aad21c8d489020e8213b7c46 (1).jpg
Thầy Vệ thường xuyên vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đến thăm và tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình giảng dạy, thầy Vệ đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đầu tiên khi được học sinh chúc mừng và tặng những món quà tự tay làm. Đó là những bức tranh, bông hoa đơn giản nhưng chứa đựng tình cảm chân thành của các em học sinh. Với thầy, đó là phần thưởng quý giá nhất, là động lực để nam giáo viên tiếp tục nỗ lực gắn bó với nghề.

Nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh khó khăn của học sinh vùng biên giới, thầy Vệ đã kêu gọicác tổ chức, cá nhân hảo tâm đến thăm và tặng quà cho các em. Từ năm 2015 đến năm 2020 mỗi năm thầy vận động được hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2021 tới nay, mỗi năm thầy vận động được hơn 2 tỷ đồng, riêng năm học 2023-2024 thầy Vệ vận động được gần 4 tỷ đồng dưới hình thức học bổng và hiện vật để hỗ trợ cho học sinh nghèo. Những phần quà, học bổng này không chỉ giúp các em yên tâm học hành mà còn là niềm động viên tinh thần lớn lao, giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

“Giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc vun đắp nhân cách, rèn luyện ý chí và giúp các em có định hướng rõ ràng cho tương lai. Do đó, tôi luôn duy trì mối quan hệ gần gũi, thân thiết với các em học sinh, lắng nghe và chia sẻ với các em về những khó khăn trong cuộc sống.

Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, học sinh. Với tôi, hành trình theo đuổi nghề giáo là một con đường dài và đầy thử thách, đòi hỏi người giáo viên không chỉ có kiến thức mà còn cần có lòng kiên trì, nhẫn nại và sự hy sinh thầm lặng. Tôi mong rằng sẽ truyền động lực cho học sinh, để các em có thể vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn và trở thành những người có ích cho xã hội”, thầy Vệ bày tỏ.

Một số thành tích của thầy Lộc Văn Vệ đã đạt được trong quá trình công tác:

- Năm học 2016-2017: Nhận giấy khen theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

- Năm học 2017-2018: Nhận giấy khen theo Quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

- Năm học 2018-2019: Nhận bằng khen theo Quyết định số 59-QĐ/TĐTN-XDĐ ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Ban chấp hành tỉnh đoàn; giấy khen theo Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân huyện; giấy khen theo Quyết định số 08/QĐ-ĐTN ngày 15 tháng 5 năm 2019 của Ban chấp hành huyện đoàn; giấy khen theo Quyết định số 47/QĐ-ĐTN ngày 14 tháng 10 năm 2020 của Ban chấp hành huyện đoàn.

- Năm học 2019-2020: Nhận giấy khen theo Quyết định số 3426/QĐ-SGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước; Lao động tiên tiến theo Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Gia Mập.

- Năm học 2020-2021: Nhận bằng khen theo Quyết định số 29-QĐ/TĐTN-XDĐ ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Ban chấp hành tỉnh đoàn; giấy khen theo Quyết định số 1576/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Gia Mập.

- Năm học 2021-2022: Nhận giấy khen theo Quyết định số 05/QĐ-ĐTN ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Ban chấp hành huyện đoàn; giấy khen theo Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Gia Mập; Chiến sĩ thi đua cơ sở theo Quyết định số 1222/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Gia Mập; Giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện theo Quyết định số 01-GCN/ĐTN ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Ban chấp hành huyện đoàn.

- Năm học 2022-2023: Nhận bằng khen theo Quyết định số 1363/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước; Đạt giải khuyến khích hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách đội theo Quyết định số 23/QĐ-PGDĐT-Ngày 27/2/2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bù Gia Mập.

- Năm 2023-2024: Nhận bằng khen theo Quyết định số 1029 QĐKT/TWĐTN-VP của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Thu Thuỷ