Thêm bằng chứng
Liên quan tới nghi vấn tiêu cực tại Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, mới đây, Báo điện tử GDVN tiếp tục được độc giả cung cấp thêm bằng chứng, tố cáo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa vi phạm nghiêm trọng pháp luật Bảo hiểm xã hội trong việc giải quyết chế độ cho người lao động.
Trước đó, ông Lê Đức Tánh (trú tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa), Đỗ Ngọc Thiệu (trú tại xã Xuân Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa), Lê Khắc Luyến (trú tại thị trấn Thọ Xuân, Thanh Hóa), phản ánh về việc họ có sự tương đồng về mặt hồ sơ, thủ tục, nhưng khi giải quyết chế độ hưu trí, cơ quan chuyên trách lại xử lý theo những cách khác nhau.
Sự tương đồng trên được minh chứng như sau: Cả 3 trường hợp trên đều có thời gian công tác trong quân ngũ (1972 – 1977); Cùng thời gian học nghề và hợp tác lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức (1977 – 1984); Cùng thời gian công tác tại Điện lực Thanh Hóa (1984 - 2014).
Theo đó, trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí, ông Lê Khắc Luyến (trú tại thị trấn Thọ Xuân, Thanh Hóa) được tính chế độ bảo hiểm đầy đủ trong thời gian học tập và hợp tác lao động bên nước ngoài (từ năm 1977 – 1984, tính cả thời gian học nghề). Ông Đỗ Ngọc Thiệu thì bị cắt 3 năm bảo hiểm (từ năm 1977 – 1980, cắt thời gian học nghề). Riêng trường hợp của ông Lê Đức Tánh (trú tại phường Đông Thọ, TP, Thanh Hóa) thì vẫn chưa được giải quyết chế độ…
Ông Lê Đức Tánh - nguyên chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị cho rằng, BHXH Thanh hóa đang cướp công người lao động. |
Theo đó, để có thể giải quyết chế độ, phía Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa đề nghị đơn vị sử dụng lao động, yêu cầu các đối tượng trên phải bổ sung quyết định cử đi học của Bộ Điện – Than (nay là Bộ Công thương), để chứng minh rằng họ có số năm học tập, hợp tác lao động bên nước ngoài (1977 – 1984) là chính xác.
Tuy nhiên, thông báo trên được đưa ra đúng vào ngày 30/8/2014 (ngày nghỉ lễ) và đã quá thời hạn giải quyết chế độ cho người lao động. Mặt khác, văn bản trên lại do bà Nguyễn Thị Kiệm - nguyên Phó trưởng phòng cấp sổ, thẻ, ký tên (bà Kiệm có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/9/2014).
Phía người lao động thì cho rằng, đề nghị trên là bất hợp lý, bởi tại thời điểm được cử đi học nghề (năm 1977), họ chỉ có quyết định cử đi học tập thể (kèm theo danh sách) đối với các đối tượng làm đơn xin đi học, chứ không có quyết định riêng cho từng cá nhân.
Mặt khác, tại văn bản số 853/BHXH-QLT ngày 24/5/2001, về việc xử lý hồ sơ bị thiếu, mất để cấp sổ Bảo hiểm xã hội đã nêu rõ:
1- Trường hợp người lao động bị mất, bị thiếu hoặc bị hỏng hồ sơ lý lịch thì đơn vị đang trực tiếp sử dụng, quản lý người lao động phải bằng mọi cách bổ sung xác định quá trình làm việc của người lao động (thời gian, công việc, tiền lương, địa điểm làm việc v.v...). Đồng thời có công văn nêu rõ nguyên nhân bị mất, bị thiếu hoặc hồ sơ của người lao động.
2- Cơ sở để bổ sung quá trình làm việc của người lao động là chứng nhận của cơ quan đơn vị cũ (nơi đã làm việc) và có thể dùng các giấy tờ có liên quan như giấy khai sinh, lý lịch Đảng, lý lịch Đoàn, lý lịch quân nhân, sổ công đoàn, sổ lương, bảng thanh toán tiền lương, giấy chứng nhận huân, huy chương v.v... để chứng minh quá trình làm việc. Trường hợp cá biệt do đơn vị đã giải thể mà vẫn thiếu khoảng thời gian nào thì phải có hai người trở lên cùng làm việc tại cơ quan hoặc đơn vị cũ, trong đó có một người là cấp trên của người lao động xác nhận.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, ông Đỗ Ngọc Thiệu, Lê Đức Tánh (những đối tượng được cho là giải quyết chế độ chưa thỏa đáng) đều chứng minh được thời gian học nghề, hợp tác lao động bên nước ngoài (từ năm 1977 – 1984). Mặt khác, số năm học tập, công tác (1977 – 1984) của 3 trường hợp trên đã được phía cơ quan chuyên trách xác nhận trong sổ Bảo hiểm xã hội. Như vậy, không có lý gì Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa lại tự ý cắt giảm số năm công tác của người lao động (giảm từ năm 1977 – 1980).
Về việc này đại diện phía Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa cho rằng, có sự thiếu sót trong việc thụ lý, kiểm tra hồ sơ đối với từng trường hợp nêu trên.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo làm rõ vụ việc
Trước sự việc có liên quan, ngày 31/10/2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra công văn số 4153/BHXH-VP về việc xử lý thông tin báo nêu. Nội dung bài báo phản ánh về việc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội trong việc giải quyết chế độ cho người lao động.
Nội dung công văn nêu rõ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa khẩn trương kiểm tra, rà soát, phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa giải quyết quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả giải quyết về Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước ngày 5/11/2014.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo làm rõ vụ việc |
Trong một diễn biến có liên quan, trao đổi với GDVN hôm 3/11, ông Lê Thanh Sinh, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tại đơn vị đã nhận được văn bản yêu cầu từ phía bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời chúng tôi đang cho kiểm tra, làm rõ".
“Hiện tại, đơn vị đã cho thành lập đoàn kiểm tra công vụ có sự tham gia của các phòng chức năng có liên quan, kiểm tra lại toàn bộ quá trình tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ của cán bộ phụ trách để làm rõ những trách nhiệm của cán bộ thụ lý hồ sơ như phản ánh của báo chí”.
Ông Sinh nhấn mạnh: “Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thiếu sót, sai phạm của cán bộ trực tiếp xử lý, giải quyết hồ sơ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Báo điện tử GDVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.