Thị trường trực thăng châu Á: Cuộc chiến khốc liệt của các đại gia

24/02/2012 08:59
Trịnh Tuân (Theo militaryparitet, idrw)
(GDVN) - Boeing, Sikorsky, Eurocopter và Bell có thể cung cấp cho thị trường châu Á hơn 1.000 trực thăng quân sự trị giá hơn 10 tỉ đôla đến năm 2015.

Bốn nhà sản xuất máy bay trực thăng hàng đầu thế giới là Boeing, Sikorsky, Eurocopter và Bell, có thể cung cấp cho thị trường châu Á hơn 1.000 trực thăng quân sự đến năm 2015.

Giá trị bán hàng có thể đạt 10 tỷ đôla trong vòng 3 năm tới, Norbert Ducrot, phó Giám đốc phụ trách về mua bán và quan hệ khách hàng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của công ty Eurocopter cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

"Châu Á có các điều kiện để trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới," ông Christophe Nurit, phó giám đốc Sikorsky, một bộ phận của hãng sản xuất trực thăng quân sự Technologies Corp. Trong  gói thầu của hải quân Hàn Quốc và Ấn Độ, công ty đã cho ra mắt mẫu trực thăng chống tàu ngầm Seahawk, một biến thể của Black Hawk.

Chi tiêu quân sự của khu vực châu Á đã tăng 14% so với năm ngoái. Theo Craig Caffrey, một nhà phân tích quốc phòng của Jane’s DS Forecast ở London, thị trường máy bay trực thăng ngày càng được mở rộng khi các cường quốc mới nổi đang tìm kiếm các phương tiện chiến đấu để tăng cường sức mạnh quân sự của họ và nhu cầu thay thế các trực thăng lỗi thời của phương Tây, Liên Xô và các trực thăng “cây nhà lá vườn”.

"Nhu cầu của thị trường Trung Quốc và Ấn Độ đang được thúc đẩy bởi cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước với yêu cầu phải mua sắm một số lượng lớn các máy bay trực thăng vận tải chiến thuật” - Caffrey nói.

Ông cho biết thêm rằng, châu Á là một trong những thị trường máy bay "năng động và đa dạng nhất" thế giới hiện nay.

Thị trường Mỹ đang suy giảm

Doanh số bán hàng tại Mỹ sẽ giảm xuống từ 50% đến 38% bất chấp việc Mỹ sẽ vẫn là thị trường máy bay trực thăng quân sự lớn nhất trong thập kỷ tới.

Theo Visiongain (có trụ sở tại London), sự sụt giảm nhu cầu có thể là do việc Mỹ đã hoàn thành các chiến dịch quân sự tại Iraq vào năm ngoái và có kế hoạch rút hết quân khỏi Afghanistan vào năm 2014.

Đồng thời, theo một dự báo của các chuyên gia vào đầu tháng 2, Hàn Quốc sẽ hất cẳng Anh để chiếm lấy vị trí thị trường trực thăng lớn thứ 2 thế giới. Ấn Độ ở vị trí thứ 3 và Trung Quốc từ vị trí thứ 13 lên vị trí thứ 7.

Cạnh tranh khốc liệt

Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn vào tuần trước ở Singapore. Các nhà sản xuất lớn đã tung ra hàng loạt sản phẩm tại triển lãm hàng không lớn nhất khu vực Châu Á Singapore Air Show 2012.

Ấn Độ đã công gói thầu cung cấp 197 máy bay trực thăng tấn công trị giá khoảng 1,5 tỷ đôla với sự tham gia của Eurocopter và Russian Helicopters.

Eurocopter, có trụ sở ở Marignane, Pháp, sẽ cung cấp các trực thăng AS550 C3 Fennec trong cuộc cạnh tranh để thay thế mẫu Aloutte đã lỗi thời, được phát triển bởi người tiền nhiệm Sud Aviation, công ty bán máy bay trực thăng đầu tiên ở châu Á vào năm 1962.

Russian Helicopters sẽ cung cấp các trực thăng Kamov Ka-226 (tên hiệu NATO là Hoodlum). Người chiến thắng sẽ được công bố trong tháng 3 hoặc tháng 4, Ducrot cho biết.

Ấn Độ  cũng đã tổ chức đấu thầu mua 55 máy bay trực thăng chống ngầm cho Hải quân trị giá 2,2 tỷ đôla. Eurocopter đã tung ra NH90 để cạnh tranh với Seahawk của Sikorsky và Bell 429 của Textron trong gói thầu này.

Boeing cho biết rằng công ty này đã giành được gói thầu cung cấp 22 trực thăng tấn công AH-64 Apache cho Ấn Độ, đánh bại đối thủ Nga Mi-28N (tên hiệu NATO là Havoc).

Ấn Độ cũng đã công bố gói thầu mua 15 máy bay trực thăng vận tải hạng nặng, với sự tham gia của Boeing Ch-47 Chinook và Mi-26 (tên hiệu NATO là Halo).

Boeing dự kiến sẽ cung cấp các mẫu trực thăng Chinook đang được sử dụng tại Afghanistan, phát ngôn viên quốc phòng Hal Klopper cho biết. Điều đó có thể tăng cường khả năng tác chiến của các lực lượng ở Himalayas, nơi diễn ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Ducrot cho biết, Eurocopter, một bộ phận của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc phòng Châu Âu (EADS - European Aeronautic Defense and Space), có doanh thu tăng 13% (5,4 tỉ euro) vào năm ngoái, đã đưa ra các đề nghị cung cấp các máy bay trực thăng tuần tra bờ biển cho Ấn Độ vào năm nay.

Không chỉ sôi động với các hoạt động mua sắm máy bay trực thăng, thị trường châu Á còn nóng lên từng ngày với các bản hợp đồng máy bay chiến đấu.

Đầu tháng 1 năm nay, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Rafale của công ty Pháp Dassault đã chiến thắng trong gói thầu lớn chưa từng có của Ấn Độ, cung cấp 126 máy bay chiến đấu mới cho Không quân nước này.

Lockheed Martin, công ty quốc phòng lớn nhất thế giới, cũng đã giành được một thỏa thuận cung cấp 42 siêu tiêm kích kết hợp F-35 cho Nhật Bản vào ngày 20 tháng 12 năm ngoái và hiện đang cạnh tranh với Boeing, Eurofighter và Saab trong gói thầu cung cấp 60 máy bay chiến đấu trị giá 7 tỉ đôla cho Hàn Quốc.

Trong gói thầu cung cấp 36 trực thăng chiến đấu cho Hàn Quốc trị giá 1,5 tỉ đôla, trực thăng Apache đang phải cạnh tranh với các đối thủ đáng gờm là Eurocopte EC665 Tiger và AH-1Z Viper.

Máy bay trực thăng tấn công mới nhất của Mỹ hiện nay AH-1Z Viper hay còn gọi là Zulu hoặc King Cobra (hổ mang chúa) do Hãng Bell Helicopter nghiên cứu, chế tạo để yểm trợ cho các đơn vị thuỷ quân lục chiến sẽ bắt đầu thử nghiệm tác chiến vào cuối năm 2011.

Jeffrey Lowinger, Phó giám đốc của Bell cho biết, Singapore đã bày tỏ sự quan tâm đến các trực thăng Bell- Boeing V-22 Osprey và các thỏa thuận có thể đạt được vào tháng 5 tới.

Christophe Nurit cho biết rằng, tại Air Show Singapore năm nay, công ty đang  "tích cực theo đuổi" hợp đồng cung cấp các trực thăng chống tàu ngầm của Hàn Quốc với Seahawk.

Trong các hồ sơ dự thầu khác, Tiger của Eurocopter đang cạnh tranh cho một hợp đồng tại Malaysia, và công ty đang xúc tiến việc đưa NH90 và EC725 Super Cougar đến Singapore để thay thế 30 trực  thăng Super Puma được chuyển giao trong năm 1985. EC725 cũng đang cạnh tranh cho một gói thầu cung cấp 6 máy bay trực thăng cho Indonesia, Ducrot cho biết.

Hàn Quốc đã đặt hàng 250 chiếc KAI Surion vào năm ngoái và có thể đủ điều kiện để xuất khẩu sang châu Âu từ tháng 7 trở đi.

KAI Surion là trực thăng vũ trang kết hợp chở quân được hợp tác thiết kế,  sản xuất giữa Tập đoàn Korea Aerospace Industries (KAI), Cơ Quan Phát Triển Quốc Phòng (ADD), Viện Nghiên Cứu Không Gian Vũ Trụ Hàn Quốc (KARI), có sự trợ giúp kỹ thuật của Tập đoàn Eurocopter Châu Âu.

Dự kiến, công việc sản xuất loạt đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2012, nhằm thay thế cho phi đội trực thăng vũ trang có khả năng chở quân UH-1H và trực thăng MD-500MD.

Trịnh Tuân (Theo militaryparitet, idrw)