South China Morning Post ngày 18/9 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố biểu thuế suất 10% đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9 tới.
Thuế suất 10% sẽ được nâng lên 25% vào ngày 1/1/2019, nếu Trung Quốc trả đũa thì ông chủ Nhà Trắng sẽ lập tức đánh thuế tiếp 267 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Di chuyển mới nhất của Tổng thống Donald Trump cho thấy quyết tâm của ông để buộc Bắc Kinh phải để các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc được hưởng chính sách công bằng như doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: SCMP. |
Trung Quốc lâu nay vẫn hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, viễn thông, sản xuất tự động hóa theo những gì đã thỏa thuận khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế năm 2001.
Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn tại quốc gia này thì phải liên doanh và chuyển giao các công nghệ độc quyền cho các đối tác Trung Quốc mới có thể tiếp cận thị trường. [1]
Cũng theo South China Morning Post trong một bản tin khác, có khả năng Trung Quốc sẽ hủy bỏ chuyến công du Hoa Kỳ của Phó thủ tướng Lưu Hạc sau quyết định đánh thuế mới của ông Donald Trump.
Theo Bloomberg, sáng nay ông Lưu Hạc đã triệu tập một cuộc họp tại Bắc Kinh để thảo luận các phản ứng của chính phủ Trung Quốc với quyết định của Tổng thống Mỹ. [2]
Theo VnEconomy, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang là một trong những mối lo chính của giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc hiện nay.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa thiết lập thêm một dấu mốc đáng ngại mới, khi chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. [3]
Chúng tôi cho rằng, chính vì áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Trung Quốc ngày càng tăng, nên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ động tăng cường hợp tác toàn diện với Nga để chống đỡ.
Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc hiệu chỉnh chính sách và hành vi của mình, bao gồm chiến lược Vành đai và Con đường, nhất là với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.
Sau phản ứng từ Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, có lẽ Bắc Kinh cũng phải tính toán lại, để tránh hiệu ứng domino vì các quốc gia mục tiêu của Vành đai và Con đường ngày càng ý thức rõ hơn về nguy cơ ngoại giao bẫy nợ từ việc tham gia "sáng kiến" này là có thật.
Trên Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ vẫn tiếp tục củng cố lực lượng và hiện diện quân sự, thúc đẩy chiến lược "gác tranh chấp, cùng khai thác" để hiện thực hóa đường lưỡi bò bằng con đường kinh tế - thương mại.
Nhưng sức ép của Trung Quốc lên các nước láng giềng trong giai đoạn này có thể ít công khai và lộ liễu như trước.
Nguồn:
[1]https://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2164608/trumps-top-economic-adviser-calls-china-global
[2]https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/2164642/beijing-likely-cancel-trade-war-talks-after-donald-trump-ups
[3]http://vneconomy.vn/tin-xau-thuong-mai-day-chung-khoan-trung-quoc-cham-day-4-nam-20180917160248021.htm