Thông điệp ngầm của ông Tập Cận Bình tới các nước nhỏ trong khu vực

15/10/2016 12:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc có thể sử dụng các dự án tại Campuchia để làm ví dụ cho các nước khác.

South China Morning Post ngày 14/10 bình luận về thông điệp ngầm của ông Tập Cận Bình tới các nước nhỏ trong khu vực, thể hiện qua chuyến thăm Campuchia.

Trong những năm 1970 Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã chào đón ông hoàng Norodom Sihanouk như quốc khách trong bối cảnh khi đó phải sống lưu vong.

Động thái này của Trung Nam Hải nhằm mục đích "tập hợp các nước nhỏ chống chủ nghĩa đế quốc".

Thế giới quan của Trung Quốc đã thay đổi nhiều từ đó, nhưng chiến lược của Bắc Kinh sử dụng Campuchia để thể hiện bức tranh lớn hơn của mình thì vẫn không thay đổi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân xuống Phnom Penh hôm thứ Năm, ông đã có một thông điệp rõ ràng không chỉ dành cho nước nghèo Campuchia, mà còn các nước châu Á khác:

Láng giềng với Trung Quốc có thể tìm kiếm sự thịnh vượng từ vai trò, sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Trung Quốc đang đặt kỳ vọng vào sự hỗ trợ tuyệt đối với Campuchia để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN. Bắc Kinh hy vọng điều này có thể làm đối trọng với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Đồng thời chuyến thăm này cũng cho các nước khác thấy khả năng của Bắc Kinh giúp họ tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng bằng những gói tài chính khổng lồ.

Victor Gao, một doanh nhân làm ăn tại Trung Quốc trong những năm 1980 phát biểu trong một diễn đàn ở Bắc Kinh tuần này:

Trung Quốc có thể sử dụng các dự án tại Campuchia để làm ví dụ cho các nước khác. 

Nếu Campuchia có thể hưởng lợi từ sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, chiến lược đầu tư của ông Tập Cận Bình qua chương trình này cũng có thể giúp nhiều nước nghèo khác.

Mặc dù có quan hệ gần gũi, Trung Quốc và Campuchia cũng có một giai đoạn ân oán phức tạp trong quá khứ, do Mao Trạch Đông ủng hộ mạnh mẽ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ những năm 1970.

Nhưng những cái bắt tay của ông Tập Cận Bình với con trai cố Quốc vương Sihanouk, Quốc vương Norodom Sihamoni tuần này là một dấu hiệu của sự tin cậy.

Điều này tương phản sắc nét với mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ với Philippines, khi ông Rodrigo Duterte lăng mạ ông Barack Obama không tiếc lời.

Trong khi tạo lực hút về kinh tế, thì về chính trị và quân sự, hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông đang gây lo lắng, phản ứng mạnh mẽ từ Washington và các đồng minh, đối tác.

Và do đó Trung Quốc đang cần bạn bè, Bắc Kinh sẵn sàng trả tiền cho Phnom Penh để có được tình bạn.

Zhu Yin, một chuyên gia từ Học viện Quan hệ Quốc tế nhận xét: Trong hai thập kỷ tới, ASEAN sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, giống như Trung Quốc những năm 1990.

Đó là một cơ hội đầu tư lớn mà Trung Quốc sẽ không bỏ lỡ. Tuy nhiên, trong lúc Trung Nam Hải đã "chiếm trọn trái tim" Hoàng gia Campuchia, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng phải làm nhiều hơn.

Họ cần phải đảm bảo lợi ích từ các khoản đầu tư của Trung Quốc chia sẻ nhiều hơn cho công chúng sở tại, đồng thời không gây ra sự tàn phá hay hủy diệt môi trường.

Giáo sư Zha Daojong từ Đại học Bắc Kinh cho rằng, để đưa các nước nhỏ vào quỹ đạo Trung Quốc là một quá trình lâu dài. Các nước này không có nghĩa vụ phải đánh giá cao Một vành đai, một con đường.

Tài liệu tham khảo:

http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2027840/why-big-china-wooing-small-cambodia

Hồng Thủy