Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết trong 32 sự cố này, có 23 vụ xảy ra đối với máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), 3 liên quan đến Jetstar Pacific, 2 với Air Mekong và 1 sự cố dính đến hãng hàng không nước ngoài.
Gia tăng sự cố hàng không
Trong các sự cố nói trên, có 8 vụ uy hiếp an toàn bay (7 xảy ra với phương tiện của VNA, 1 liên quan đến Hãng Hàng không Hoàng gia Brunei). Hai trong số các sự cố này đang được Cục HKVN điều tra, vụ liên quan đến Hãng Hàng không Hoàng gia Brunei được ủy nhiệm cho cục hàng không nước này tiến hành.
Một trong 2 sự cố đang được Cục HKVN điều tra là vụ máy bay A321 của VNA từ Quảng Châu - Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất xông ra khỏi đường băng ngày 9-5. Vị trí máy bay dừng cách thềm đường cất hạ cánh khoảng 80-100 m, cách tim đường khoảng 15 m và nổ cả 4 lốp, cán vỡ đèn tiếp cận trên thềm đường băng.
Tiếp đó, ngày 27-5, một máy bay A321 khác của VNA cất cánh từ Cam Ranh đi Hà Nội đã bị cháy động cơ. Trong khi chạy đà cất cánh, tổ bay nghe tiếng nổ ở động cơ số 2 và thấy xuất hiện cảnh báo trên màn hình nên quyết định hủy bỏ cất cánh. Khi máy bay dừng lại, tổ bay tắt động cơ số 2, xả bình cứu hỏa để dập lửa. Trong khi chờ xe kéo khoảng 20 phút, thấy các thông số động cơ số 1 và thông số khác bình thường, tổ bay quyết định rời đường băng, lăn vào bãi đậu. Tuy nhiên, kiểm tra dưới mặt đất lại phát hiện các mảnh kim loại nhỏ tại khu vực ống xả, máy nén cao áp và tuabin cao áp bị hỏng nên tổ bay phải hủy cất cánh, chờ khắc phục và điều tra nguyên nhân.
Đáng lưu ý là trong tháng 5 đã lặp lại các sự cố nổ lốp vốn xảy ra nhiều trong tháng 4. Ngoài chuyến bay Quảng Châu - TPHCM nêu trên, chuyến bay của VNA, ngày 25-5, TPHCM - Cao Hùng (Đài Loan) bằng máy bay A321 cũng gặp sự cố tương tự. Khi máy bay đang thực hiện cất cánh, tổ bay nghe tiếng nổ lớn. Trong quá trình lấy độ cao, thực hiện thu cánh tà sau thì trên màn hình xuất hiện cảnh báo áp suất lốp thấp. Tổ bay xin phép hạ cánh khẩn nguy nhưng sau khi hạ cánh đã xác định lốp số 3 bị nổ gây hỏng hóc tới cánh và cánh tà.
Vẫn trong tầm kiểm soát
Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục HKVN, cho biết tuy sự cố hàng không trong tháng 5 gia tăng về số lượng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Công tác kiểm soát bảo đảm kỹ thuật khai thác vẫn được bảo đảm, không xảy ra các sự cố mang tính hệ thống. Việc xử lý trong khi xảy ra sự cố của cả bộ phận tổ lái và mặt đất, bộ phận khẩn nguy tốt và đúng quy trình nên đã không có thiệt hại lớn. Tỉ lệ sự cố trên một máy bay vẫn ở mức trung bình so với các nước.
Theo quy định, tất cả các sự cố hàng không đều được thống kê, báo cáo, trên cơ sở đó xác định cấp xử lý. Sự cố thông thường được bình giảng, rút kinh nghiệm và khắc phục tại nhà khai thác; sự cố mang tính uy hiếp an toàn phải được điều tra làm rõ. Đối với 2 sự cố của VNA do Cục HKVN điều tra, đến nay đã có kết quả giải mã hộp đen của chuyến bay xông ra ngoài đường băng hôm 9-5. Các dữ liệu này đang chờ đưa vào mô hình buồng lái giả định để phục hồi lại chi tiết, xác định rõ nguyên nhân gây mất kiểm soát tốc độ máy bay do tổ lái hay có tác động từ yếu tố bên ngoài như thời tiết, trơn trượt…
Đối với sự cố máy bay A321 tại sân bay Cam Ranh ngày 27-5, việc cháy động cơ xảy ra ngay sau khi được bảo dưỡng ở Nhật Bản vừa đưa về khai thác. Cục HKVN chuẩn bị gửi động cơ cháy sang Pháp và nhà chế tạo Airbus cũng đã cùng tham gia quá trình phối hợp điều tra.
Ngoài ra, Cục HKVN đang cân nhắc đưa vào danh mục điều tra đối với sự cố tăng áp suất khiến chuyến bay VN1195 từ TPHCM ra Hà Nội phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng hôm 24-5, hành khách phải thở bằng bình ôxy. Theo tường trình của tổ bay, khi đang thực hiện bay bằng, trên màn hình xuất hiện cảnh báo rò rỉ khí ở cánh phải nên máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp, gây ra tình trạng thay đổi áp suất. Nếu xác định rõ cả tổ bay cũng phải dùng bình ôxy, sự cố này sẽ phải đưa vào danh mục điều tra của nhà chức trách.
Tăng cường huấn luyện kỹ năng của phi công Riêng hiện tượng nổ lốp tái diễn, Cục HKVN đánh giá có thể do chất lượng lốp vì xác định không phải do vật ngoại lai. Vì vậy, cục đã yêu cầu VNA ngừng sử dụng lốp đắp mua từ Hồng Kông. Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng đã khuyến cáo hãng hàng không tăng cường huấn luyện kỹ năng của phi công sau khi xảy ra một số vụ việc như máy bay A330 bị hỏng càng do cần kéo đâm vào ngày 4-5, hoặc máy bay Boeing 777 quệt đuôi xuống đường băng hôm 9-5 do tổ lái thao tác sai kỹ thuật. |
Tô Hà/Người lao động