Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó ban tổ chức Trung ương có những phân tích thấu đáo về công tác quản lý cán bộ.
Ông Nguyễn Đình Hương |
Cán bộ “đi đêm”
Là một người làm công tác tổ chức lâu năm, ông đánh giá thế nào về việc một Thứ trưởng đi vay tiền của một công ty trong phạm vi ngành mình quản lý?
Trước hết, một cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khi có dư luận nhiều như vậy, tôi cho rằng phải xem xét lại, chứ không thể bỏ qua được. Bây giờ không phải ai cũng bị đồn thổi, và trong trường hợp này chuyện mượn tiền là có thật.
Tại sao một ông Thứ trưởng ở một Bộ lớn (Bộ Y tế - PV) lại mang tiếng như thế? Không thể coi như ông Quang là đúng hoàn toàn được.
Việc cho vay mượn tiền bạc nếu là bạn bè thân thiết cho nhau mượn tiền khi gặp khó khăn, hoặc bị ốm đau, gia đình hoạn nạn, thậm chí để xây nhà cửa, mua đất thì không vấn đề gì.
Mặc khác, cũng cần phải xác định tiền cho vay là tiền của cá nhân hay tiền của công. Nếu là tiền của công cho vay thì là một sai lầm. Chúng ta cũng cần xem xét động cơ của người cho vay là gì. Trò đời có đi có lại. Anh vay cấp dưới của anh, vậy động cơ người cho vay cũng phải xem lại.
Thứ ba, ông bảo ông vay ông trả cả vốn lẫn lãi rồi, nhưng tiền ông trả lại của một đơn vị khác cho vay qua bà vợ để trả đơn vị cũ, như thế cũng là cái “lắt léo” cần phải xem xét.
Hiện nay, trong cán bộ nhà mình, có cái kiểu “đi đêm”. Trường hợp ông Quang vay tiền là có thật. Vì vậy, cũng không thể nói là ông Quang không có gì sai được.
Việc vay tiền cấp dưới và khi báo chí nêu lại lấy tiền của một cơ quan khác để trả nợ, theo tôi riêng 2 điểm cũng đã không đủ tư cách làm Thứ trưởng. Hồi tôi làm là tôi cho nghỉ việc luôn.
Tôi kể cho cô (PV) nghe chuyện ông nguyên Bộ trưởng một Bộ, cũng là bạn thân của tôi. Khi tôi đề bạt ông ấy làm Bộ trưởng thì Bộ Chính trị đồng ý luôn. Nhưng năm sau, cũng lại chính tôi phải đề nghị cách chức ông ấy.
Ông Đào Duy Tùng (Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) có hỏi tôi là tại sao khi chính ông đề bạt lên, giờ ông lại yêu cầu cách chức người ta. Tôi trả lời: “Con người ta biến đổi nhanh lắm. Sau một đêm người ta đã khác, người ta có chức sẽ khác với khi không có gì”.
Ở nhiều nước trên thế giới, có quy định lãnh đạo cấp trên không được quan hệ với các công ty trong lĩnh vực mình quản lý. Ở Việt Nam, có quy định này không, thưa ông?
Quy định thì không có, nhưng chúng ta có gọi là chống tham ô, tham nhũng, không được lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân. Còn trong đơn vị thì vi phạm nhiều kiểu lắm.
Cô (PV) thấy không, khi báo chí đăng tin thì ông ấy sẵn sàng cải chính ngay là trả rồi, trả cả vốn lẫn lãi đầy đủ, nhưng lại vay một nơi khác để trả.
Tôi cho rằng, 2 tỷ đồng này là hình thức thôi, đằng sau đó là 1 cái “bóng đen” khác.
Và “bóng đen”…
“Bóng đen” khác? Ông có thể nói cụ thể hơn được không?
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp, chính những anh cấp dưới thích bỏ tiền của công ra làm nhà cho cấp trên. Tức là “chạy” nhiều kiểu.
Còn cấp trên nhận tiền vay là một dạng tham ô, lợi dụng chức quyền để làm việc không trong sáng. Anh cho vay, tôi phải tạo điều kiện cho anh, như cho anh dự án hay công việc nào đó thuận lợi hơn.
Tôi nói thật, anh em ruột thịt, cùng cha cùng mẹ cũng không tốt được với nhau như vậy. Nhiều trường hợp còn tranh giành, phân chia, đánh nhau chí tử, chứ làm gì có chuyện cho nhau vay 2 tỷ đồng.
Ông Quang là Thứ trưởng của một Bộ lớn nhưng vẫn phải đi vay tiền, phải chăng lương của quan chức chúng ta đang quá thấp?
Lương có đủ sống đâu. Bây giờ có ai sống được bằng đồng lương. Tất nhiên, lương cũng tùy cơ quan, lĩnh vực có sự chênh lệch khác nhau. Ví dụ như làm ngân hàng thì giàu hơn một số ngành nghề khác...
Như tôi bây giờ, ăn lương Trưởng ban ngang với cấp Bộ trưởng, nhưng lương về hưu (hưởng 75% lương) cũng chỉ được 6 triệu đồng. Vợ tôi được 3 triệu đồng nữa, tức là 2 vợ chồng được khoảng 9 triệu đồng.
Nhưng chi tiêu thì nhiều thứ tiền lắm, nào là tiền hiếu hỉ, tiền mừng thọ, tiền cúng chạp, rồi các khoản khác. Chi tiêu bây giờ khó lắm, tiết kiệm lắm mới đủ.
Lương của mình vẫn còn nhiều bất hợp lý lắm. Tôi có một anh bạn cấp Đại tá, đã về hưu rồi lương còn cao hơn cả lương tôi. Ngay cả lương Bộ trưởng đương chức hiện tại cũng chỉ hơn 8 triệu. Còn lương Thứ trưởng khoảng 6 triệu.
Không tính đâu xa, với mức lương này, như vợ chồng tôi chẳng hạn, 9 triệu đồng/tháng, 1 năm được khoảng 100 triệu đồng. 10 năm mới tích được khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, muốn một căn hộ chung cư giá khoảng 4 tỷ, thì phải đợi đến 40 năm nữa. Đấy là chưa kể còn phải chi trả tiền, ăn uống sinh hoạt khác nữa.
Và vì thế, không ít quan chức muốn lợi dụng chức vụ của mình để vay mượn tiền mua đất, mua nhà, rồi bán đi lấy lãi, nhiều hình thức lắm, đại thể xoay sở đủ thứ thì mới giàu được.
Tôi rất buồn, khi đọc Nghị quyết của Đảng, thấy một số lượng không nhỏ số Đảng viên xuống cấp. Sự việc ông Quang, tôi cho rằng đó cũng là một biểu hiện của một dạng tham nhũng.
Vậy đối với trường hợp của Thứ trưởng Quang, theo ông nên xử lý như thế nào?
Phải công khai và minh bạch, đưa hết vấn đề ra, ông Quang phải giải trình chi tiết. Sai ở đâu, xử lý ở đó.
Có nên từ chức?
Thứ trưởng sai phạm, có nên từ chức không?
Việc từ chức, trước đây tôi đã từng làm một vài vụ rồi. Nhưng thời đó, thường phải “hất mũ” đi rồi mới kiểm điểm được, tức là phải xuống chức rồi thì mới nói gì thì nói được.
Nhưng hiện giờ, nếu cấp trên đã chỉ đạo làm từng việc rồi thì không cần, sau khi có kết luận sẽ có hình thức kỷ luật thích hợp.
Khi ông còn đương chức là Phó ban Tổ chức Trung ương, đã có trường hợp nào cấp trên vay tiền cấp dưới chưa?
Chưa. Hồi tôi làm là thời bao cấp mà, tiền không nhiều như bây giờ. Các lãnh đạo thời đó như cụ Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh nghiêm khắc lắm. Biếu cân gạo, cân giò thì được, đụng đến tiền là "chết" với các cụ!
Tôi ở "liền lưng" với ông Lê Đức Thọ nên được biết chuyện này: Một anh thư ký của ông Lê Đức Thọ đi Viễn Dương về được tặng 4 cái bát Nhật, đem về biếu ông ấy. Thế là anh ta bị kỷ luật thôi việc.
Đến thời hòa bình thì mới có nhiều chuyện như thế này. Trường hợp như ông Quang là không ít. Có người bị kiểm điểm, nhưng cũng có người cho qua, đại loại họ cũng nể nang nhau.
Muốn nghiêm như các cụ trước kia thì ông có trách nhiệm phải là “Bao Công”, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm.
Không chỉ vay tiền cấp dưới, một số thông tin còn cho rằng ông Quang đã mạo danh bằng tiến sỹ Dược, trách nhiệm này thuộc về ai?
Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế vì khi đề xuất ban Thứ trưởng, Bộ Y tế đã chưa thẩm định rõ bằng cấp, tuổi tác, nhân thân, nơi sinh trưởng của người ta có khai đúng không.
Nguyễn Như Mai