Thủ tướng Campuchia Hun Sen. |
The Phnom Penh Post ngày 15/1 đưa tin, hôm qua 14/1 đánh dấu kỉ niệm 30 năm ngày Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên nắm quyền, ông đã sử dụng lễ khánh thành một cây cầu mới bắc qua sông Mê Kông để một lần nữa khẳng định thành tựu của mình, đồng thời lần thứ 2 công khai thừa nhận rằng trong quá trình quản trị đất nước Campuchia của ông, không thể không có lỗi.
Thủ tướng Hun Sen đã xuất hiện trong lễ cắt băng khánh thành cây cầu Neak Loeung dài 2200 mét trị giá 118 triệu USD do Nhật Bản tài trợ nối liền 2 tỉnh Kandal và Prey Veng. Theo The Cambodia Daily, nói trước công chúng có mặt trong buổi lễ, ông Hun Sen cho biết mình đã được nhắc nhớ về ý nghĩa ngày này từ một phóng viên Kyodo News.
"Tôi đọc được tin nhắn SMS khi tỉnh dậy, có một câu hỏi rằng có phải Samdech đã chọn ngày 14/1 để cắt băng khánh thành cây cầu vì nó là ngày kỷ niệm 30 năm ông làm Thủ tướng hay không. Tôi trả lời: Không, tôi đã chọn ngày này dựa trên truyền thống của người Khmer. Thứ Tư là ngày mọi người đi về làng, vì vậy Thứ Tư là một ngày tốt lành."
Tuy nhiên Hun Sen cho biết ông cảm thấy khó chịu khi một tờ báo địa phương đã nói về ông trong ngày kỷ niệm 30 năm nhậm chức Thủ tướng với những lời lẽ rất xấu: "Có tờ báo viết về tôi chỉ xuất hiện tất cả những gì tiêu cực, nhưng cũng có những bài phỏng vấn vừa có người nói xấu, vừa có người nói tốt. Và tôi cảm ơn tất cả những người ủng hộ cũng như chỉ trích".
"Cái tốt và cái xấu luôn luôn xảy ra, nhưng chúng ta phải nhìn lại lúc Hun Sen trở thành Thủ tướng năm 1985 thì nội chiến vẫn xảy ra trên đất nước này. Nếu không có Hun Sen, sẽ không có Hiệp định Hòa bình Paris (1991), và sau đó không có kết thúc cuộc nội chiến giữa quân chính phủ và Khmer Đỏ", The Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Campuchia cho biết.
Thủ tướng Hun Sen tham dự lễ cắt băng khánh thành cầu Neak Loeung ngày hôm qua. |
"Cơ quan chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại Campuchia (UNTAC) đã được chi 2 tỉ USD, nhưng họ đã không thể chấm dứt được cuộc nội chiến. Yasushi Akashi, người đứng đầu UNTAC đã thất bại trong việc lấy được Pailin (thành trì Khmer Đỏ, một tỉnh phía Tây Campuchia). Nhưng tôi đã lấy được Pailin và cùng với người Khmer chung tai tái thiết đất nước. Nếu Hun Sen không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp?" Thủ tướng Campuchia nói.
The Cambodia Daily cho biết, Hiệp định Hòa bình Paris 1991 đã mang lại nền chính trị đa đảng cho Campuchia và mở đường cho các cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc bảo trợ 2 năm sau đó. Nhưng lực lượng Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979 vẫn tiếp tục chống phá chính phủ từ địa bàn của chúng ở bía Bắc, Tây Bắc Campuchia.
"Tất cả đất đai thuộc về nhà nước trong năm 1985. Tôi đã tiến hành cải cách ruộng đất và bàn giao quyền sử dụng đất cho người dân", Hun Sen nói. Ông bác bỏ những lời chỉ trích từ phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền: "Nếu tôi là một nhà lãnh đạo tồi, chính phủ Nhật Bản có sẵn sàng chi tiền để xây dựng cây cầu khánh thành hôm nay không?", ông hỏi đám đông.
"Tất nhiên có những sai làm tôi đã vấp phải, tôi không thể không mắc sai lầm, nhưng phải công bằng khi đánh giá những gì tôi làm được và những gì tôi làm sai...Các bạn cần đánh giá một cách thích đáng, không thể nói tất cả mọi thứ đều xấu như Brad Adams của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền", ông Hun Sen cho biết. Thủ tướng Campuchia nói rằng ông sinh năm con rồng nên có thể hơi "cứng đầu", nhưng ông luôn bảo vệ người dân và chống lại kẻ xấu.
Cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo phe đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP) Sam Rainsy đã phát biểu trước một đám đông ủng hộ tại huyện Borseth kêu gọi các đảng phái "đoàn kết lại đánh bại đảng Nhân dân Campuchia (CPP)". "Trong 30 năm qua chúng tôi đã không đánh bại được CPP bởi vì chúng tôi đã tan vỡ và có quá nhiều đảng phái như Funcinpec, Sam Rainsy, đảng Nhân quyền..."