Tạm lắng sau thời gian dài, tranh luận liên quan đến việc nên hay không nên cho phép Công ty cổ phần đường Biên Hòa đề nghị cho phép nhập khẩu đường thô của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào về Việt Nam để chế biến thành đường tinh luyện và xuất sang Trung Quốc đã có kết luận.
Cụ thể tại công văn số 1113/VPCP-QHQT ngày 19/2/2014 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Lào Cai truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép Công ty CP đường Biên Hòa được mua đường thô do HAGL nhập khẩu từ Lào để tinh luyện xuất khẩu sang Trung Quốc |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP đường Biên Hòa (Đồng Nai) được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào), tinh luyện và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai theo đúng quy định về xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng quy chế, quy trình giám sát và phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường và Hải quan kiểm tra quá trình nhập khẩu, sản xuất, gia công và bán qua biên giới, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý theo tinh thần bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian tới, ngành mía đường phải thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm phát triển ổn định ngành mía đường và cải thiện đời sống người trồng mía.
Những tranh luận liên quan đến vụ việc này bắt đầu từ khi Công ty CP đường Biên Hòa gửi kiến nghị lên Bộ Công thương xin nhập 30.000 tấn đường thô do Công ty CP HAGL sản xuất từ bên Lào về Việt Nam để gia công và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Ngay sau đó đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã lên tiếng phản đối với nhiều lo ngại được VSSA đưa ra. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã gửi công văn số 64/2013/CV/HHMĐ lên Thủ tướng Chính phủ, VSSA kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam trồng qua cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở sang Trung Quốc – mà cụ thể ở đây là cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát – Lào Cai.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), việc cho phép Công ty CP Đường Biên Hòa nhập đường thô của HAGL từ Lào về tinh chế sẽ “bóp chết” hơn 40 doanh nghiệp mía đường trong nước.
Ngay sau ý kiến phản đối của VSSA, ông Đoàn Nguyên Đức (thường được biết đến tên gọi bầu Đức) - Chủ tịch HĐTV Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai trong nhiều lần trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã khẳng định việc nhập đường của HAGL bán cho nhà máy đường Biên Hòa tinh luyện và xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp mía đường trong nước.
Thậm chí Bầu Đức còn thẳng thắn cho rằng trong VSSA có cá nhân không thích ông hoặc cố tình không hiểu vấn đề.