Ông Dương Khiết Trì, ảnh: Reuters/SCMP. |
Bloomberg ngày 27/10 đưa tin, hôm nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức Ấn Độ 2 ngày. Cùng thời gian này ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam dự hội nghị Ban chỉ đạo quan hệ hợp tác Việt - Trung.
Chuyến đi Ấn Độ của Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm nâng cao quan hệ gần gũi hơn với các cường quốc khác như một sự cân bằng với (sự bành trướng của) Trung Quốc (ở Biển Đông), Bloomberg bình luận.
Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương từ Hawaii nói với Bloomberg qua điện thoại: "Sau cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam), hình ảnh của Trung Quốc ở Việt Nam đã bị xói mòn. Một phần trong chiến lược Biển Đông của Việt Nam là cần có bên thứ 3 hỗ trợ mạnh mẽ trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông."
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) với khoảng 90% diện tích Biển Đông theo một bản đồ năm 1948, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 21/6, chỉ 3 ngày sau khi sang Việt Nam, ông Dương Khiết Trì đã tuyên bố Trung Quốc "sẽ không bao giờ đánh đổi lợi ích cốt lõi của mình hay nuốt trái đắng làm suy yếu (cái gọi là) chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình".
Hôm 24/10, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trên các đảo, đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trước đó Trung Quốc công khai thông tin cải tạo (bất hợp pháp) đường băng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (bị Trung Quốc xâm lược từ 1956, 1974 và chiếm đóng trái phép đến nay). Ngoài ra truyền thông Trung Quốc và thế giới liên tục đưa tin về việc Trung Quốc biến đá thành đảo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa.
Tường Vũ, một giáo sư khoa học chính trị tại đại học Oregon nói với Bloomberg qua điện thoại, việc Việt Nam và Mỹ phát triển quan hệ gần gũi hơn là điều Trung Quốc không ưa và không muốn nó xảy ra. Đầu tháng này Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về việc Washington sẽ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì lần này sẽ là một nỗ lực để sửa chữa mối quan hệ song phương. Trung Quốc được thôi thúc bởi một thực tế là quan hệ Mỹ - Việt đang được cải thiện, ông Vũ bình luận. Trong khi ngay sau khủng hoảng giàn khoan 981, Trung Quốc nhiều lần đóng sập cánh cửa đối thoại, từ chối mọi nỗ lực đàm phán của Việt Nam để làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Theo ông Vũ, sở dĩ Trung Quốc cảm thấy "có ít lý do để thỏa hiệp" với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là vì họ tin rằng bắc Kinh vẫn "thống trị về kinh tế và quân sự trên khắp Việt Nam". Nhưng lần này ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam cho thấy Trung Nam Hải muốn thuyết phục người Việt "không ngả về phía Mỹ".
Tuy nhiên ông Vũ lưu ý: Khi thời tiết tốt, người Trung Quốc sẽ lại kéo một cái gì đó trở lại vùng biển Việt Nam và sẽ tiếp tục ra lệnh cấm (vô lý và phi pháp) các tàu cá Việt Nam hoạt động trên (vùng biển Việt Nam ở) Biển Đông. Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng năng lực của mình trong khu vực để có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc xung đột, và Việt Nam cũng sẽ làm điều tương tự - mua vũ khí từ Mỹ, tàu ngầm của Nga.