Tờ The Guardian ngày 11/8 đưa tin, Thủ tướng Shinzo Abe đang đẩy mạnh tìm kiếm đồng minh bên ngoài Nhật Bản, ngoại trừ Trung Quốc.
Trong năm đầu tiên kể từ sau khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, ông Abe đã nhận được sự ủng hộ lớn và được coi là người có thể kiểm soát Nhật Bản sau một thời gian bất ổn chính trị khi đẩy mạnh một loạt cải cách cả về kinh tế trong nỗ lực giúp Nhật Bản khôi phục nền kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ ủng hộ trong nước có dấu hiệu sụt giảm. Kết quả thăm dò được Nikkei công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ trong nước của ông Abe đã giảm mạnh từ 76% xuống còn 48%, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò được tờ Sankei, một ấn phẩm của phe bảo thủ ủng hộ ông Abe, cho thấy 46% số người được hỏi trả lời rằng họ không chấp thuận cách xử lý của chính phủ trong nền kinh tế.
Sự sụt giảm tín nhiệm của ông Abe có liên quan tới quyết định diễn giải lại hiến pháp hòa bình thời hậu chiến cho phép Nhật Bản "tự vệ tập thể". Dự kiến, tỷ lệ ủng hộ dự đoán sẽ còn thụt giảm nữa vào cuối năm nay khi ông Abe thông qua kế hoạch tăng thuế tiêu thụ.
Trong khi đó, ông Abe thúc đẩy một loạt chuyến công du nước ngoài gần đây. Ông Abe đã tới thăm 47 quốc gia kể từ khi ông lên nắm quyền lần thứ hai. Nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông đang "đổ mồ hôi" đi khắp thế giới để tìm kiếm đồng minh giúp đối phó với Trung Quốc và hợp tác năng lượng giúp khôi phục sức mạnh kinh tế của Nhật Bản.
Khi Thủ tướng Abe công du 5 nước Mỹ Latinh và Caribe tuần trước, trang tin Japan Today đã đặt ra câu hỏi rằng việc ông Abe tiến hành hai chuyến công du nước ngoài mỗi tháng trong năm nay có phải là quá nhiều.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, Nhật Bản cần phải cố gắng để cân bằng ngoại giao với Trung Quốc. |
Theo Koichi Nakano, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, một số chuyến công du gần đây của ông Abe chứa những chi tiết "khó hiểu".
"Ông ấy (Thủ tướng Abe) nghĩ rằng đang làm cho uy tín của Nhật Bản trở nên phổ biến. Nhưng các nhà lãnh đạo mà ông ấy cần phải gặp thì lại chưa gặp. Đó là các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc", ông Nakano nói.
Theo ông, Thủ tướng Abe đang thúc đẩy chính sách "quan hệ tự do và thịnh vượng" về cơ bản dựa trên ý tưởng rằng Nhật Bản sẽ liên minh với tất cả các nước trên thế giới, trừ Trung Quốc.
"Điều đó không thực tế", ông Nakano nói. "Không có quốc gia nào trên thế giới chọn đứng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Không quốc gia nào ngốc cả".
Nhưng một số nhà phân tích khác cho rằng, Nhật Bản cần phải cố gắng để cân bằng ngoại giao với Trung Quốc và rằng ông Abe đang có cách tiếp cận khi cố gắng chiến thắng trong cuộc đua tranh giành bạn bè ở nước ngoài với Trung Quốc.
"Trung Quốc cũng đã tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh với mục đích tranh thủ tài nguyên thiên nhiên của họ", tờ Yomiuri Shimbun cho biết trong bài viết ngợi ca các hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Abe trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tới thăm Brazil.
"Nhật Bản nên chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ đối ứng với các nước Mỹ Latinh và nhấn mạnh sự khác biệt của mình với Trung Quốc trong cách cư xử với họ", tờ báo cho biết thêm./.