Tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.
Hòa bình và ổn định tuy được duy trì, nhưng đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ truyền thống và phi truyền thống, nhất là các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên biển ngày càng căng thẳng.
Kinh tế tiếp tục phát triển khá cao và là đầu tầu cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng cũng còn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, phát triển. ảnh: VGP. |
Trước tình hình trên, ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định để phát triển, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng sau:
Một là, tạo dựng được lòng tin chiến lược giữa các nước ở khu vực thông qua đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là các biện pháp ngăn ngừa và quản lý các xung đột tiềm tàng, kể cả minh bạch hóa chính sách an ninh - quân sự.
Hai là, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, nhất là các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đây là cơ sở quan trọng cho một trật tự quốc tế mới, dân chủ, công bằng và ổn định.
Ba là, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực, góp phần định hình một cấu trúc khu vực dựa trên các diễn đàn hiện có của ASEAN, hình thành những cơ chế “cảnh báo sớm” và “phản ứng nhanh” để kịp thời xử lý tình hình khủng hoảng hoặc khẩn cấp ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Bốn là, các nước lớn có vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực, do vậy chúng tôi mong các nước lớn hành xử có trách nhiệm và mang tính xây dựng, duy trì quan hệ ổn định và đoán trước được, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực bằng những hành động cụ thể, kể cả khi đưa ra và triển khai các sáng kiến khu vực.
Hòa bình và an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở Biển Đông. Chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực và những kết quả nhất định trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này.
Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức mình cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình.
Theo tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột - đặc biệt chúng tôi đề nghị các nước chúng ta chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông.
Chúng tôi đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc vừa thông qua, cũng là ưu tiên và lợi ích chung của tất cả chúng ta.
Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác, nâng cao năng lực xử lý những thách thức phi truyền thống và xuyên quốc gia như khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước.
Nhân dịp này, tôi xin khẳng định lại Việt Nam, cùng với cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Paris và gửi lời chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Pháp.
Cấp cao Đông Á (EAS) có vai trò quan trọng thúc đẩy xây dựng lòng tin và tin cậy chiến lược, chia sẻ các quy tắc và chuẩn mực ứng xử, tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực.
Chúng tôi ủng hộ tăng cường Cấp cao Đông Á (EAS) theo hướng: duy trì là diễn đàn Lãnh đạo thảo luận các vấn đề chiến lược có ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; cần có cơ chế phù hợp triển khai các quyết định của lãnh đạo cấp cao; đưa hợp tác biển thành lĩnh vực ưu tiên.