Thưa bà Bộ trưởng Y tế: Điều gì "làm bẩn áo blouse"?

09/12/2011 07:23
Nhất Ngôn/Tuanvietnam.net
Nơi "nói không với phong bì" vẫn nhan nhản cảnh...nhận phong bì? 5 bệnh viện "nói không với phong bì" là con số quá nhỏ với tổng số 1.500 bệnh viện trên cả nước

Hình ảnh "lương y như từ mẫu" bây giờ bỗng xa lạ ghê gớm, có người đã nói với tôi như thế khi nhắc đến hiện tượng phong bì cho bác sĩ. Vậy thì điều gì đã "làm bẩn áo blouse", làm y đức phải đổi chất theo chiều hướng xấu?

Xét đến cùng, theo tôi, là trách nhiệm của Bộ Y tế!

"Nhà thương bị biến thành ...nhà ghét"

Theo tìm hiểu của người viết, tình trạng quá tải đều xuất hiện ở các bệnh viện lớn. Điều đáng nói là bất kỳ bệnh gì, tai nạn gì, dù nặng hay nhẹ thì tâm lý người dân đều muốn tìm đến các bệnh viện lớn dù có thứ bệnh chỉ cần trạm y tế... phường, xã là đủ.

Nhu cầu càng cao thì chi phí phục vụ cho nhu cầu càng phải lớn, nên hoặc anh có tiền nhiều, hoặc anh có thế lực, hoặc anh... khỏe mạnh (và số ít may mắn thì có cả ba thứ ấy) thì mới khỏi sợ phải tới bệnh viện lớn.

Có phong bì thì được ở phòng riêng, được bác sĩ, điều dưỡng hộ lý chăm sóc tận răng. Hoặc là "con anh Sáu, cháu chú Ba, người nhà dì Tám" thì lúc ấy người bệnh mới có những chế độ riêng mang tính... tình cảm.

"Không có phong bì? Nằm chung giường bệnh nhé! Nằm ngoài hành lang nhé! Chưa bị lườm, bị quát vào mặt là may rồi nhé!"- bạn tôi, một người phải điều trị lâu dài ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM nhận xét như vậy. Anh không phải loại người thiếu tiền nhưng cũng không phải là người vô cảm đến mức không biết xung quanh mình đang diễn ra cái gì. "Cơ chế nó thế"- anh kết luận.

Chừng nào vẫn còn cảnh quá tải tại các bệnh viện thì sẽ vẫn còn cảnh "nhà thương" bị biến thành... nhà ghét, tôi nghĩ vậy. Mật độ làm việc căng thẳng sẽ khiến các khuôn mặt các lương y khó giãn ra mà cau có lại. Lượng bệnh nhân đông đúc sẽ luôn phát sinh chuyện "xin bác sĩ cho người nhà em thoải mái một chút". Và phong bì được đưa...

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế từng phát biểu trên www.danviet.vn đã cho rằng việc "nói không với phong bì" của 5 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội là "nói và làm" còn khoảng cách xa. Bác sĩ Đại cho rằng câu chuyện đưa và nhận phong bì hiện đã trở thành chuyện "cơm bữa" ở các bệnh viện.

Bệnh viện thực hiện cam kết "Nâng cao quy tắc ứng xử trong bệnh viện" là điều rất tốt, rất nên làm. Tuy nhiên ông cho rằng ngành y tế nếu muốn "nói không với phong bì" thì trước hết phải thực hiện giảm tải bệnh viện, tăng cường trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến cơ sở.

Phải thực hiện tăng cường, mở rộng bệnh viện tuyến trung ương. Mặt khác cần có chính sách nâng cao lương và chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ y tế để họ sống được bằng nghề.

Thưa bà Bộ trưởng Y tế: Điều gì "làm bẩn áo blouse"? ảnh 1

Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thừa nhận: "Quá tải đang làm méo mó chân dung ngành y tế". Ảnh: Chí Hiếu - SGTT

Và ông đoán không sai, nơi "nói không với phong bì" vẫn nhan nhản cảnh... nhận phong bì! Mà 5 bệnh viện "nói không với phong bì" là con số quá nhỏ so với tổng số 1.500 bệnh viện khắp cả nước.

Nên buồn không? Khi chuyện không nhận phong bì mà vẫn chữa bệnh theo đúng lương tâm thầy thuốc trở thành chuyện hiếm...

Trách nhiệm chung chung

Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thừa nhận: "Quá tải đang làm méo mó chân dung ngành y tế". Một đồng nghiệp của tôi tại Sài Gòn Tiếp Thị là nhà báo Phan Sơn tỏ ra thông cảm với ngành y tế khi đưa ra các lý do như đời sống nhân viên y tế thấp, lại chịu áp lực tự chủ tài chính toàn phần.

Điều này làm một số bệnh viện... thích duy trì quá tải, "vơ bèo bắt tép", khám số đông bù lại để lấy tiền trang trải chi phí và nuôi sống nhân viên. Anh Sơn tự hỏi rằng: Ai duy trì khung lương bất hợp lý? Một bác sĩ học sáu năm ra trường cũng nhận lương khởi điểm như một cử nhân học bốn năm của ngành khác?

Ở một góc độ khác, các công trình mọc lên như nấm hiện nay chỉ có cao ốc văn phòng, chung cư, sân golf... mà không có bệnh viện nên quá tải là dễ hiểu. Ngay cả các công trình này khi mọc lên, cũng không có nhiều hoạch định về công trình dịch vụ y tế đi kèm.

Hệ lụy là các bệnh viện trung ương có tình trạng khám bệnh với tốc độ kỷ lục... 1 phút/người thì các trạm ý tế xã phường vẫn đìu hiu người đến vì tâm lý "bệnh viện to yên tâm hơn". 1 phút ấy, biết đâu sẽ có trường hợp bác sĩ tư vấn theo kiểu "đau bụng uống nhân sâm..." do không thể nào nắm bắt hết tất cả các triệu chứng.

Người bệnh càng đông thì nguy cơ "tắc tử" càng cao!

Nằm trong "cái được gọi là cơ chế" ấy, liệu một bác sĩ có lương tâm có chao đảo tay nghề vì lịch khám dày đặc không, có không nhận phong bì dưới mọi hình thức không? Muốn trả lời không, có lẽ họ nên đến một bệnh viện tư nào đó mà ở đó dịch vụ xứng đáng với đồng tiền người bệnh bỏ ra. Mà ở bệnh viện tư, có lẽ người nghèo khó với tới được...

Thưa bà bộ trưởng bộ Y tế! Bà nhìn được vấn đề quá tải ở các bệnh viện, bà đau lòng, bà biết luôn cả nguyên nhân tại sao... Vậy thì tôi tin người dân sẽ chờ bà làm gì để giải quyết thảm trạng đó. Người dân cũng đủ tinh tường để biết được những phát ngôn tâm huyết và những phát ngôn mang tính truyền thông hình ảnh. Người dân càng hiểu rõ hơn có hay không tư duy nhiệm kỳ trong cách làm việc của các "công bộc" của dân.

Rất hy vọng bà sẽ làm được điều gì đó để giảm bớt nỗi đau lòng của mình...

Vì cũng như bà, rất nhiều người dân khác biết rõ điều gì đang "làm bẩn áo blouse", "làm méo mó chân dung ngành y tế"!

Người dân cũng đủ tinh tường để biết được những phát ngôn tâm huyết và những phát ngôn mang tính truyền thông hình ảnh. Người dân càng hiểu rõ hơn có hay không tư duy nhiệm kỳ trong cách làm việc của các "công bộc" của dân.

Nhất Ngôn/Tuanvietnam.net