Sau khi lắng nghe những ý kiến, chia sẻ từ phía chuyên gia, lãnh đạo và đại diện một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có một số chia sẻ tại tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn EQuest tổ chức ngày 10/12.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được lắng nghe ý kiến từ lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học đại diện cho các khối ngành, lĩnh vực đào tạo ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Cái khó khi thực hiện Thông tư 01 không phải cái khó đồng loạt
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” là một chủ đề hay, giúp đưa ra được nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau. Nội dung tọa đàm vừa mang tính phân tích chuyên sâu, vừa có tính lý luận, khoa học nên rất hữu ích với các đại biểu, thầy cô tham dự.
Qua chia sẻ của các thầy cô tại tọa đàm cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học đang nhập cuộc rất nhanh chóng để đưa Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào cuộc sống. Và trong quá trình triển khai Thông tư này, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải đối mặt với một số thách thức.
Bà Hoa đánh giá, việc gặp khó của một lộ trình đổi mới là không thể tránh khỏi. Bởi, khi xác định một chuẩn quy định nào đó cũng đồng nghĩa với việc chuẩn này không bao giờ bằng thực tiễn hiện tại mà là những mục tiêu hướng tới trong thời gian tới, trong tương lai. Vậy nên, để hướng tới đạt được chuẩn này, các cơ sở giáo dục đại học có thể không khó ở tiêu chí này nhưng lại khó ở tiêu chí khác.
Đơn cử, trường đại học ở những thành phố lớn không có băn khoăn nhiều về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ bởi có nhiều nguồn tuyển. Ngược lại, các trường đại học đặt tại địa phương lại thiếu đội ngũ này, thậm chí một số địa phương còn đưa ra những chính sách thu hút rất mạnh tay nhưng vẫn không tuyển được giảng viên có trình độ cao vì họ cân nhắc rất nhiều điều kiện kèm theo như môi trường làm việc, điều kiện cuộc sống hay liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp của họ, …
"Có thể thấy rằng, cái khó khi thực hiện quy định của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học không phải cái khó đồng loạt, có cơ sở này khó chỗ này, có cơ sở khó ở điểm khác", bà Hoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng, không nên vì chúng ta chưa đạt được chuẩn nào mà lại hạ chuẩn đấy xuống. Bởi, có Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, giúp ngành Giáo dục và xã hội dễ dàng đánh giá cơ sở giáo dục đại học.
Gỡ khó và việc vượt qua cái khó này là quá trình để các trường đại học tự hoàn thiện mình nhằm đạt tới những chuẩn theo quy định do Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT đặt ra. Khi đạt được những chuẩn này rồi, chúng ta có thể xác định những chuẩn khác cao hơn, đồng thời có thể đối mặt với những thách thức, khó khăn cao hơn.
Thông tư 01 ra đời nhằm thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, mục đích mà Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT đưa ra là “cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật”.
Đặc biệt, Thông tư này còn nhằm thực hiện một nội dung được quy định trong Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội rằng: "Ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quy hoạch;" (điểm b, Khoản 1, Điều 11, Luật 34/2018/QH14). Như vậy, mục đích chính để Thông tư này ra đời là nhằm thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, rõ ràng sự ra đời của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT đã thể hiện rõ việc chúng ta đã thực tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao của Luật 34. Từ đó, việc quy hoạch mạng lưới, rà soát về các cơ sở giáo dục đại học sắp tới sẽ tốt hơn.
Hầu hết các trường đại học khi đón nhận Thông tư này đều tiếp cận theo hướng nghiêng nhiều về mục đích thực hiện việc rà soát, đánh giá để góp phần thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, có Chuẩn cơ sở giáo dục đại học này, việc đánh giá năng lực, chất lượng của các trường sẽ công bằng hơn.
Về phía người học, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ mang đến kênh thông tin rất rõ ràng trong việc chọn cơ sở giáo dục nào để tham gia học tập. Các doanh nghiệp cũng sẽ chọn được đối tác của mình để đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Có thể thấy rằng, việc ban hành Thông tư này với những tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định sẽ đóng góp rất lớn cho mục đích mà chúng ta đang hướng tới là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Các trường đại học đã nhập cuộc rất tích cực khi thực hiện Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” giúp chúng ta nhìn thấy được thực tế là dù có những điều kiện, khó khăn khác nhau nhưng các cơ sở giáo dục đại học đều có quyết tâm chung là cùng hướng đến đạt được những chuẩn theo quy định của Thông tư này. Còn đạt được ở cấp độ nào, mức độ nào sẽ tùy vào điều kiện mỗi trường.
Điều đáng mừng là hiện nay một số trường đang tìm hướng để đạt được các tiêu chuẩn, tiêu chí trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT như mở ra các phân hiệu để có quỹ đất bổ sung nhằm đạt được tiêu chí về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc mở rộng quỹ đất đất này cần thực hiện theo lộ trình. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng việc mở ra quỹ đất không phải để đạt được tiêu chuẩn theo quy định mà nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và thực sự mang tính ứng dụng, tránh lãng phí.
Mặt khác, qua chia sẻ từ các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, mặc dù còn những băn khoăn, trăn trở nhưng tinh thần chung là hướng đến việc giúp nước ta có chất lượng giáo dục đại học tốt hơn. Các trường đại học đã xác định rõ và coi chuẩn trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT này là một cơ sở rất quan trọng để xây dựng chiến lược, đưa ra kế hoạch phát triển từ đội ngũ đến cơ sở vật chất.
Hơn nữa, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng là cách tốt nhất để các trường nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi có chuẩn quy định chung, các trường sẽ nhận thấy được điều kiện của mình đang ở đâu trong mức chuẩn này để có những bổ sung, hoàn thiện dần. Không những vậy, đây cũng cơ hội để các trường phát huy tốt vai trò, trách nhiệm giải trình của mình trong bối cảnh nâng cao tự chủ đại học hiện nay.
Nhìn nhận từ những khó khăn khi áp dụng triển khai thực hiện thông qua chia sẻ của các trường, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, khi vận dụng vào trong thực tế cũng nên tính toán để phân quy định theo từng lĩnh vực, khối ngành thay vì áp dụng đồng loạt (trường đào tạo 1 ngành ở trình độ tiến sĩ cũng phải đáp ứng yêu cầu giống như trường đào tạo hàng chục ngành ở trình độ tiến sĩ) và phù hợp hơn với không gian số hiện nay. Bà Hoa cũng đồng tình với những góp ý rằng mỗi trường nên tính đến đường hướng phát triển khác nhau theo nghiên cứu hay theo ứng dụng, tránh việc đổ xô đào tạo tiến sĩ hay ý kiến nên áp dụng mô hình đào tạo liên ngành để chia sẻ giảng viên lẫn nhau....
Mặt khác, về vấn đề tuổi nghỉ hưu của giảng viên, hiện dự thảo Luật Nhà giáo đang đưa ra quy định quay trở lại như trước đây tức là tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu theo lần lượt 5-7-10 năm. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa hy vọng, điểm này sẽ được thông qua để gỡ khó cho các trường trong quá trình nâng chuẩn trình độ đội ngũ giảng viên.
“Tôi mong rằng, những góp ý, gợi mở trong Tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có nghiên cứu, cái nhìn rõ hơn trong quá trình triển khai quy định Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT”, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ.