Sáng ngày 20/10, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Giáo dục và đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Nội vụ... Đến nay, 2.596 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%.
Về thực hiện giám sát, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, giám sát chuyên đề về những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, nhất là những vấn đề được cử tri quan tâm.
Toàn cảnh Phiên khai mạc. (Ảnh: quochoi.vn). |
Trong đó, có việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non tại các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ (Ủy ban Văn hoá, Giáo dục).
Cũng theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.482/2.524 kiến nghị (đạt 98,3%).
Theo đó, các Bộ, ngành đã giải trình và cung cấp thông tin về 2.176/2.482 kiến nghị cử tri, chiếm 87,6% tổng số kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết, trả lời.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời cử tri về việc quản lý công tác đào tạo sau đại học, đào tạo tiến sĩ: để nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ, chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng và công tác đào tạo sau đại học nói chung.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp sau: Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo sau đại học trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2199/BGDĐT-GDĐH ngày 27/5/2022 chỉ đạo các cơ sở đào tạo về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đào tạo sau đại học các cơ sở đào tạo và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành....
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về bổ sung biên chế nhân viên y tế cho trường học; giảm tải chương trình học tập cho học sinh lớp 1; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh trong trường học; công tác tư vấn tâm lý học đường; biện pháp cải thiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường; chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non…
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn). |
Về tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã trả lời với cử tri về việc xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút cán bộ, công chức đến công tác, làm việc tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ngành giáo dục, y tế.
Bao gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục…
Đối với các kiến nghị đang trong quá trình xem xét để giải quyết, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tiếp thu kiến nghị cử tri về điều chỉnh các Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp với quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ. Qua đó, đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên để đảm bảo các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT phù hợp với quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 20/5/2022, đồng thời lấy ý kiến của các địa phương từ ngày 24/5/2022.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và dự kiến ban hành vào tháng 11/2022.
Đánh giá về hiệu quả, trong lĩnh vực giáo dục, đã có kiến nghị cụ thể của cử tri đã được nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, như quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình học trung học phổ thông.
Tuy nhiên, việc giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn những hạn chế nhất định. Có thể kể đến, một số Bộ, ngành còn trả lời kiến nghị cử tri chưa đúng thời hạn nên Đại biểu quốc hội chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng số 181 kiến nghị, đã trả lời 167 kiến nghị (trong đó trả lời chậm so với thời hạn 141 kiến nghị), còn 14 kiến nghị chưa trả lời.
Phía Bộ Tài chính, cũng đã có những trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về các nội dung như: Tháo gỡ một số khó khăn đối với vấn đề tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ; phân bổ kinh phí cho địa phương để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.