Đồng thời, Tòa còn làm rõ việc tự ý hạch toán chi 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Ngọc Bích, sau đó hạch toán chuyển tiền không có chứng từ cho Phạm Công Danh và đồng phạm.
Theo án sơ thẩm, 3 cá nhân Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang có 6 sổ tiết kiệm với tiền gửi hơn 300 tỷ đồng tại VNCB.
Phạm Công Danh và đồng phạm đã lập các hồ sơ vay khống với tài sản bảo đảm là 6 sổ tiết kiệm này để rút ra 300 tỷ đồng và Phạm Công Danh đã tiêu xài hết.
Phạm Công Danh. |
Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, hành vi của Phạm Công Danh về bản chất có dấu hiệu của tội “lừa đảo” hoặc “lạm dụng tín nhiệm”chiếm đoạt tài sản chứ không phải “vi phạm quy định về cho vay” hay “cố ý làm trái”.
Bản án sơ thẩm buộc Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này cho VNCB nhưng lại không trả lại các sổ tiết kiệm cho 3 cá nhân (?).
Phiên tòa đã dành nhiều thời gian để thẩm vấn Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang về nguồn gốc của số tiền gửi hơn 300 tỷ đồng tại VNCB.
Cả 3 cá nhân này đều phải trả lời nhiều câu hỏi tại sao có số tiền này, số tiền này có phải của ông Trần Quí Thanh hay không, tại sao không quản lý tiền tiết kiệm của mình, không biết các giao dịch trên tài khoản của mình…
Phần thẩm vấn trong phiên tòa chưa phải là lúc để các cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư cũng như các bên khác thể hiện quan điểm của mình.
Nhưng các câu hỏi được đặt ra trong phần thẩm vấn sẽ là những căn cứ được các bên sử dụng khi đưa ra quan điểm của mình. Phải chăng vấn đề nguồn gốc tiền gửi là cơ sở quan trọng để giải quyết trong vụ án này?
Trả lời câu hỏi của phóng viên “Tại sao 3 cá nhân này phải liên tục khẳng định tiền trong sổ tiết kiệm là của mình?”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, người đại diện của 3 cá nhân tại phiên tòa cho biết: “Sổ tiết kiệm đứng tên ai thì tiền thuộc sở hữu của người đó, đây là quy định pháp luật, là điều hiển nhiên. Chúng tôi phải khẳng định như vậy để trả lời các câu hỏi đặt ra trong phiên tòa”.Tại phiên tòa có ý kiến công bố lời khai của các cá nhân này trước đó cho rằng đây là tiền của ông Trần Quí Thanh, nhưng theo 3 cá nhân này thì “Chúng tôi chưa bao giờ khằng định đây là tiền của ông Trần Quí Thanh”.
Phiên tòa cũng đưa ra các thông tin trong giai đoạn điều tra xác định ông Trần Quí Thanh đã cho các cá nhân này vay tiền, nếu như vậy, liệu bản chất số tiền này là của ông Trần Quí Thanh …?
Có quan điểm về vấn đề này, bà Thảo cho biết nguồn tiền từ đâu mà có và xác định chủ sở hữu tiền là các vấn đề độc lập.
Nếu các cá nhân này vay tiền ông Trần Quí Thanh, thì họ nợ ông Thanh, cho dù có nguồn gốc vay ông Thanh thì tiền vẫn thuộc sở hữu của các cá nhân này.
Khi họ gửi tiền thật vào VNCB thì VNCB phải chịu trách nhiệm trực tiếp với họ. Còn tiền tại đâu họ có, ai cho họ vay thì không liên quan đến vụ án này và không làm thay đổi hành vi phạm tội của Phạm Công Danh cũng như trách nhiệm của VNCB khi cho vay không có hồ sơ vay, trách nhiệm của VNCB với người gửi tiền.
Vậy tại sao 3 cá nhân này không trả lời về nguồn gốc tiền là vay ông Trần Quí Thanh tại phiên tòa, “vì đây là những vấn đề không liên quan đến vụ án, là những quan hệ cá nhân nên họ không muốn công bố.
Việc họ không công bố là quyền hợp pháp của họ đồng thời không đồng nghĩa với việc họ né tránh, khai báo mâu thuẫn, gian dối” – bà Thảo trả lời.
Điều khó hiểu là tại sao 3 cá nhân này lại tin tưởng VNCB, giao sổ tiết kiệm với số tiền hàng trăm tỷ cho VNCB giữ. Theo bà Thảo “Thời điểm đó, VNCB và Phạm Công Danh được ca ngợi như một nhân tố mới trong công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng, VNCB và Phạm Công Danh khẳng định là có năng lực tài chính tốt, có định hướng lành mạnh, thậm chí còn đi đầu trong việc phát động gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng cho bất động sản và xây dựng …
Việc khách hàng tin tưởng ngân hàng như VNCB là điều bình thường. Quan trọng nhất là dù tin hay không tin, thì trong mọi trường hợp,kể cả khách hàng có mất sổ tiết kiệm, ngân hàng đều không thể tự ý cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng để cho vay mà không hề có hồ sơ vay”.
Ông Trần Hoài Phục, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, bà Ngô Bích Thùy Trang cùng nhấn mạnh: “Nếu chúng tôi biết VNCB đang thua lỗ trầm trọng, nếu chúng tôi biết Phạm Công Danh – Chủ tịch VNCB dùng bằng đại học giả và đã từng có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản, nếu chúng tôi biết VNCB cũng như các cổ đông của VNCB không hề có tiềm lực tài chính, nếu chúng tôi biết Phạm Công Danh cùng đồng phạm có chủ đích rút từ VNCB hàng chục ngàn tỷ …, thì chúng tôi không bao giờ gửi tiền tại VNCB”.
Bà Thảo tiếp lời: “Nhưng làm sao chúng tôi có thể biết được khi tất cả những thông tin này không ai biết, cơ quan Nhà nước cũng không biết, các sai phạm của Phạm Công Danh suốt hai năm không bị phát hiện, tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay tại VNCB cũng không biết”.
Cả ông Trần Hoài Phục, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, bà Ngô Bích Thùy Trang đều kháng cáo yêu cầu buộc trách nhiệm của VNCB trả lại sổ tiết kiệm của mình.
Cả ba người khẳng định VNCB có lỗi thì phải tự chịu trách nhiệm, tự chịu thiệt hại chứ không thể chuyển thiệt hại từ VNCB sang người vô tội.
Sau khi bị truy vấn về nguồn gốc tiền gửi tiết kiệm ở đâu ra, kết thúc phiên xử, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung và bà Ngô Bích Thùy Trang đều rơm rớm nước mắt “cho dù luôn tin tưởng vào sự công minh của Tòa, nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác oan ức.
Tại sao chúng tôi tự nhiên bị mất tiền lại không được bảo vệ mà lại bị truy vấn về nguồn gốc tiền. Từ đó dư luận suy diễn thành việc chúng tôi khai báo không đúng. Chúng tôi là nạn nhân mà có cảm giác như nghi phạm”.
Cho đến nay, các vấn đề về tại sao Phạm Công Danh có thể mua được Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã qua mặt các cơ quan Nhà nước như thế nào để làm Chủ tịch Ngân hàng, Phạm Công Danh tiêu tiền đi đâu, chiếm đoạt hay không đều chưa được thẩm vấn. Hy vọng những ngày tới các vấn đề này sẽ được sáng tỏ.