7 phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

05/01/2015 07:08
Ngọc Quang
(GDVN) - "Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được"; "Thế này thì chỉ chết dân thôi"... là những phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội trong năm 2014.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam điểm lại 7 phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong năm 2014.

“Thế này thì chỉ chết dân thôi”

Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật xây dựng diễn ra vào chiều 21/2 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã bức xúc khi chỉ rõ: Bắt người dân chạy 15, 20 cái giấy mới đủ. Luật này có cải cách hành chính không?

Có lẽ, chỉ nhìn những thủ tục như thế này thôi, không một người dân nào không cảm thấy bức xúc. Nhưng họ không có cơ hội để bày tỏ nỗi bức xúc ấy với cơ quan quản lý. Thật may vì chiều qua Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đích danh những thủ tục hành chính trở thành nỗi khiếp sợ của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội chốt lại yêu cầu là cơ quan soạn thảo phải xem xét lại, bỏ đi những thủ tục hành chính không cần thiết, không thể để dân phải chịu cảnh mỗi cửa xin phép là mỗi cửa cơ hàn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn yêu cầu khi xây dựng luật phải chú ý đến quyền lợi của dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn yêu cầu khi xây dựng luật phải chú ý đến quyền lợi của dân.

"Các anh cứ thả lá diêu bông ra đuổi mãi không được đâu"

Cho ý kiến về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chiều 22/9/2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói thẳng: “Nghị quyết của Quốc hội không phải văn bản pháp luật là chả hiểu gì cả. Ví dụ như bổ nhiệm Đại sứ không có Nghị quyết của Quốc hội thông qua thì Chủ tịch nước lấy gì mà bổ nhiệm? Hay bổ nhiệm bộ trưởng, nếu không được Quốc hội thông qua thì làm sao lên được bộ trưởng? Nghị quyết không có giá trị pháp luật thì gọi là gì? Nói thế đâu được. Hiến pháp đã nói rõ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật, còn giấy trắng mực đen mà giờ bỏ béng đi coi không phải là pháp luật. Giờ nói không thi hành là thế nào? Không thi hành là mất chức. Cũng như Chính phủ mà không ra Nghị quyết còn gì là tập thể Chính phủ? Phải có Nghị quyết, người thi hành chứ”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khái niệm “quy phạm pháp luật” rất mơ hồ, so với Hiến pháp có nhiều cái phân chia:"Giờ coi Nghị quyết của Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vậy là bỏ béng lệnh của người ta đi là sai cả Hiến pháp. Văn bản hành chính cũng phải có quy phạm của nó chứ, cũng phải có người thi hành chứ. Tôi lấy thí dụ như việc bổ nhiệm ông Thứ trưởng, chỉ một cái giấy cho một ông thôi nhưng nó cũng có giá trị pháp luật chứ và cũng phải có quy phạm, quy trình chứ... Các đồng chí lại đưa vào đây một loại quy phạm, loại không phải quy phạm thì chỉ có mà bôi mỡ cho kiến cắn.

Vấn đề là bây giờ các đồng chí nghiên cứu bỏ bớt được cái gì thì bỏ đi để đỡ thủ tục hành chính rườm rà. Các anh cứ bày vẽ ra văn bản quy phạm pháp luật, rồi lại thêm cả pháp quy làm gì? Có bản án nào tuyên bố căn cứ vào văn bản quy phạm luật không? Ở đó chỉ nói là căn cứ vào điều mấy luật gì? Căn cứ vào điều mấy nghị định bao nhiêu? Căn cứ vào điều mấy thông tư bao nhiêu?... Đã là Nghị quyết của Đảng thì phải xúc tích để làm, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp luật phải rõ ràng minh bạch, sau đó văn bản cấp trên mới giao cho cấp dưới. Tinh thần là phải đi thẳng vào văn bản pháp luật. Các anh cứ thả lá diêu bông ra đuổi mãi không được đâu”.

"Có khi lực lượng phản động vào phá phiên tòa thì không giữ được mà lại giữ phải những người tử tế"

Sáng 22/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về "Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân".

Dự thảo Pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với 5 hành vi vi phạm, trong đó đáng chú ý là "Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở".

Cho ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra một loạt câu hỏi: “Người ta đã có thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu, xuất trình rồi cho vào, vậy thì tại sao lại còn hỏi giấy giới thiệu? Đã xuất trình thẻ rồi lại còn giấy giới thiệu nữa, có phải là thủ tục hành chính phiền hà không? Thế nào là hành vi cản trở? Cản trở là thế nào? Hành vi gì thì cản trở? Xuất trình thẻ là lúc ra vào thì có phải cản trở phiên tòa chưa? Ông thẩm phán đang xử, tôi làm cái gì thì mới cản trở chứ. Phạt là phạt hành vi cản trở cơ mà. Không xuất trình thì không cho vào là xong, chứ có gì mà phải phạt. Đưa thế này thì xử phạt thế nào?... Chỉ phạt mỗi chuyện không xuất trình thẻ thì đã có nội quy ra vào bất cứ ai cũng phải xuất trình giấy tờ, đấy là quy định chung. Thế còn quy định thêm cái giấy giới thiệu làm gì, cứ giấy phép to để ra giấy nhỏ, giấy nhỏ đẻ ra giấy con. Nội quy này tôi thấy không nên đưa vào đây”.

Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại khoản 6 Điều 9 dự thảo Pháp lệnh quy định: Tùy từng hành vi vi phạm cụ thể, người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sau đây: Buộc rời khỏi phòng xử án; Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; Khám người; Khám đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đối với những quy định này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ban soạn thảo “viết quá đơn giản” và đặt ra nhiều câu hỏi: “Buộc phải đi là buộc như thế nào? Tạm giữ thì giữ ở đâu, giữ mấy ngày? Ai ra lệnh tạm giữ? Áp giải thì lực lượng nào? Tạm giữ tang vật có có kiểm kê không? Cất ở đâu, có trả không? Khám người cũng là một trình tự phức tạp, vậy thì khám thế nào, để cái máy cho người ta đi qua hay khám bằng tay? Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm thì đến nhà người ta xét à?"

Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, tất cả phải làm minh bạch, rõ ràng với người dân và cảnh báo: "Có khi lực lượng phản động vào phá phiên tòa thì không giữ được mà lại giữ phải những người tử tế", đồng thời yêu cầu ra pháp lệnh xử phạt, hành vi phải rõ, trình tự thủ tục phải rõ, đặc biệt những hành vi vi phạm này xảy ra tại phiên tòa thì không được khám xét nhà ở.

"Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được..."

Thảo luận về Luật căn cước công dân và Luật Hộ tịch sửa đổi sáng 14/7/2014, Chủ tịch Quốc hội phát biểu: “Các đồng chí nói không rõ ràng, quy định không rành mạch thì sau này chỉ chết dân thôi. Cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những tiêu chí gì, trong luật phải ghi, không thể nói chung như thế được. Cơ sở dữ liệu hộ tịch có mấy tiêu chí phải ghi vào, không thể để xảy ra tình trạng sau này phường xã lại quy định thêm vào được. Quy định thật chặt chẽ để Quốc hội thông qua rồi cứ thế mà thi hành. Cơ sở dữ liệu quốc gia khi đã có rồi thì ông hộ tịch không được hỏi dân nữa.

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ chứ không thì sẽ phức tạp, làm khó cho dân. Nộp giấy chứng sinh cho hộ tịch rồi lại nộp cả cho công an để nhập dữ liệu là không được, chỉ cần nộp một lần thôi, đưa vào cơ sở dữ liệu là công an cũng có rồi, bấm nút ra sẵn cái thẻ căn cước cho cháu đi. Phục vụ dân là phải như thế chứ. Có làm được như thế không? Những thứ đó phải đưa vào luật, không được ai làm phức tạp thêm tình hình. Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được”.

"Nghe thì có vẻ đúng, nhưng mà sai rồi, thiếu tôn trọng Hiến pháp"

Tại phiên làm việc sáng 22/9/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, xây dựng luật phải bám sát Hiến pháp, luật phải cụ thể chứ không thể để có những chỗ viết khái quát còn hơn cả Hiến pháp.

Dẫn chứng về những điểm chưa thống nhất cần làm rõ trong Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, bảo đảm an toàn tại Điều 32. Nhưng đến khoản 2 thì lại mở ra là “trừ trường hợp thu thập sử dụng công khai thông tin điện tử cá nhân theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Mở một nhát như thế này thì biết là ông nào có thẩm quyền? Mà quyền công dân chỉ hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp quốc phòng an ninh, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Thế viết như vậy có vi phạm Hiến pháp không? Nghe thì có vẻ đúng lắm, nhưng mà sai rồi, thiếu tôn trọng Hiến pháp. Luật dân sự là nói về sự sống của dân, nói về các quan hệ để đảm bảo sự sống của dân, cho nên phải rõ”.

"Có đồng chí nhân cơ hội họp Quốc hội làm việc khác"

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/12/214, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyện đại biểu vắng không thể khắc phục hết được, vì các đại biểu cũng gánh vác nhiều trách nhiệm, xử lý nhiều công việc, nhưng dù sao cũng phải ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ tại Quốc hội.

"Có đồng chí tôi thấy hoàn toàn có thể họp được, có lúc vắng, có lúc này lúc khác, lúc cần thôi. Có đồng chí nhân cơ hội họp Quốc hội làm việc khác. Có đồng chí còn đi nước ngoài. Đấy là hiện tượng dư luận không đồng tình”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đồng thời yêu cầu Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội theo dõi sát hơn vấn đề này.

Quốc hội biết có tình trạng bấm nút hộ và sẽ ngăn chặn.
Quốc hội biết có tình trạng bấm nút hộ và sẽ ngăn chặn.

"Từ 34 nghìn tỷ mà giờ còn hơn 400 tỷ thì tôi cũng sợ"

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/9/2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Chính phủ trong việc nỗ lực để trình ra được một bản đề án mới, đồng thời đặt ra câu hỏi bày tỏ sự lo lắng:

“Các cụ nói là đa thư loạn mục, lắm thầy rầy ma. Tôi đồng ý là phải sáng tạo, đổi mới, nhưng mà phải nghiên cứu viết vào nghị quyết thế nào cho đúng. Nghị quyết viết là 'đổi mới căn bản toàn diện' thì ở đây các đồng chí lại viết là 'chuyển biến căn bản mạnh mẽ'. Tôi lo ở chỗ trình độ thầy khác nhau, học trò khác nhau, vậy bây giờ thống nhất chương trình kiểu gì đây? Chương trình là do Bộ Giáo dục, nhưng bây giờ tổ chức soạn sách giáo khoa thì thế nào, có đảm bảo dân chủ không? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục là làm chương trình, nhưng Bộ ban hành chương trình thế nào không thấy nói? Bộ làm thế nào thì không thấy nói? Tổ chức làm chương trình thế nào, hay là mấy vụ thiết kế ra rồi các đồng chí ký, gọi là chương trình?".

Cho ý kiến về kinh phí thực hiện đề án, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu  phải có sự tính toán hợp lý và hàng năm Chính phủ trình ra Quốc hội phê chuẩn: “Nếu làm dưới con số đề ra thì tốt, nhưng vượt quá thì sao? Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ tôi nghe tôi cũng sợ quá”.

Trước đó tại một phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2014, Chủ tịch Quốc hội phát biểu: “Bây giờ là cải cách hành chính, vậy chương trình sách mới phải thế nào? Ba lô giờ to hơn là không được. Thủ tục phải công khai minh bạch, cái gì có lợi cho dân thì áp dụng”.

Ngọc Quang