ASEAN thông qua "khuôn khổ" Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

06/08/2017 08:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Một COC ràng buộc về pháp lý không chỉ có lợi cho ASEAN, mà có lợi cho cả Trung Quốc nữa.

The Straits Times, Singapore ngày 5/8 đưa tin, "khuôn khổ" của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông bùng phát thành xung đột, có thể được Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc thông qua trong ngày hôm nay 6/8 tại Philippines.

Nỗ lực xây dựng "khuôn khổ" COC

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Robespierre Bolivar cho biết:

"Khuôn khổ COC" gồm 2 trang sẽ được thảo luận trong ngày Chủ nhật 6/8 giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, dự kiến nó sẽ được thông qua.

Theo đó, ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ tiến hành các cuộc đàm phán "thực tế" về COC.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, ảnh: Philstar.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, ảnh: Philstar.

Tờ The Sunday Times đưa tin, bản dự thảo "khuôn khổ" COC nhấn mạnh rằng, đây không phải là công cụ giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc phân định biển.

Thay vào đó, "khuôn khổ COC" thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác và ngăn ngừa các sự cố, quản lý sự cố nếu xảy ra và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Một số nguồn tin ngoại giao hàng đầu nói với The Sunday Times, Việt Nam muốn nhấn mạnh cụm từ "bồi lấp đất đai", chống lại việc xây dựng đảo nhân tạo, nhưng nước chủ nhà Philippines đã đàm phán một thỏa hiệp về từ ngữ để các bên có thể chấp nhận được.

The Straits Times cho rằng, các nỗ lực để cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã trở nên cấp bách do các cuộc chạm trán gần đây giữa Trung Quốc với một số thành viên ASEAN vì tranh chấp tại vùng biển này. [1]

Đề xuất của Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ

Tờ Philstar ngày 6/8 dẫn nguồn hãng thông tấn Pháp AFP cho biết, trong cuộc họp tối thứ Sáu 5/8, Việt Nam vận động ASEAN thể hiện mối quan ngại sâu sắc trước các hoạt động bồi lấp, xây dựng trên Biển Đông.

Việt Nam cũng mong muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ là một "ràng buộc pháp lý".

Tuy nhiên Trung Quốc phản đối điều này.

Một nhà ngoại giao tham gia đàm phán nói với AFP rằng, trong khi Việt Nam muốn phản ánh về Biển Đông nhiều hơn và mạnh mẽ hơn trong dự thảo tuyên bố chung, Cammpuchia và Philippines không muốn phản ánh điều đó.

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho biết, các Ngoại trưởng ASEAN đã thông qua "khuôn khổ" COC để thông qua chính thức trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc.

Ông Robespierre Bolivar giải thích rằng, "khuôn khổ" COC có thể giúp cấu trúc lại các cuộc thảo luận và đàm phán về COC.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định, Ngoại trưởng nước này ông Alan Peter Cayetano đã thể hiện rõ lập trường của Manila rằng, COC là một công cụ có tính ràng buộc pháp lý.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tuyên bố, Mỹ không chấp nhận đưa Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Diễn đàn ASEAN.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Susan Thornton nói rằng, Biển Đông là trọng tâm của các cuộc thảo luận tại diễn đàn an ninh này. [2]

Tờ South China Morning Post, Hồng Kông thứ Bảy ngày 5/8 đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Philippines khẳng định rằng, không có chuyện Manila thỏa hiệp trong vấn đề quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông, bất chấp vận động ngoại giao và động lực kinh tế từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Philippine Carlos Dominguez cho biết, Manila đang cố gắng bảo vệ lợi ích của mình bằng cách tách các tranh chấp hàng hải ra khỏi những nỗ lực nhằm thu hút đầu tư của Trung Quốc.

Ông Dominguez lưu ý rằng, Philippines không từ bỏ các yêu sách của mình, nhưng luôn nỗ lực trở thành nước láng giềng thân thiện với Trung Quốc.

Về các cuộc đàm phán xung quanh "khuôn khổ" COC tại Manila, Bộ trưởng Thương mại Philippines cho rằng, một COC ràng buộc về pháp lý không chỉ có lợi cho ASEAN, mà có lợi cho cả Trung Quốc nữa.

Tuy nhiên ông cho rằng, có thể ASEAN cần phải có thêm kiên nhẫn trước khi Bắc Kinh đồng ý với điều này.

Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã tuyên bố, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông cần có tính ràng buộc pháp lý.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/vietnam-challenges-china-over-south-china-sea-at-asean-talks

[2]http://www.philstar.com/headlines/2017/08/06/1725673/vietnam-wants-tough-stand-vs-china-philippines-reluctant

[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2105582/no-south-china-sea-trade-economic-gains-philippines

Hồng Thủy