Australia tích cực mua sắm, hợp tác quốc phòng với các nước

02/07/2014 10:23
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ quyết định bán tên lửa AIM-9X-2 cho Australia, Australia hợp tác nâng cấp tên lửa Sea Sparrow, sắp quyết định chương trình Land 400, hợp tác QP với Nhật.

Australia được Mỹ bán tên lửa không đối không AIM-9X-2

Trang mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn một quyết định bán vũ khí cho nước ngoài tiềm năng - bán tên lửa AIM-9X-2 Sidewinder, thiết bị và kinh kiện liên quan, hỗ trợ đào tạo, hậu cần cho Australia, chi phí dự đoán là 534 triệu USD. Cục hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ xác nhận vào ngày 13 tháng 5 năm 2014.

Tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder Mỹ
Tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder Mỹ

Chính phủ Australia đã đề nghị mua tới 350 quả tên lửa AIM-9X-2 Sidewinder, 35 quả tên lửa huấn luyện trên không đặc biệt (NATMs), 95 quả tên lửa huấn luyện dòng AIM-9X-2 (CATMs), 22 mô đun dẫn đường chiến thuật AIM-9X-2,

19 mô đun dẫn đường CATM-9X-2, 3 quả đạn huấn luyện DATM-9X, thiết bị thử nghiệm và thiết bị đồng bộ, linh kiện dự trữ và thiết bị sửa chữa, ẩn phẩm và tài liệu kỹ thuật, đào tạo cán bộ và thiết bị huấn luyện. Chi phí dự kiến là 534 triệu USD.

Australia chi 300 triệu USD nâng cấp tên lửa Sea Sparrow

Tờ tin tức Trung Quốc ngày 1 tháng 7 cho biết, Australia đã quyết định tiếp tục tham gia chương trình tên lửa “Sea Sparrow phiên bản cải tiến” (ESSM) của NATO, đồng thời cấp 300 triệu USD cho nâng cấp loại tên lửa này.

Theo bài báo, tên lửa Sea Sparrow phiên bản cải tiến (ESSM Block 2) sẽ trang bị cho tàu hộ vệ lớp Anzac và tàu khu trục lớp Habart của Hải quân Australia, dùng để đề phòng sự tấn công của tên lửa chống hạm.

Tên lửa Sea Sparrow phiên bản cải tiến (ESSM)
Tên lửa Sea Sparrow phiên bản cải tiến (ESSM)

Ngày 29 tháng 6, Bộ Quốc phòng Australia đã đưa ra tuyên bố này, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston cho biết, tàu chiến Hải quân Australia sau khi trang bị ESSM nâng cấp, sẽ được bảo vệ tốt hơn, có thể làm giảm mối đe dọa của tên lửa chống hạm.

Ông Johnston còn cho biết thêm, Chính phủ Australia sẽ ký kết một bản ghi nhớ với Liên minh Sea Sparrow, hơn nữa chính phủ đã cấp khoảng 300 triệu USD hỗ trợ cho Australia tham gia nâng cấp loại tên lửa này. Dự kiến, khoảng năm 2020, Australia sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về khả năng mua sắm ESSM nâng cấp.

Chương trình ESSM của NATO được khởi động vào năm 1990. Hải quân Mỹ, Australia, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang sử dụng ESSM do Công ty Raytheon chế tạo.

Australia sắp đưa ra quyết định về chương trình Land 400

Theo tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 25 tháng 6, Chính phủ Australia (Úc) sắp đưa ra quyết định về chương trình Land 400 đầy tham vọng, chương trình này nhằm thay thế phần lớn xe bọc thép hiện có của lục quân.

Hợp đồng của chương trình này tổng trị giá lên tới 10 tỷ đô la Úc, là kế hoạch mua sắm trang bị đắt nhất, phức tạp nhất cho đến nay của Lục quân Australia.

Australia sắp đưa ra quyết định về chương trình Land 400 (ảnh minh họa, nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Australia sắp đưa ra quyết định về chương trình Land 400 (ảnh minh họa, nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Bài báo cho biết, chương trình này nhằm sử dụng trên 1.000 xe bọc thép mới tiên tiến thay thế cho xe chở quân bọc thép M113 quá thời hạn sử dụng, xe bọc thép hạng nhẹ Australia (ASLAV) và xe cơ động phòng hộ (Bushmaster) của Lục quân.

Mặc dù chương trình này tiêu tốn kinh phí khổng lồ, nhưng quyết sách này có thể sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Quân đội Australia trong xung đột tương lai.

Song nó lại ít được bên ngoài quan tâm. Trong khi đó, chương trình máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 và chương trình thay thế tàu ngầm lớp Collins lại được xét duyệt chặt chẽ hơn.

Hiện nay, Chính phủ Australia đang có kế hoạch tiến hành xét duyệt chặt chẽ hơn đối với chương trình Land 400, giống như chương trình máy bay chiến đấu F-35 và tàu ngầm mới.

Theo bài báo, hiện nay, Chính phủ Australia có khuynh hướng sản xuất xe bọc thép của chương trình Land 400 ở trong nước.

Công ty BAE Systems là nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Australia và một trong những nhà chế tạo xe bọc thép lớn nhất thế giới, là một đối thủ cạnh tranh nặng ký trong tranh thầu chương trình Land 400. Mấy loại xe hiện có của công ty này đều có khả năng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, bao gồm:

- Xe chiến đấu Bradley được Quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi ở Iraq;

Xe chiến đấu bộ binh Bradley Mỹ phóng tên lửa chống tăng
Xe chiến đấu bộ binh Bradley Mỹ phóng tên lửa chống tăng

- Xe chiến đấu Type 90 (Combat Vehicle 90) trang bị cho lực lượng vũ trang Thụy Điển;

- Xe chiến đấu bọc thép bánh lốp 8 x 8 Type RG41 trang bị cho lực lượng vũ trang Nam Phi;

- Xe chiến đấu Warrior được Lục quân Anh triển khai ở Iraq;

- Xe chiến đấu mặt đất – xe chiến đấu thế hệ tiếp theo của Lục quân Mỹ (Ground Combat Vehicle, GCV).

Một đối thủ cạnh tranh khác là Công ty General Dynamics, ông trùm quốc phòng Mỹ. Mặc dù so với BAE Systems, thị phần của công ty này ở Australia nhỏ hơn nhiều, nhưng họ đã thiết lập các điểm kinh doanh trên toàn quốc, chủ yếu là để cung cấp bảo trì cho xe bọc thép Australia.

Điều này cho thấy, công ty này đã có nền tảng năng lực hoàn thiện, có lợi cho cạnh tranh chương trình Land 400. Các sản phẩm cạnh tranh của họ là:

- Xe chiến đấu Stryker được Lục quân Mỹ sử dụng ở Iraq và Afghanistan.

Xe chiến đấu Stryker Mỹ
Xe chiến đấu Stryker Mỹ

- Xe bọc thép Piranha AV. Xe bọc thép hạng nhẹ Australia hiện có chính là xe cải tiến của nó.

- Xe chiến đấu bộ binh bánh xích Type ASCOD có trong quân đội Tây Ban Nha và Australia.

- Xe bọc thép hạng nhẹ có trọng tải cao (LAV High Capacity) có trong quân đội New Zealand và Canada.

Ngoài ra, các đối thủ cạnh tranh khác còn có Công ty Thales của Pháp, Công ty kim loại Rhine – Tập đoàn công nghệ Đức. Những năm gần đây, hai công ty này đều đã tích cực tham gia chương trình mua sắm xe chiến đấu của Lục quân Australia.

Hiện nay, Công ty Thales đã có khả năng thiết kế và chế tạo xe bọc thép lớn hơn, họ đang thực hiện chương trình xe chiến đấu Hawkei – chương trình “Land 121 giai đoạn 4”.

Công ty Rhine cũng tranh thầu thành công trong chương trình Land 121, đã giành hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD, cung cấp cho Quân đội Australia 2.500 xe tải quân dụng vào năm 2013.

Công ty này có các sản phẩm như xe bọc thép đa năng (AMPV), xe chở bọc thép bộ binh Boxer, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe chiến đấu bọc thép Puma. Những chiếc xe này ban đầu được chế tạo cho Lục quân Đức.

Xe bọc thép Piranha AV
Xe bọc thép Piranha AV

Công ty Boeing đã tham gia chương trình Land 400, đồng thời có khả năng hợp tác đấu thầu với nhà chế tạo khác.

Khi nói về thay thế xe bọc thép, phía Quân đội Australia khẳng định sẽ không đơn độc. Một số nước cũng đang có ý định thay thế đội xe cũ, chương trình xe tác chiến mặt đất của Mỹ là kế hoạch tham vọng nhất cho đến nay. Đầu năm 2014, do lo ngại vấn đề ngân sách, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ chương trình này.

Tháng 12 năm 2013, Canada cũng đã hủy bỏ một kế hoạch tương tự, kế hoạch này chuẩn bị tiêu vài tỷ USD để mua xe bọc thép mới.

Ở khu vực Bắc Mỹ, xu thế hiện nay cho thấy, mức ưu tiên của xe bọc thép trong chi tiêu quốc phòng tương đối thấp, đặc biệt là chiến tranh ở Afghanistan và Iraq đã đến hồi kết, trong khi đó tái cân bằng châu Á lại tập trung cho tác chiến trên biển. Xu thế này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai của chương trình Land 400 và đề nghị mua sắm 1.100 xe chiến đấu.

Báo cáo gần đây cũng cho biết, Chính phủ Australia “giật gấu vá vai” khi cung cấp hỗ trợ cho các chương trình quốc phòng đắt giá như “Kế hoạch thay thế tàu ngầm”.

Xe chiến đấu bộ binh Warrior Anh
Xe chiến đấu bộ binh Warrior Anh

Vấn đề hiện nay không chỉ là ai chế tạo những chiếc xe này, mà còn là khả năng mua sắm của Australia. Đây là vấn đề cần tập trung quan tâm của giới công nghiệp quốc phòng Australia.

Ít nhất, hiện nay, Chính phủ Australia đã bật đèn xanh cho chương trình Land 400, bước tiếp theo là xét duyệt lần đầu tiên của Chính phủ Australia năm 2014 – nếu như Chính phủ Australia vẫn tiếp tục chương trình này. Sau đó, phương án dựa trên nhu cầu sẽ được đặt ra cho các nhà thầu.

Chỉ có đến khi đó mới có thể thực sự xác định công ty nào sẽ giành chiến thắng chương trình trị giá lên tới chục tỷ đô la Úc.

Australia hợp tác nghiên cứu phát triển trang bị phòng vệ với Nhật Bản

Theo báo chí Trung Quốc thời gian gần đây, vào ngày 11 tháng 6, Nhật Bản và Australia đã tổ chức “hội đàm 2+2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước, hai bên đã đạt nhất trí về xây dựng, ký kết thỏa thuận cùng nghiên cứu phát triển “trang bị phòng vệ”, mở đường cho Nhật Bản bán công nghệ tàu ngầm cho Australia. Tuyên bố của hai bên cho biết, hai bên đạt nhất trí về hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston, Australia sẽ tăng cường quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Nhật Bản, trong đó có mua công nghệ tàu ngầm và công nghệ bảo trì máy bay chiến đấu F-35. “Nhật Bản và Australia có lợi ích chung về công nghệ quốc phòng, có thể tiến hành bổ sung ưu thế cho nhau”.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Australia rất quan tâm đến tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Nhật Bản, cho đây là loại tàu ngầm phù hợp nhất với nhu cầu của nước này, thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Johnston cũng đã đến tham quan tàu ngầm lớp Soryu ở căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản, đây là điều rất hiếm thấy.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, sở dĩ có khả năng chuyển giao công nghệ tàu ngầm tương đối nhạy cảm là do vào tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài 50 năm qua, một hành động nhằm tăng cường quốc phòng của Nhật Bản.

Theo bài báo, công nghệ tàu ngầm Nhật Bản sẽ có lợi cho Australia xây dựng hạm đội tàu ngầm, có thể lặn ở vùng nước sâu hơn ở Ấn Độ Dương. Thỏa thuận hai bên sẽ gồm có thiết kế vỏ ngoài của tàu ngầm.

Kế hoạch này có thể tiêu tốn 40 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết, tàu ngầm là lực lượng phòng thủ trên biển chủ yếu của Australia và Australia phải duy trì thực lực tàu ngầm hạt nhân nhất định.

Để tăng cường hợp tác Nhật Bản-Australia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có kế hoạch thăm Australia trong tháng 7 này.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Đông Bình