Tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật Bản |
Ngoại trưởng Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera Nhật Bản ngày 11 tháng 6 đã hội kiến với Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston Australia, hai bên đạt được đồng thuận về ký kết hiệp định liên quan hợp tác lĩnh vực trang bị phòng vệ.
Hành động này nhằm thúc đẩy Nhật Bản chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm có tiếng ồn nhỏ cho Australia. Sức hấp dẫn của tàu ngầm thông thường Nhật Bản đã đánh bại tàu ngầm hạt nhân tấn công Mỹ mà Australia từng chú ý đến, ưu thế của nó rốt cuộc ở đâu?
Căn cứ vào chiến lược quốc phòng lâu dài do chính phủ Australia đưa ra, quân đội Australia sẽ chi 37 tỷ USD, từng bước thay thế tàu ngầm thông thường lớp Collins hiện có.
Theo tờ "Herald Sun" Australia, tàu ngầm lớp Collins lớp 3.000 tấn có chi phí hoạt động hàng năm lên tới 100 triệu USD, còn đắt hơn tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia 7.800 tấn của Mỹ.
Nhìn vào nhu cầu của hải quân Australia, chỉ tiêu kỹ chiến thuật quan trọng nhất của tàu ngầm thế hệ mới là khả năng hoạt động liên tục siêu lớn và chi phí hoạt động, bảo trì thấp, bởi vì tàu ngầm lớp Collins thường xuyên đi xa khỏi bờ biển Australia, hoạt động ở vùng biển nhạy cảm châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu mức độ tự động hóa đối với tàu ngầm mới rất cao.
Nhìn vào một số đặc tính, tàu ngầm lớp Soryu mới nhất của Nhật Bản rất phù hợp với mong muốn của Australia. Trọng tải của tàu ngầm này tương đương tàu ngầm lớp Collins, còn lắp hệ thống AIP, có thể lặn dưới nước trên 10 ngày, có khả năng "gần như tàu ngầm hạt nhân", giá cả lại rẻ hơn nhiều tàu ngầm hạt nhân.
Khả năng tích hợp và nhạy cảm của thiết bị điện tử tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản được cho là hàng đầu, có thể giảm chi phí nhân sự luôn tăng lên, đương nhiên làm "động lòng" Australia.
Được biết, lĩnh vực thiết kế và chế tạo tàu ngầm của Nhật Bản rất tiên tiến. Lấy tàu ngầm lớp Soryu làm ví dụ, toàn bộ vỏ tàu chịu sức ép của nó dùng thép cường độ cao NS-110 để chế tạo, độ sâu khi lặn vượt không ít tàu ngầm hạt nhân, sâu tới 500 m, khả năng tàng hình dưới nước và khả năng sống sót mạnh hơn đa số tàu ngầm thông thường ở châu Á-Thái Bình Dương.
Về công nghệ dò tìm, tàu ngầm lớp Soryu ngoài thiết bị định vị thủy âm vỏ tàu truyền thống và thiết bị định vị thủy âm gắn trên cáp kéo (towed array sonar), còn trang bị (ít thấy) thiết bị định vị thủy âm bị động mạn tàu như tàu ngầm hạt nhân, do đó có khả năng dò tìm mạnh, có thể dò tìm mục tiêu cách xa trên các hướng.
Đối với tàu ngầm, âm thanh là "điểm yếu" chí tử nhất. Đối với vấn đề này, tàu ngầm lớp Soryu không những có lớp gạch giảm âm ở bề mặt thân tàu, mà còn lắp toàn bộ thiết bị máy móc ở "nền bè nổi", nó kết nối linh hoạt với thân tàu ngầm, làm cho âm thanh các thiết bị như máy chính không dễ bị truyền ra bên ngoài tàu. Chỉ về công nghệ này, đã có thể giảm âm thanh xuống 15-20 đê-xi-ben.
Theo tiết lộ của tờ "The Stars and Stripes" Mỹ, cũng chính vì tàu ngầm của Nhật Bản có tính năng tiên tiến, nó còn đóng vai trò "kẻ thù giả tưởng" của "tàu ngầm Trung Quốc" một cách lâu dài, cùng chia sẻ chiến thuật đối kháng với hải quân Mỹ.
Trong mấy năm gần đây, trong cuộc diễn tập săn ngầm Mỹ-Nhật, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đều điều tàu ngầm, tích cực chơi trò "mèo vờn chuột" và "chuột vờn mèo" trên biển với cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản |