Bác đề nghị tăng phí trông giữ xe của UBND TP Hà Nội

09/12/2011 08:10
Ngọc Quang
(GDVN) - Chiều qua (8/12), các đại biểu HĐND TP Hà Nội có một phiên tranh luận “nảy lửa” và bác đề nghị tăng phí trông giữ xe mới của UBND thành phố.
Đại diện của UBND thành phố Hà Nội cho hay, những năm gần đây phương tiện giao thông cá nhân (ôtô dưới 10 chỗ) tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông tăng chưa kịp đáp ứng gây ùn tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Căn cứ vào các Nghị định đã ban hành của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Hà Nội đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi lần đầu lên 20% - tức là mức tối đa, lệ phí trước bạ lần hai trở đi vẫn giữ nguyên là 12%. Phí cấp biển ôtô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải hiện tại là 2 triệu đồng sẽ tăng lên 20 triệu đồng.


Đối với xe máy trị giá dưới 15 triệu đồng giữa nguyên mức thu phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số là 500.000 đồng; từ 15-40 triệu đồng, phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số là 2 triệu đồng, còn xe trị giá trên 40 triệu đồng mức thu phí này là 4 triệu đồng.
Tại mục tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, UBND thành phố đề xuất mức phí với xe đạp ở các quận và huyện Từ Liêm là 2.000 đồng/lượt, cả tháng là 50.000 đồng (tăng 25.000 đồng); xe máy thu 3.000-5.000 đồng/lượt, theo tháng là 90.000 - 120.000 đồng (tăng 45.000 - 75.000 đồng); trông giữ ôtô trong nội thành 30.000 - 40.000 đồng/lượt 120 phút, gửi tháng tối thiểu là 1,1 triệu đồng và tối đa là 4,5 triệu đồng. UBND thành phố cho rằng, mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô hiện hành được xây dựng từ năm 2007 không còn phù hợp.
Ngay sau phần báo cáo của UBND thành phố, ĐBNguyễn Hoài Nam cho rằng, trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận nên nếu tăng phí trông giữ xe mà không tăng phí thuê hè, đường thì nên tạm dừng việc tăng phí này. Trước đó, ông Nam cũng cho rằng nếu Hà Nội tăng phí trước bạ và đăng ký biển số lên mức tối đa thì nên có sự phối hợp với các địa phương khác để tránh tình trạng ô tô đăng ký biển ngoại tỉnh tràn vào Hà Nội.

“Nếu không tính toán cẩn thận, Hà Nội không những thất thu ngân sách mà cũng không kiểm soát được mục tiêu. Hơn nữa, ô tô con cá nhân cũng chưa phải nguyên nhân chủ yếu gây ra tắc đường để mà phải thu phí mức cao như vậy, mặt khác sự gia tăng số lượng xe con phản ánh sự phát triển của thành phố. Nếu nói là xe con gây tắc đường, vậy hãy nhìn vào những dịp lễ Tết xem, Hà Nội có tắc đường đâu?”, ĐB Nam cho hay.
Đồng tình với ĐB Nam, ĐB Vũ Mạnh Hải nhận định, Hà Nội phần lớn là dân đi xe đạp, xe máy. Họ là những người có thu nhập thấp, có người phải gửi xe nhiều lần một ngày, và nếu tăng phí trông giữ xe lên mức mà UBND thành phố đề xuất thì cần xem lại.

Theo ông Hải: “Đây chính là một trong những vấn đề an sinh xã hội, đối với những người dân nghèo thì chỉ cần tăng phí vài chục nghìn mỗi tháng cũng khiến cho họ gặp nhiều khó khăn. Với mức thu phí như hiện nay mà các bãi coi giữ xe đã tự ý tăng phí lên gấp đôi, gấp ba. Liệu rằng khi tăng phí lên mức mới thì những bãi coi giữ xe kia có giữ nguyên giá hay tiếp tục tăng ngầm? Thời gian vừa qua, việc kiểm tra giám sát thực hiện niêm yết giá trông giữ xe đạp, xe máy tại Hà Nội làm chưa tốt, vẫn còn rất nhiều điểm thu phí vượt quy định”.
Đại diện UBND thành phố khẳng định cho rằng, việc tăng lệ phí trước bạ chỉ nhằm vào xe dưới 9 chỗ ngồi nhằm hạn chế xe du lịch, không mấy người mua xe mà lại đi đăng ký ở tỉnh ngoài, cá biệt cũng có nhưng không nhiều.
Không đồng ý với giải trình trên, ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tranh luận: "Tôi cảm nhận việc ban hành chính sách này không công bằng, đánh giá tác động hơi chủ quan. Thành phố phải huy động các nhà khoa học xem có giải pháp hạn chế ôtô cá nhân hiệu quả hơn".

Ở chiều ngược lại, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện trung bình cứ 13 người dân Hà Nội có 1 giấy phép lái xe ôtô và 3,5 người dân có một giấy phép lái xe máy; chỉ riêng khu vực vành đai 3 đã có hơn 360.000 giấy phép lái xe ôtô. Ông Hùng nêu quan điểm: "Những người đó không làm bằng lái để chơi , cho nên việc tăng lệ phí trước bạ là giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông".
Đối với đề nghị tăng phí trông giữ xe đạp xe máy, ông Nguyễn Huy Tưởng – Phó Chủ tịch UBND thành phố giải trình các thắc mắc của đại biểu rằng, phí trông giữ xe đạp, xe máy tăng rất ít, chỉ 1.000- 2.000 đồng, trong khi trượt giá từ năm 2004 tới nay là 70%. “Mức tăng phí mới sẽ đảm bảo cho việc kiểm soát chặt chẽ các quy định về phí trông giữ xe, còn với mức thu hiện nay là quá thấp.

Thành phố cũng kiên quyết rà soát các điểm trông giữ xe trái phép, từ nay đến Tết sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra chặt các điểm trông xe có phép về vấn đề thu phí. Hiện nay, nếu không tăng phí thì các điểm trông giữ xe vẫn tăng lên theo ý của họ, như vậy thì ngân sách thành phố bị thất thu", ông Tưởng cho hay.
Tuy nhiên, BĐ Nguyễn Thị Thùy cho rằng: “Việc nói tăng phí không đáng kể là không đúng, bởi vé tháng tăng từ 45.000đ - 90.000đ, phí gửi xe nội thành tăng từ 2.000đ - 5.000đ, ngoại thành tăng từ 2.000đ - 3.000đ… với mức thu nhập của công chức chỉ hơn 2 triệu đồng, gửi xe ở chung cư đã hết 170.000đ - 200.000đ/tháng; đó là còn chưa kể khi họ bị ốm đau phải vào viện thì gửi xe đi lại nhiều lần trong ngày, nhưng khoản phí ấy cứ nói là không cao, nhưng rõ ràng nó sẽ tăng thêm gánh nặng hiện nay”.
Kết thúc phiên thảo luận kéo dài vượt dự kiến gần 1 giờ đồng hồ, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng lệ phí trước bạ và phí cấp biển xe ô tô, nhưng không thông qua đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy và đề nghị giữ nguyên mức phí hiện tại.
Ngọc Quang